Khách sạn... mùa sinh viên "làm tổ"

Khách sạn... mùa sinh viên "làm tổ"
Thị xã Cửa Lò, Nghệ An, vào thời điểm này đang là mùa vắng khách du lịch. Học sinh, sinh viên có thể thuê trọ khách sạn, nhà nghỉ “hạng sang” với giá cả rất mềm trong môi trường ở “thoải mái tự do như… VIP”
Khách sạn... mùa sinh viên "làm tổ" ảnh 1
Khách sạn, nhà nghỉ “hạng sang” - nơi sinh viên "làm tổ". (Hình chỉ mang tính minh họa - Ảnh: fotosearch.com)

Phòng khách sạn có đầy đủ tiện nghi, công trình khép kín, không bao giờ thiếu điện nước, an ninh... Điều là ước mơ của hầu hết sinh viên, học sinh thì lại là “chuyện thường” ở thị xã này.

Vào thăm “nhà trọ” của Thuỷ Hương (học sinh trung cấp Du Lịch TX Cửa Lò), là một phòng trong khách sạn Sơn Nga, Thuỷ Hương so sánh vui: Chỉ  nhỉnh hơn nhà trọ dành cho SV (khoảng trên 200 nghìn) không nhiều nhưng ở đây như là “một bước... lên VIP”.

Theo chị Nga, chủ khách sạn Sơn Nga ở Thu Thuỷ: Khách sạn gia đình đầu tư với số vốn tính trung bình mỗi phòng ngót nghét 80 triệu nhưng mùa ế khách thì đành cho thuê với giá chỉ vài trăm cho mỗi tháng.

Thoạt đầu, tiếc không cho thuê, nhưng rồi cũng linh động theo các nhà hàng khách sạn khác ở khu này cho sinh viên, giáo viên thuê. Và họ chỉ thuê được ở giá từ 300 – 600.000 đồng, tuỳ từng phòng.

“Mùa này không cho sinh viên thuê cũng không có ai thuê. Nhà cửa để vắng quá cũng buồn và cũng tự động xuống cấp”, chị Nhi – người quản lí khách sạn Toàn Thắng cho biết.

Một lí do khác nữa mà giới kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn chọn sinh viên (chủ yếu muốn cho nữ thuê trọ) vì ngoan và ở ổn định. Thời gian ít khách ở các nhà trọ khoảng nửa năm, không dài so với thời gian trọ học của sinh viên, học sinh.

Điều mà cả chị Nga, chị Nhi lo ngại là sinh viên nấu ăn chui trong phòng. Tuy vậy, điều này rất ít xảy ra, và khi phát hiện sẽ chấm dứt hợp đồng. Để thuận tiện, bếp khách sạn cũng phục vụ giá bình dân cho sinh viên với giá 5.000, 6.000 đồng mỗi bữa.

Ngoài ra, còn một số nội quy khác khi sinh viên trọ ở khách sạn, nhà nghỉ như: Không chạy nhảy làm ồn, không văng tục chửi bậy, cười nói ồn ào khi mở cửa phòng. Không hất nước ra ngoài cửa sổ, cửa chính, không treo quần áo nơi cửa sổ hóng gió hay hành lang, phải đưa vào khu vực riêng…

“Những điều này thường có ở những khu trọ, khu kí túc xá sinh viên. Chính vì thế khi đến đây cần nhắc các em lưu ‎ý. Chặt chẽ, phần vì khách sạn, phần vì muốn các em quen với nếp sống văn minh”, chị Nhi cho hay.

Ai có thân thì tự giữ (!)

Tuy vậy, không ít phiền toái khi sinh viên, học sinh có điều kiện ở khách sạn.

Thanh Nga (ĐHSP Vinh) kể vụ việc “nhớ đời” trong kì thực tập, ở trọ khách sạn của mình: Gần nửa đêm nghe tiếng gõ cửa, Nga nghĩ chủ nhà có việc cần, nhưng không, là khách trọ phòng đối diện trong trang phục… một mảnh phía dưới qua mượn… bật lửa (?!).

Cô vội vã bảo không có và đóng chặt cửa. Hai ngày tiếp theo vẫn có tiếng gõ cửa, Nga đâm sợ, gấp rút chuyển qua ở trọ cùng các chị giáo viên trong khu tập thể.

Và còn một điều nữa, là không khó để hỏi thuê một phòng nghỉ cho sinh viên khác giới ở những khách sạn, nhà nghỉ nơi đây. Chỉ cần đặt tiền trước, một khoản thế chân tài sản và xuất trình chứng minh nhân dân.

Sau khi trình bày lí do là “Em cùng một bạn trai, muốn thuê 2 tháng, ở lại trong chuyến đi thực tập ở đây”, quản lí nhà nghỉ Sóng Biển (Nghi Hương, Cửa Lò) gật đầu: “Chỉ cần chứng minh thư”. Viện lí do ngại có chính quyền, công an  kiểm tra, anh cho biết: “Ở đây không kiểm tra chi hết”.

N.Nguyên, Trường CĐ Kinh tế Thương mại Cửa Lò, ở trọ khách sạn 4 tháng thì trở về thành phố... đi “kiểm tra sức khoẻ” và kết quả là phải phá bỏ “mầm sống” do lỡ dại.

Bố mẹ xuống nhà trọ, có ‎ý‎ trách móc chủ nhà “vì đã nhờ trông nom nó dùm” nhưng “trách thế là trách ngược, ai có thân thì tự giữ”, chủ nhà huỵch toẹt.

Chị Nhi, quản lí khách sạn thành thật, nếu không cho nam nữ ở chung thì giảm một lượng khách đáng kể.

Sinh viên Trường Trung cấp Du lịch ở Cửa Lò trước đây vẫn kể chuyện N.Hà làm dẫn chứng cho “số sướng”. Học ở Cửa Lò, có “bồ” hơi già (gần với tuổi bố) nhưng nhiều tiền ở TP. Vinh. Bồ chu cấp toàn bộ tiền nhà nghỉ, tiêu xài và chỉ cuối tuần mới xuống thăm và… "ở trọ" vào cuối tuần.

Câu chuyện “số sướng” này chỉ chấm dứt khi vợ và con gái cùng mấy cậu thanh niên anh em họ hàng của "người yêu" xuống tận nhà nghỉ B.X (Nghi Hương, T.X Cửa Lò) “quậy” tưng bừng.

Sự việc này khiến chị T.Thành, chủ khách sạn trở nên dè chừng với học sinh, sinh viên thuê trọ. Theo chị: “Thêm thu nhập thì ai cũng cần, nhất là khi mình có sẵn điều kiện kinh doanh mà bỏ không.

Nhưng ngẫm lại thấy có khi mình mất nhiều hơn: bà con hàng xóm có ‎ý kiến vào ra cũng mệt, hơn nữa nhà lại có con gái đang tuổi lớn, tôi không muốn cháu nhìn vào những tấm guơng xấu mà bị ảnh hưởng".

Ngoài “lình xình” chuyện yêu đương khi ở khách sạn, được N.Nguyên giải thích vì: “phần theo phong trào, phần vì điều kiện thoải mái nên dễ… sinh chuyện”.

Theo Vinh An
VietNamNet

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.