Hãy bớt tiệc tùng để mua sách cho trẻ em nông thôn

Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Ảnh: Thể thao Văn hóa
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Ảnh: Thể thao Văn hóa
TP - “Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đạt mục tiêu 15 triệu trẻ em nông thôn sẽ có sách đọc vào năm 2017, dù có phải đi xe lăn”. Anh Nguyễn Quang Thạch, tác giả của chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” đạt Giải thưởng xóa mù chữ quốc tế của UNESCO năm 2016, nói.

Còn Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, kêu gọi, người Việt Nam nên bớt tiệc tùng, bia rượu, thuốc lá để dành tiền mua sách cho trẻ em nông thôn.

Tại lễ vinh danh do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội, đại sứ Phạm Sanh Châu, cho biết:  “Sách hóa nông thôn” là một sáng kiến nhân văn, một cách làm hiệu quả, được UNESCO đánh giá cao và mong muốn ý tưởng này sẽ đóng góp vào kinh nghiệm chung của các nước trên thế giới trong xóa nạn mù chữ, thúc đẩy học tập.

Ông Toshiyuki Matsumoto, chuyên gia Chương trình Giáo dục UNESCO đánh giá, chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam là một cách tiếp cận sáng tạo trong điều kiện nguồn ngân sách rất hạn hẹp. “Trên thế giới dù đã có nhiều tiến bộ, song chúng ta vẫn còn cách mốc phổ cập xóa mù chữ rất xa. Ước tính có khoảng 758 triệu người lớn trên phạm vi toàn cầu vẫn thiếu các kỹ năng biết đọc và biết viết. Theo Báo cáo quốc gia Giáo dục cho Mọi người năm 2015, Việt Nam đã có những tiến bộ to lớn trong giáo dục, nhưng tỉ lệ biết chữ ở người lớn đạt 89,1% năm 2012 với sự chênh lệch lớn giữa các nhóm dân tộc, giữa nam và nữ và giữa những người sống ở vùng thành thị và ở nông thôn”, ông Toshiyuki Matsumoto nói.

Tác giả của chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” Nguyễn Quang Thạch không nói về bản thân, mà dành nhiều thời gian kể về những người đồng hành. Anh Thạch nhớ lại khoảnh khắc trời mưa rét ở xã An Thanh, chị Nga chở anh (vì anh mắt kém) cùng ba thùng sách với lời khẳng định: “Chị sẽ đồng hành với em mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì”. Nói là làm, từ đó đến nay, chị Nga và các đồng nghiệp ở Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, đã tạo nên thay đổi lớn. Chỉ sau một năm (2011), bình quân mỗi học sinh của trường THCS An Dục đã đọc 10 đầu sách/năm học. Đến nay, nhiều học sinh đã đọc sách như thói quen.

Anh Thạch cũng nhớ lại hình ảnh chị Vũ Thị Thu Hà, tuy mang bầu nhưng vẫn xông xáo mang sách ra huyện đảo Lý Sơn. Chị Hà là người đã gieo những tủ sách đầu tiên vào năm 2014 tại huyện Nam Trực, Nam Định. Chị Hà cũng có mặt tại lễ vinh danh cùng với cậu con trai giờ đã một tuổi rưỡi. Anh Thạch chia sẻ: “Tôi luôn xúc động khi nghĩ đến các thầy cô giáo ở Thái Bình đã hỗ trợ tôi áp dụng và nhân rộng các loại tủ sách và khuyến đọc, cho tôi nơi ăn chốn ở trong nhiều năm. Tôi luôn mang nợ hàng ngàn người đã bớt một phần gạo trong nhà mình để giúp trẻ em có sách đọc”.

Anh Thạch nhấn mạnh: “Đến nay, hàng trăm ngàn bản sách đã đến tay nửa triệu học sinh nông thôn. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam đang thiếu sách trầm trọng, các em không có cơ hội tiếp cận giáo dục STEM (mô hình học qua thực hành) và học tiếng Anh như trẻ em đô thị”.

MỚI - NÓNG