Đừng làm mình yếu đi

Đừng làm mình yếu đi
TP - Bị nhão cơ từ nhỏ, chỉ cử động được một ngón tay, nhưng Nguyễn Công Hùng tự học máy tính, giành giải Hiệp sỹ công nghệ thông tin, năm 2005, Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006…

> Sống, để chia sẻ cộng đồng

Nguyễn Công Hùng - Hiệp sĩ công nghệ thông tin
Nguyễn Công Hùng - Hiệp sĩ công nghệ thông tin.
 

Công Hùng (quê ở Nghệ An, hiện sống ở Hà Nội) mở Trung tâm đào tạo tin học Nghị lực sống để giúp đỡ người khuyết tật. Hùng tâm sự: Nhiều bạn trẻ đến đây trong lúc gặp khó khăn về tinh thần vì muốn tìm một nơi để nuôi dưỡng tâm hồn. Sau đó các bạn thay đổi nhiều, nhất là cách nhìn về cuộc sống. Những bạn thi trượt đại học cũng tìm đến ba cùng với người khuyết tật và lạc quan trở lại.

Hùng có nghĩ nhiều bạn trẻ có điều kiện sống đầy đủ nhưng lại thờ ơ với cuộc sống, hình như khuyết tật về tâm hồn?

Đúng là có nhiều người trẻ còn thờ ơ với cuộc sống. Có cả người có điều kiện sống tốt và người lâm vào hoàn cảnh khó khăn đã không xác định được mục đích cuộc sống, thiếu ý chí, ích kỷ. Như lời bài hát của Trịnh Công Sơn cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ, nhiều người trẻ hững hờ với chính mình. Các bạn nên chăm lo về tinh thần nhiều hơn vật chất.

Hùng có bao giờ hững hờ với chính mình?

Mình được như thế này là may mắn hơn so với nhiều người khuyết tật khác. Nỗ lực cùng những việc mình đang làm không cho phép mình được hững hờ. Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết. Chỉ cần thế, với mình cuộc sống vẫn là điều tươi đẹp.

Bạn trẻ khuyết tật học kỹ năng sống. Ảnh: Lưu Trinh
Bạn trẻ khuyết tật học kỹ năng sống. Ảnh: Lưu Trinh.
 

Trung tâm còn nhiều khó khăn, có bao giờ Hùng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc?

Mình luôn đối mặt với khó khăn. Nếu từ bỏ, cuộc sống sẽ bớt sức ép hơn. Nhưng làm thế này mình có nhiều niềm vui hơn. Mỗi lần có thành quả, lại kích thích, thúc đẩy mình hướng về phía trước.

Phải chăng tâm lý tự ty của chính bạn trẻ khuyết tật và gia đình đang cản trở họ vươn lên?

Ba mẹ luôn hỗ trợ những gì tốt nhất cho mình nên mình mới được như ngày hôm nay. Nhiều bạn khuyết tật viết thư mong mỏi được đến trung tâm học, bọn mình đi xin học bổng, nhưng đến ngày thông báo nhập học, gia đình lại cản trở. Có thể người ta nghĩ con mình có học cũng không để làm gì.

Có gia đình sợ cho con cái ra ngoài sẽ mặc cảm vì bị người khác xem thường. Những điều này khiến bạn trẻ khuyết tật yếu đi và khó vượt qua hoàn cảnh. Mình cho rằng bị khuyết tật không đáng sợ, cái đáng sợ là đánh mất nghị lực sống.

Cảm ơn Công Hùng!

Hà Nguyên Hạnh thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG