Làm sao để chạm được vào trái tim người trẻ

Làm sao để chạm được vào trái tim người trẻ
TP - “Có lẽ, xét cho cùng mọi hoạt động của Đoàn đều phải chạm đến trái tim và nguyện vọng của các bạn trẻ. Đã đến thời điểm chúng ta không thể hành chính hóa trong sinh hoạt Đoàn, Hội” - Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngà trao đổi với Tiền Phong trước thềm Đại hội Hội sinh viên thành phố Hà Nội.

> Huyền thoại sống mãi trong trái tim người trẻ

Khơi dậy tinh thần tự nguyện, tự thân

Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đang diễn ra, theo chị Hội sinh viên cần làm gì để có thể xứng đáng là người bạn đồng hành của sinh viên?

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng ở một số lĩnh vực hoạt động, một số phong trào, một số cơ sở, đoàn thanh niên và hội sinh viên đang đi theo cách làm chủ quan của đội ngũ cán bộ đoàn và hội mong muốn chứ chưa xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu từ phía các bạn trẻ, từ phía các bạn sinh viên. Để khắc phục được điểm hạn chế này điều quan trọng là phải có một đội ngũ cán bộ tâm huyết, có trình độ, kỹ năng, gần gũi và hiểu thanh niên, sinh viên.

 Giới trẻ hiện nay có lòng tự hào dân tộc sâu sắc, sống có trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, có tinh thần yêu nước và dồi dào nhiệt huyết, khát khao cống hiến. Điều quan trọng là phải khơi dậy cho giới trẻ thể hiện điều đó một cách tự nguyện, tự thân và có sự cộng hưởng, lan tỏa tốt nhất.

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà

Thời gian vừa qua, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã có rất nhiều giải pháp khác nhau để thu hẹp khoảng cách giữa tổ chức Hội với sinh viên, để Hội thực sự là người bạn đồng hành của sinh viên thông qua nhiều sân chơi thiết thực hướng đến chăm lo, tạo môi trường lành mạnh cho sinh viên học tập, rèn luyện, phát huy sinh viên tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng; mỗi sinh viên phải có ý thức trách nhiệm xây dựng Hội vững mạnh, xây dựng trường học thân thiện. Điều này được cụ thể hóa thông qua phong trào sinh viên Thủ đô thi đua học tập, rèn luyện, lập thân, kiến quốc gọi tắt là phong trào “5 thi đua, 5 rèn luyện” do Hội Sinh viên thành phố triển khai. Thời gian tới, chúng tôi vẫn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.

Sức trẻ và sự cống hiến của các bạn sinh viên là to lớn. Thậm chí, có một số hoạt động các bạn sinh viên đã tình nguyện tham gia nhiệt tình mà không cần đòi hỏi quyền lợi, ví dụ như việc các bạn sinh viên, tình nguyện viên phục vụ lễ quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua chẳng hạn.

 Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà
Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà.

Trong sự kiện quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuổi trẻ thủ đô đã để lại những ấn tượng đẹp. Qua sự kiện này, chị có đánh giá gì về giới trẻ?

Hình ảnh hơn 6.500 lượt thanh niên, sinh viên thủ đô phục vụ nhân dân thăm viếng tại gia đình Đại tướng số 30 Hoàng Diệu cũng như phục vụ Lễ Quốc tang đã trả lời được nhiều điều mà nhiều thế hệ còn băn khoăn về giới trẻ. Thực tế có không ít người nhận xét giới trẻ đang phai nhạt lý tưởng, sống thực dụng, không biết đến lịch sử và thậm chí là không biết đến những người đã có công trong quá trình dựng nước, giữ nước. Nói tóm lại còn có sự hoài nghi về giới trẻ.

Tuy nhiên, qua hình ảnh thanh niên, sinh viên thủ đô ở Quốc tang và hình ảnh thanh niên, sinh viên cả nước tham gia đợt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đã trả lời phần nào những băn khoăn đó, giới trẻ hiện nay có lòng tự hào dân tộc sâu sắc, sống có trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn, có tinh thần yêu nước và dồi dào nhiệt huyết, khát khao cống hiến. Điều quan trọng là phải khơi dậy cho giới trẻ thể hiện điều đó một cách tự nguyện, tự thân và có sự cộng hưởng, lan tỏa tốt nhất.

Từ sự kiện này, một vấn đề đặt ra cho Đoàn và Hội là phải nghiêm túc nhìn nhận những hoạt động thiết thực, dù không mất nhiều công sức triển khai, văn bản giấy tờ, hội họp mà số lượng thu hút lại đông đảo với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Ngược lại, hoạt động không có tính thiết thực, phô trương, hình thức thì dù hoành tráng cũng khó thu hút và lan tỏa đến sinh viên.

Có lẽ, xét cho cùng mọi hoạt động cũng phải chạm đến trái tim và nguyện vọng của các bạn trẻ, để khơi dậy được niềm tin. Đã đến thời điểm chúng ta không cần hành chính hóa trong sinh hoạt Đoàn, Hội.

Khẩu hiệu sẽ ít giá trị

Vậy, việc xây dựng niềm tin phải bắt đầu từ đâu, thưa chị?

Qua những gì diễn ra, chúng ta có niềm tin vào các bạn sinh viên. Còn đối với những người làm công tác tổ chức, những cán bộ làm công tác đoàn, công tác hội cũng phải thực sự tự suy ngẫm lại mình, làm cán bộ Đoàn, Hội không thể không hiểu và gần gũi giới trẻ.

Tổ chức cần quan tâm dẫn dắt, khơi dậy và định hướng cho giới trẻ, bởi vì qua thực tế hoạt động bản thân sinh viên có kiến thức, sức sáng tạo và tràn đầy sinh lực và khát khao cống hiến. Tất cả các khẩu hiệu, nghị quyết sẽ ít giá trị nếu không chạm vào được trái tim của các bạn trẻ.

Theo chị, sức mạnh đó có thể tạo nên những “Điện Biên Phủ” trong thời bình không chị?

Có thể lắm chứ. Họ sẽ tạo ra những kỳ tích trong học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ, những hoạt động vì cộng đồng và nhiều lĩnh vực phong phú khác nữa. Tôi tin sinh viên sẽ tạo nên những sức mạnh cực kỳ lớn, thậm chí lực lượng sinh viên có những thời điểm, những lĩnh vực nhất định họ sẽ tự tìm đến với nhau và kết nối để tạo ra sức mạnh.

Đại hội Hội Sinh viên thành phố Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013 – 2018 được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trong hai ngày (2 và 3 tháng 11) với sự tham dự của 500 đại biểu chính thức. “Tự hào truyền thống của thủ đô văn hiến, anh hùng, sinh viên Hà Nội thi đua học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh” là chủ đề của Đại hội.

Phùng Nguyên - Trần Đông
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG