Duyên nợ với Trường Sa

Hà vừa ra Huế thăm mộ bạn để kể cho Minh nghe về Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Ảnh: Bình Minh.
Hà vừa ra Huế thăm mộ bạn để kể cho Minh nghe về Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Ảnh: Bình Minh.
TP - Chuyện một chàng trai trẻ ra thăm Trường Sa không chỉ vì yêu biển đảo, mà còn để thực hiện ước nguyện của người bạn trong quân ngũ đã mất. Hay chuyện những cựu lính đảo mang gói trà thơm, can cà muối, đôi dép tổ ong, chiếc tông đơ cắt tóc… ra thăm đồng đội và giúp đỡ những người lính có hoàn cảnh khó khăn. Với họ ra Trường Sa là “duyên - nợ”, là nơi để thể hiện tình yêu Tổ quốc, tình bạn, tình đồng đội chân thành.

Ra Trường Sa vì đồng đội đã mất

Trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017”, khác với sự trẻ trung, năng động của một cán bộ Đoàn, Huỳnh Nguyên Hà, bí thư Đoàn Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM mang nhiều ưu tư. Mỗi tối, Hà thức rất khuya và lấy sổ ghi chép gì đó. Về sau, chúng tôi mới biết hằng đêm Hà thức viết nhật ký về Trường Sa để về kể cho đồng đội cũ đã mất.

Câu chuyện của 9 năm về trước. Lúc ấy, Hà đi nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 309, ở Biên Hòa (Đồng Nai) gặp Huỳnh Thanh Minh (quê Thừa Thiên - Huế), học viên Trường Sĩ quan Lục quân thực tập tại đơn vị. Bằng tuổi, nhiều quan điểm tương đồng trong quân sự, chính trị, ước muốn dấn thân đến những nơi khó khăn và nhất là tình yêu biển đảo khiến 2 người gắn kết.

Hà kể, đêm cuối khi Minh hoàn thành khóa thực tập 2 người đã ngồi uống trà và tâm sự với nhau từ đêm đến sáng hôm sau về dự định, ước mơ bản thân. “Ngoài câu chuyện về gia đình, công việc, chúng tôi dành thời gian nhiều để trải lòng về biển đảo. Minh mong ước khi ra trường sẽ được về công tác tại các đảo ở Trường Sa và dự định làm đơn lên đơn vị khi ra trường”, Hà nhớ lại.

Sau đó, Minh về công tác tại Huế. Còn Hà khi hoàn thành nghĩa vụ về làm việc tại Sài Gòn. Hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Đầu năm 2016, Minh mừng gọi điện khoe với Hà được đơn vị đồng ý cho ra công tác Trường Sa. Nhưng sau đó không lâu, Hà sốc khi nhận được tin Minh mất bởi tai nạn giao thông. Trong chuyến công tác qua Huế, Hà tranh thủ đến viếng bạn. “Bên mộ Minh, mình hứa sẽ thay bạn đến Trường Sa khi có thể. Để sau đó về kể lại với Minh về thực tế ở ngoài biển đảo Trường Sa”, Hà chia sẻ.

Và rồi, khi hiện thực hóa giấc mơ ra đảo Trường Sa thay bạn, trong trang nhật ký gửi Minh, Hà viết: “Nếu giờ này Minh có mặt ở Trường Sa, Minh có lẽ đang phục vụ tại Lữ đoàn hải quân 146 hay còn gọi là Lữ đoàn Trường Sa nhỉ! Nhưng đáng tiếc, thực tế không phải như vậy! Trong chuyến hải hành này, mình thay mặt anh linh của bạn gửi lời chào đến Trường Sa… Các đảo của chúng ta vững vàng trước bão dông, đủ sức bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc… Khi chia sẻ với đoàn viên, thanh niên, Hà mượn hình ảnh của Minh và các anh để nói cho các bạn hiểu rằng tình yêu Tổ quốc thiêng liêng cao đẹp của thanh niên Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người lính. Người mang tình yêu đó và cống hiến cho sứ mệnh đó mới xứng đáng là thần tượng”…

Sau những ngày lênh đênh trên biển, đến với 10 điểm đảo và nhà giàn DK1, chia tay đoàn về đất liền Hà đã ra Huế thăm mộ bạn để kể cho Minh nghe về Trường Sa thân yêu hiện tại.

Duyên nợ với Trường Sa ảnh 1 Thiếu tá Vũ Quang Tiệp bên những gốc dừa đầu tiên ở đảo Nam Yết do chính tay mình trồng. Ảnh: Bình Minh.

Ấm tình đồng đội người lính đảo

Bước chân lên nhà giàn DK1, một thành viên trên tàu mang con ốc nhỏ ra bồn nước rửa rêu. Thấy vậy, Thiếu tá Vũ Quang Tiệp lao nhanh tới tắt vòi nước và bảo: “Nước trên đảo quý lắm, không như ở đất liền. Chiến sỹ tắm, giặt nhiều khi không đủ nên không được lãng phí”.

Đó là chia sẻ chân tình của một người từng công tác ở nhiều điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (từ năm 1994 đến 2003). Trong chuyến hải trình này, anh Tiệp trở lại đảo Nam Yết sau gần 15 năm. Đến đảo Nam Yết, đi giữa hàng dừa rợp mát, ra thăm nghĩa trang thắp hương cho đồng đội, Thiếu tá Tiệp không cầm lòng bởi nơi đây có những người đồng đội anh đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1994, anh đã tự tay vun trồng những gốc dừa đầu tiên để có được màu xanh và bóng mát như ngày nay.

Kỷ vật thời lính đảo anh Tiệp luôn cất giữ bên mình là chiếc đồng hồ casio cũ cháy đen màn hình. “Đồng hồ cháy đen như bị đốt lửa là do nắng biển nóng quá lớp nhựa không chịu được. Nhưng chiến sỹ thời đó ai cũng thích bởi buổi tối ấn nút nó hiện đèn vàng sáng. Giữ đồng hồ nhắc nhở mình nhớ tới những gian khổ của người lính đảo”, anh Tiệp nói.

Về đất liền, anh Tiệp luôn cố gắng giúp đồng đội công tác ở đảo có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, anh đấu giá cây bàng vuông - kỷ vật đã gắn bó năm tháng công tác ở Trường Sa để giúp đỡ gia đình Thiếu úy Nguyễn Văn Thêu, nhân viên ra đa trên đảo Trường Sa Lớn có con bị điếc bẩm sinh. Bởi nếu con của anh Thêu không được mổ cấy ghép điện cực ốc tai sớm, nguy cơ bị điếc vĩnh viễn. Sau đó, ngoài số tiền 7 triệu đồng đấu giá được từ cây bàng, gia đình anh Thêu còn nhận được số tiền trợ giúp hơn 100 triệu đồng từ các tập thể, cá nhân trên cả nước. Khi trở lại đảo Trường Sa Lớn, nơi Thiếu úy Thêu công tác, biết gia đình Thêu chưa hết khó khăn, Thiếu tá Vũ Quang Tiệp đã kết nối để các nhà hảo tâm động viên, chia sẻ khó khăn.

Duyên nợ với Trường Sa ảnh 2 Trung tá Nguyễn Đăng Toán (áo sọc kẻ bên trái), Thiếu tá Vũ Quang Tiệp (áo sọc kẻ bên phải) cùng một số anh em trong đoàn thăm nhà Thiếu tá Mai Phương Duy (Trợ lý công binh đảo Nam Yết) và tặng con gái Duy cuốn sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. Ảnh: Bình Minh.

Ngoài anh Tiệp, trong hải trình lần này còn có Trung tá Nguyễn Đăng Toán - Trợ lý doanh trại Phòng Doanh trại (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), người cũng từng có hơn chục năm là sĩ quan công binh đi xây dựng các đảo. Trung tá Toán đã không giấu nổi những giọt nước mắt khi đặt chân lên đảo Đá Lớn. Anh cho biết, năm 2006, anh và đồng đội của mình- những người lính công binh đã dầm mình đóng từng cây cọc, xây dựng bến cập xuồng... góp phần xây dựng và cải tạo đảo như ngày hôm nay. “Lính đảo giờ không gặp nhiều khó khăn như thời gian chục năm về trước, nhưng so với trong đất liền thì anh em còn vất vả, thiệt thòi. Những cựu lính đảo như chúng tôi luôn ấp ủ làm được điều gì đó ý nghĩa cho hậu phương của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở đảo Trường Sa”- Trung tá Toán chia sẻ.

Ra đảo Nam Yết, anh Toán gặp lại Trung đội trưởng Mai Phương Duy (giờ là Thiếu tá Mai Phương Duy-Trợ lý công binh đảo Nam Yết). Sau 6 năm mất liên lạc, giữa Trường Sa những đồng đội ôm chầm lấy nhau không nói lên lời. Ký ức về thời cùng góp sức xây dựng 3 đảo: An Bang, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông tràn về xúc động. Họ đã cùng nhau chia sẻ vui buồn, chai nước ngọt, bát cháo khi đau ốm… Vị đại đội trưởng năm xưa bật khóc rưng rức như đứa trẻ khi biết thêm về hoàn cảnh riêng tư không may mắn của Thiếu tá Duy, vợ mới mất vì bạo bệnh, con thơ đang ở nhà với ông bà nội.

Sau chuyến công tác Trường Sa trở về, Trung tá Nguyễn Đăng Toán, Thiếu tá Vũ Quang Tiệp cùng một số anh em đã tìm về xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - quê nhà của Thiếu tá Duy tặng con gái Duy cuốn sổ tiết kiệm nhỏ đỡ việc học hành. Ngoài ra, phòng 235 (gồm có Trung tá Toán, Thiếu tá Tiệp và những thành viên trong phòng 234, tàu Kiểm Ngư 490 trong hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo 2017”) cũng quyên góp được 55 triệu đồng để trực tiếp vào Cam Ranh trao tặng 11 suất quà cho 11 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang công tác tại Trường Sa.

“Bạn ơi! Hà đã đến Trường Sa/ Dẫu biết đời này mình vĩnh viễn chia xa/ Mình vẫn muốn đến Trường Sa thay bạn/ Trường Sa như bạn thường hay kể/ Trời vẫn trong và biển vẫn xanh/ Từng con nước ngày hai lần lên xuống/ Đàn hải âu tung cánh trắng trời chiều/ Còn quyết tâm của người lính đảo/ Chẳng hề giảm suy vẫn tỏa sáng diệu kỳ…”

Trích lời bài Thơ Gửi Minh ở cuốn nhật ký

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.