Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học
TP - Từ 121 hồ sơ đề cử gửi về, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn 20 gương mặt xuất sắc nhất ở 9 lĩnh vực. Tiền Phong sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc chân dung 20 đề cử. Số báo này là các đề cử ở lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học.

Nghèo và giỏi!

Điều này đúng với hai trường hợp được đề cử ở lĩnh vực học tập. Trong khi Bùi Quang Tú (SN 1995) sở hữu các huy chương danh giá tại các cuộc thi Olympic ở châu Á và thế giới thì Nguyễn Hữu Tiến (SN1995) lại nổi danh vì “nghèo mà giỏi”.

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học ảnh 1

Nguyễn Hữu Tiến

Tiến nổi tiếng khi trở thành thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội năm 2013 gắn với cái nghèo. Trong 11 năm liên tiếp, Tiến đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 12, Tiến đạt giải Nhì môn Toán cấp thành phố Hà Nội. Không có điều kiện đi học thêm, hay mua sách tham khảo, những lúc đi làm đồng, chăn bò, Tiến tranh thủ ôn bài nhưng vẫn đạt thành tích đáng nể.

“Đối thủ” trong cuộc đua 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của Tiến là Bùi Quang Tú, cựu học sinh trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội. Năm 2013, Tú giành cú đúp Huy chương vàng môn Vật lý ở cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Vật lý châu Á. Tú cũng là cây săn giải thưởng đáng nể, trong đó có giải nhất quốc gia môn Vật lý năm học 2012 - 2013. Với thành tích này, Tú được tuyển thẳng vào khoa Vật lý trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học ảnh 2

Bùi Quang Tú

Tú bất ngờ khi biết mình lọt vào danh sách 20 đề cử. “Đây là vinh dự lớn đối với mình”, Tú chia sẻ. “Điều này giúp mình có thêm động lực để cố gắng trong tương lai”, Tú nói. Tú dự định sẽ đi sâu nghiên cứu khoa học. “Trước hết sẽ phấn đấu học xong đại học, sau đó là thạc sỹ, tiến sỹ và hướng đến nghiên cứu, phát triển những kiến thức đã học được”, Tú cho biết.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học

Năm 2013, PGS.TS. Lê Anh Vinh (SN 1983) là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu đồng thời là phó giáo sư trẻ nhất. Lê Anh Vinh từng nhận bằng tiến sỹ của Đại học Harvard khi 27 tuổi. Anh đã làm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Toán - Lý Erwin Schrodinger (Vienna, Áo) và giảng viên tại Khoa Toán, trường ĐH Rochester (Hoa Kỳ).

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học ảnh 3

Lê Anh Vinh (giữa)

Lê Anh Vinh có nhiều bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế; chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Với những cống hiến trong nghiên cứu khoa học, Lê Anh Vinh từng được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của T.Ư Đoàn.

Cùng được lọt vào danh sách 20 đề cử ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học có TS. Tạ Hải Tùng (sinh năm 1980), hiện là Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) của Đại học Bách khoa Hà Nội, ghi dấu ấn với những công trình liên quan công nghệ định vị sử dụng vệ tinh.

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học ảnh 4

Tạ Hải Tùng

Anh là tác giá của hai sản phẩm Bộ thu định vị đa hệ thống NAVISOFT và Bộ thu định vị độ chính xác mm/cm NAVISA. Đây là hai sản phẩm lần đầu được phát triển tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ định vị về độ chính xác, độ sẵn sàng và tin cậy của dịch vụ định vị. Sản phẩm đang được ứng dụng hiệu quả, thay thế nhập ngoại đồng thời thúc đẩy ứng dụng định vị vệ tinh tại Việt Nam.

Đến nay, Tạ Hải Tùng có 23 công trình khoa học, trong đó có 18 công trình công bố quốc tế, 3 công trình công bố trên tạp chí SCI (một trong những tạp chí khoa học công bố các công trình nghiên cứu uy tín trên thế giới).

Trong vai trò lãnh đạo, anh góp phần phát triển Trung tâm NAVIS thành đơn vị mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực định vị sử dụng vệ tinh tại khu vực Đông Nam Á… Năm 2013, TS. Tạ Hải Tùng nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng dành cho tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, do T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng.

MỚI - NÓNG