Đưa 'sách sống' vượt qua kỳ thị

Bạn đọc gặp đầu sách “Tự hoại”.
Bạn đọc gặp đầu sách “Tự hoại”.
TP - Mỗi con người bị xã hội kỳ thị định kiến đều có thể trở thành một cuốn sách sống. Sau một lần tham dự Human Libary (Thư viện sách sống) tại Mỹ, du học sinh Lê Anh Thư đã tìm cách đưa dự án này về Việt Nam.

Với một nữ sinh từng bị cô lập ở xứ người như Thư, hành trình về nước đi tìm, tiếp xúc và thuyết phục những nhân vật “bị phân biệt đối xử” nhận lời xuất hiện để ai đó “đọc” họ là trải nghiệm “chẳng thể ngừng hấp dẫn”.

Theo định nghĩa của hoạt động này, “sách sống” là những con người bị kỳ thị định kiến cụ thể - họ còn được gọi là các “đầu sách”. Và việc “đọc” của “bạn đọc” ở đây chính là việc tiếp xúc, trao đổi với họ.

Tại mùa đầu tiên, ở Hà Nội, Ngày đọc sách sống diễn ra từ  29 đến 30/7/2016 đã thu hút 500 lượt đọc. Các đầu sách như Trầm cảm, Tự hoại, Song tính, Ma túy... ngồi tại các bàn khác nhau trong một phòng lớn. Một số đầu sách như Mại dâm (đang hành nghề) được Ban tổ chức (BTC) xếp cho phòng riêng. Trước đó bạn đọc đăng ký qua trang Facebook Human Libary VN những đầu sách mà họ muốn đọc. Vào Ngày đọc sách họ sẽ đến nhận thẻ rồi ngồi đợi tới lượt vào bàn đọc. Mỗi đầu sách có thể tiếp xúc cùng một lúc tới 10-15 bạn đọc, có thể họ chỉ tiếp một bạn đọc. Mỗi bạn đọc có thể đọc rải rác các đầu sách khác nhau. Đầu sách sẽ giới thiệu về mình, bạn đọc đưa ra câu hỏi, với những câu thiếu tôn trọng và quá riêng tư đầu sách có quyền từ chối trả lời. Người đọc gặp và biết câu chuyện của “đầu sách” nhưng không được quyền biết danh tính của họ.

Vào mùa đầu chuẩn bị cho Ngày đọc sách, đa số công đoạn Anh Thư phải tự mày mò, từ kết nối với bạn đọc đến tìm kiếm đầu sách. Không dễ để giải thích cho mọi người “đầu sách là gì?” huống chi thuyết phục những nhân vật vốn ẩn mình, mặc cảm lại công khai mặt mũi, kể chuyện đời mình.

Tìm những đầu sách gây tranh cãi

Mùa đọc sách  2017 diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua tại Hà Nội nhộn nhịp hơn vì có thêm nhiều đầu sách cũng như bạn đọc mới. Anh Thư và ban nội dung chủ trương tìm những đầu sách gây ý kiến trái chiều mạnh mẽ nhất.

“Bloger thời trang”, “Mại dâm nam”, “Quan hệ mở, cuồng dâm”, “Người mẫu khỏa thân”... là một số trong những đầu sách lần đầu xuất hiện và lượng người đăng ký đọc hầu như luôn quá tải.

Icon (Biểu tượng) thời trang châu Á, Bloger Thời trang Plaaastic (với 3 chữ “a”) nổi tiếng về phong cách “khác người”, có  khoảng 1 triệu người theo dõi trên mạng, cộng với hiệu ứng của cuốn tự truyện “Lỗi- error 404” mới xuất bản vậy nên bàn của chị hầu hết là các fan đến đọc thần tượng của mình. Nhiều bạn đọc xong, xin được ôm chị thật chặt lúc ra về.

Đầu sách “Quan hệ mở, cuồng dâm” là một phụ nữ tuổi khoảng 35 tuổi, nét mặt xinh, da xanh xao. Chị nói tiếng miền Nam, giọng khẽ, bạn đọc gần như phải nín thở để nghe rõ, phần vì mọi người đều thầm thắc mắc “người dịu dàng ngần kia mà quan hệ mở và cuồng dâm ?”.

Ngồi ở bàn “Mại dâm nam” là một thanh niên 18 tuổi, mặt tròn, luôn nở nụ cười hớn hở. Cậu hồn nhiên giới thiệu mình là gay, về lý do cậu vào nghề và cách thức đi khách. “Mình là  nhân viên bán hàng ở 3 công ty, thu nhập 20 triệu một tháng. Mình bán dâm không vì tiền mà vì thích sex và khá yêu nghề này”.Câu hỏi mà bạn đọc thường xuyên hỏi là “Cậu có người yêu cố định không”, “Có nghĩ về tương lai không?”. Đầu sách này luôn có cách trả lời đề mọi vấn đề nghiêm túc trở thành nhẹ nhàng, hài hước. Không ít độc giả đọc “Mại dâm nam” tới vài lần. Họ trở lại lần đọc vào ngày hôm sau và kéo thêm một số bạn bè.

Đưa 'sách sống' vượt qua kỳ thị ảnh 1 Đầu sách “Mại dâm nam” khá hài hước.

Anh Thư chia sẻ, nhiều người từng bị đám đông hắt hủi, không được phép nói về trạng thái thật của mình thì trong ngày làm đầu sách  họ được giãi bày, chia sẻ,thậm chí được hâm mộ nhờ đó suy nghĩ và hành xử  của họ có nhiều biến động tích cực. Thư và các bạn trong BTC cũng tranh thủ đọc các đầu sách vào những lúc rảnh. Các đầu sách cũng tìm cách khám phá nhau. “Vô tính” nhảy vào bàn “Cuồng dâm” đọc (nghe) như bị thôi miên.

Bản thân Thư đã từng gặp sang chấn tinh thần trong năm đầu tiên du học lớp 11 ở Mỹ. Học sinh trong trường toàn con nhà giàu, họ coi thường chế giễu khiến Thư thấy mình “quê mùa, kém cỏi”. Cô rơi vào trầm cảm vì bị cô lập. Thư vui vẻ nhớ lại “ Sau khi chuyển trường, tiếng Anh vững lên, tham gia hoạt động xã hội, tôi thấy mình thông minh hơn nhiều người trong số họ ấy chứ. Mình dùng ngôn ngữ thứ hai mà giỏi như họ dùng tiếng mẹ đẻ”.

Ở mùa 1 “Thư viện sách sống”  năm ngoái, Thư kiêm luôn đầu sách Trầm cảm, câu chuyện của cô được rất nhiều du học sinh chia sẻ và đồng cảm.

Trong hành trình tìm “sách sống” một số lần Thư cảm thấy  bất lực vì có những đầu sách rất hay như “HIV” mà ít người đăng ký. Mọi người sợ ngồi gần sẽ lây hoặc không an toàn. Đầu sách “Ma túy” cũng khá ế trong khi các bàn khác nườm nượp xếp hàng. Trong vai trò BTC, Thư thấy ái ngại, lo đầu sách đó tủi thân. “Người đọc chỉ tò mò thôi, sư kỳ thị trong họ vẫn còn nguyên”.

Đưa 'sách sống' vượt qua kỳ thị ảnh 2 Sáng lập viên Human Libary VN Lê Anh Thư.

Người tự ti thành diễn giả

Với vai trò cộng tác viên dự án Giáo dục giới tính phát bao cao su cho gái mại dâm của Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), Thư gặp được nhân vật (đầu sách) gây ấn tượng nhất của mình ở hồ Thiền Quang (Hà Nội). Chị mới 30 tuổi “mà tàn tạ khắc khổ già hơn tuổi nhiều lần”, từng kết hôn, bị chồng hành hạ, nhà chồng lừa bán chị sang nhà thổ ở Trung Quốc. Được công an biên phòng giải cứu, về đến Hà Nội, chị gặp và sống chung với người bạn trai nghiện hút. Anh ta  ép chị trở lại nghề bán dâm.

Thư nói: “Trước đây tôi cứ nghĩ làm nghề mại dâm là nhưng người lười biếng, sợ lao động, giờ mới hiểu có người do hoàn cảnh xô đẩy”. Đầu sách “Mại dâm” này rất đông người đọc. Sau đó Thư vẫn giữ liên lạc, được biết chị ấy đang cố gắng gom tiền để mở quán nước rồi bỏ nghề.

