T.S Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” là cách đối nhân xử thế nhân văn

“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” là cách đối nhân xử thế nhân văn
Thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh là thế hệ của hoà bình. Bom không rơi, đạn không nổ trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, những khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh để lại thì họ cũng được chia phần.

30 năm sau ngày giải phóng miền Nam, chúng ta đã làm được rất nhiều điều: Hiệp định thương mại Việt-Mỹ đã được ký kết; cựu phó Tổng thống di tản của chế độ Sài Gòn, ông Nguyễn Cao Kỳ đã về thăm lại quê hương…

Tuy nhiên, con đường hướng tới tương lai sau chiến tranh là con đường khó khăn. Cho dù những hố bom đã được cây rừng  phủ  xanh trở lại thì hội chứng chất độc da cam vẫn hiện hữu hàng ngày. Và một đời người dù đã sắp qua đi, chuyện được mất nhắc lại mắt vẫn còn ngấn lệ.

Khép lại quá khứ không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ. Quá khứ sống trong ký ức của dân tộc, trong tâm khảm của con người Việt Nam. Nhưng chắc chắn sau 30 năm, quá khứ đang được nhìn nhận bình tĩnh hơn, chính xác hơn và toàn diện hơn. Và đó là nền tảng quan trọng cho sự hoà hợp và hoà giải dân tộc.

Quá khứ ảnh hưởng đến tương lai thông qua hiện tại. Tác động mạnh mẽ lên lối sống, lên cách nghĩ, cách tổ chức công việc của chúng ta là tất cả khổ đau và vinh quang của quá khứ.

 Quan điểm “Khép lại quá khứ hướng tới tương lai” của chúng ta là một cách đối nhân xử thế nhân văn, để cuộc sống hoà bình được xây dựng trên những nguyên tắc, những khái niệm mới mẻ hơn, phù hợp hơn. Và ở đây quá khứ chỉ khép lại từ từ, đặc biệt là đối với những người chiến thắng.

Thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh là thế hệ của hoà bình. Bom không rơi, đạn không nổ trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, những khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh để lại thì họ cũng được chia phần.

 Đây là thế hệ có điều kiện khá hơn so với cha anh, nhưng kém hơn so với các thế hệ sinh ra sau thời kỳ đổi mới. Thế hệ “tam thập nhi lập” hiện nay đang thực sự trở thành lực lượng lao động chính của đất nước. Và phía trước,  khoảng thời gian lao động và sáng tạo của họ còn rất dài.

Mỗi thế hệ sẽ tự biết phải làm gì cho mình và cho đất nước. Chỉ có điều thách thức của các bạn là rất lớn. Trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, cuộc chiến mới là cuộc chiến về trí tuệ.

 Để thành đạt và mang lại vinh quang cho đất nước, các bạn phải tự mình nhận biết và làm chủ các quy luật đang hình thành của xã hội thông tin, của nền kinh tế tri thức. Thiếu tri thức mới và tư duy sáng tạo thì không thể làm được điều này.

MỚI - NÓNG