Có một nữ sinh cấp 3 liên lạc với Thư xin làm đầu sách “Xâm hại tình dục”. Hồi bé em từng bị người thân xâm hại. Bố mẹ coi như không có chuyện gì xảy ra, còn em trong nhiều năm bị trầm cảm tự ti và sợ hãi khi đứng gần nam giới. Câu chuyện của em khiến một số bạn đọc, nhất là lứa tuổi phụ huynh rúng động nhận ra “sự lờ đi cú sốc tinh thần của con tai hại đến mức nào”. Cha mẹ cứ nghĩ không nhắc đến để đứa trẻ sẽ tự quên, vết thương sẽ lành, thực ra ngược lại”.

Khá nhiều bạn trẻ đăng ký phỏng vấn làm tình nguyện viên của dự án nhưng Thư phát hiện ra họ chính là “đầu sách”. Có một học sinh gửi bài viết rất tốt, được tuyển vào Ban nội dung, khi tiếp xúc với bạn này Thư thấy bạn có biểu hiện bồn chồn, căng thẳng. Lúc nói chuyện, bạn liên tục di chuyển cốc trên mặt bàn, tay vân vê vật gì đó và ánh mắt sợ hãi nhìn người xung quanh. Qua trò chuyện, Thư được biết bạn mắc chứng sợ đám đông, tự ti, nhiều lần muốn tự tử. Thư khuyến khích bạn trở thành đầu sách “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế”, cùng đó bạn vẫn giúp BTC làm nội dung.

Bị thừa năng lượng

Thư tự nhận mình là người dư thừa năng lượng. Mẹ Thư cho các con học tiếng Anh, vẽ, nhạc từ lúc bé tí. Thư học piano, violin, lớn lên thích học trống, mẹ mua luôn dàn trống mời gia sư về dạy. Học trường chuyên Amsterdam, vừa tham gia Glee Ams (Câu lạc bộ Ca vũ kịch), vẽ tranh, cô vẫn còn năng lượng cho bóng chuyền, chạy marathon. Thư kể ở trường chuyên học lực cô không nổi trội so với một rừng học sinh siêu giỏi, sang Mỹ trường của cô không khủng như trường của nhiều bạn đồng trang lứa. Thư bày tỏ lòng biết sâu sắc với mẹ “mẹ cho tôi học tiếng Anh và các môn nghệ thuật. Đó là cánh cửa rộng cho tôi tự tin vào đời. Nhờ có nghệ thuật mà tôi dễ dàng hơn khi truyền đạt điều mình muốn và theo đuổi những hoạt động có ích cho cộng đồng”.

Thư thổ lộ “môn nào tôi cũng theo học dễ dàng chỉ có một thứ tôi luôn thất bại là ngoại ngữ”. Do học tiếng Anh từ mẫu giáo nên “không tính là ngoại ngữ”, sau đó Thư hô quyết tâm nhiều lần học thêm tiếng Pháp, tiếng Ý đều bị bỏ dở”.

Hiện tại Anh Thư đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Oberlin (Ohio, Mỹ). Ngoài chuyên ngành chính là Lịch sử nghệ thuật Hội họa cô chọn ngành phụ là Nghiên cứu giới tính, phụ nữ và tình dục. Cách đây hai năm, sau lần tham dự Thư viện sách sống tại Mỹ, cô vào trang web chính của Human Libary Toàn cầu (trụ sở ở Đan Mạch) điền đơn xin được tổ chức Thư viện sách sống tại VN. Ngày đọc sách lần đầu tiên, cuối tháng 7 năm 2016 diễn ra thành công tại HN theo đúng qui trình của Human Libary quốc tế. Thư tự hào và nhớ sâu sắc hôm 30/7/2016 đó, lá cờ VN đã hiện lên trang web chính thức của Human Libary toàn cầu. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 70 tham gia dự án này.

Trong 1 năm qua Human Libary VN đã tổ chức 2  mùa đọc tại Hà Nội và 1 mùa đọc tại TP HCM. Sau đợt nghỉ hè này, Anh Thư trở lại Mỹ đi học, theo kế hoạch tháng 1 /2018 Mùa đọc 2 tại TP Hồ Chí Minh sẽ khởi động.

“Hành trình tìm sách sống của tôi có lẽ là hành trình thuyết phục những người tự ti, ẩn mình trở thành diễn giả hấp dẫn trước một nhóm người lạ mang thiện chí khám phá họ”. 

 Lê Anh Thư

MỚI - NÓNG