Làm son rồi tự “xuất khẩu” sách

Thu Giang (bìa trái) và Anh Thư (bìa phải) cùng tổng biên tập người Thái Lan Karuna Chinthanom.
Thu Giang (bìa trái) và Anh Thư (bìa phải) cùng tổng biên tập người Thái Lan Karuna Chinthanom.
TP - Cuốn sách đầu tay “Tự làm mỹ phẩm” của Anh Thư  và Thu Giang là một trong số hiếm hoi của sách Việt gửi thành công lên mạng bán lẻ Amazon. Ngoài bản  tiếng Anh ebook, ấn phẩm đẹp mắt và hữu ích của họ được dịch ra tiếng Thái, rồi tiếng Hàn Quốc. Tại Việt Nam sách được tái bản liên tục và đã bán được 15 nghìn cuốn.

Đỗ Anh Thư tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tiếng Pháp nhưng cô bỏ nghề và bén duyên với việc tự làm mỹ phẩm thông qua một khóa học tại Mỹ năm 2009. Khi về nước, cô là người tiên phong trong việc mở các khóa đào tạo làm mỹ phẩm handmade tại VN. Nguyễn Thu Giang (1989) là nhân viên ngân hàng.

Cô sở hữu một trang facebook chuyên chia sẻ kiến thức về việc làm các sản phẩm thủ công. Giang tiếp cận với cách làm mỹ phẩm handmade tại Nga từ năm 2009 và coi mỹ phẩm là một trong các lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của cô. Họ phát hiện ra nhau và rủ nhau viết những công thức làm mỹ phẩm cho phù hợp với khí hậu Hà Nội.

Từ làm son đến làm sách

Anh Thư từng sống ở Mỹ một số năm trong nhiệm kỳ công tác của bố. Thư nhớ lại năm 12 tuổi cô đi đi lại lại nhiều lần bên quầy mỹ phẩm, ngắm một thỏi son mà không có tiền để mua. Lần thứ hai trở lại Mỹ, gia đình khuyến khích Thư theo học master ngành kinh tế nhưng cô không chịu mà khăng khăng đăng ký một khóa dạy làm mỹ phẩm. Thư biến căn hộ bố mẹ thành xưởng chế son dưỡng và son môi.

Hàng trăm mẻ thất bại, cuối cùng cô đã thành công. Về VN Anh Thư mở công ty TNHH Thực Mỹ Phẩm Grandpa’s Garden. Cô cũng là người Việt đầu tiên tung clip dạy làm son dưỡng lên mạng youtube và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.

Dự định sản xuất và bán mỹ phẩm handmade của Thư khó thành công vì người tiêu dùng không tin son dưỡng được làm dễ đến vậy. Họ nghi ngờ sản phẩm được nhập từ hàng chợ Trung Quốc rồi mang về dán nhãn.

Anh Thư chuyển hướng sáng bán nguyên liệu (nhập từ Mỹ) cho chị em tự chế. Trào lưu tự làm mỹ phẩm đánh trúng tâm lý phụ nữ thích mỹ phẩm sạch và thư giãn trong lúc đun quấy đổ khuôn. Số lượng người đặt mua khá đông nên Anh Thư phải nhờ Thu Giang (ở Nga) trực mạng trả lời khách hạng vào buổi đêm (giờ đó ở châu Âu là ban ngày) với mức lương tượng trưng 200 nghìn/ tháng. Thu Giang tốt nghiệp về nước đi làm ngân hàng, việc viết sách về mỹ phẩm với cô như một cách giải tỏa áp lực khỏi những con số tẻ nhạt.

Viết xong phần nội dung của “Tự làm mỹ phẩm”, hai tác giả hăm hở gọi người đến chụp hình minh họa theo các bước chế sản phẩm. Náo nức mang bản thảo đến cho một biên tập viên nhà xuất bản Nhã Nam, chị ấy xem đống ảnh và bảo “ảnh này không thể dùng được” thái độ như “suýt ném chúng vào sọt rác”.

Hoặc có thể do tôi thấy sốc và hẫng hụt nên hình dung thành như vậy, Anh Thư nhớ lại. Hai bộ ảnh chụp lại sau cũng vẫn bị biên tập viên gạt phăng. Sau một năm rưỡi vật vã với việc chụp hình, nhờ tay máy tài hoa của Nguyễn Bảo Ngọc, bộ ảnh thứ tư mới được chấp nhận. Sau này cuốn sách thành công, Thư và Giang mới cảm nhận được họ may mắn thế nào khi gặp được người biên tập khó tính và có gu đó.

Làm son rồi tự “xuất khẩu” sách ảnh 1

“Tự làm mỹ phẩm” xuất khẩu đi Thái Lan và Hàn Quốc.

Cuốn sách bán chạy ngoài dự đoán, được đà Anh Thư ra thêm cuốn thứ hai “Dưỡng da trọn gói”. Mỗi cuốn đã bán được 15 nghìn bản, trong dòng sách kỹ năng của tác giả trong nước, đây là con số khủng. Nhuận bút cả hai cuốn khoảng 270 triệu. Anh Thư nhẩm tính, mỗi tháng cô kiếm được khoảng 10 triệu từ viết sách. “Trong trường hợp tôi không mở công ty, thì con số ấy có khi cũng đủ sống”.

Trong lúc hai tác giả tìm cách đưa bản tiếng Anh của “Tự làm mỹ phẩm” lên Amazon, Anh Thư mang một số bản tiếng Việt sang Hội chợ Mỹ phẩm ở Bangkok, Thái Lan để quảng bá và tìm đối tác. Chị cầm quyển sách qua 9 gian hàng đều bị từ chối. Tới gian thứ mười, Thư gặp được tổng biên tập tạp chí Media Matter (Tạp chí vế Mỹ phẩm song ngữ Anh-Thái). Chị Karuna Chinthanom lật giở cuốn sách trong 5 giây rồi nói “sách đẹp quá, bạn có muốn phát hành ở Thái Lan không?”.

Thư mừng quýnh, đồng ý luôn. “Bản quyền bán đứt chỉ có 1.000 USD, nhưng cuốn sách sẽ vượt biên giới, đến  quốc gia có tiếng về tiêu thụ mỹ phẩm ở châu Á. Tương tự tình huống sau đó, Anh Thư liên lạc được với một giám đốc nhà xuất bản tại Hàn Quốc và họ đồng ý xuất bản. Trước đó gần 20 nhà xuất bản nước ngoài đã từ chối nên lần này Thư quá vui, cô đồng ý nhận 2.000 USD cho bản quyền. Có người nói, đúng ra các bạn phải nhận được 5-6 nghìn USD.

Làm son rồi tự “xuất khẩu” sách ảnh 2

Thu Giang (bìa trái) và Anh Thư (bìa phải).

Lên Amazon để có “lý lịch” đẹp

Trong buổi giao lưu chia sẻ bí quyết tự xuất khẩu sách, hai tác giả đã mời chị Thùy Vân, dịch giả tiếng Anh kiêm người khám phá ra cách thức chuyển sách sang dạng ebook và lên kệ của Amazon.

Trước tiên phải có bản dịch và hiệu đính tiếng Anh. Theo kinh nghiệm nên nhờ một người Anh hoặc người Mỹ hiệu đính. Cũng trên Amazon tìm mua dịch vụ mã hóa theo định dạng ebook tiêu chuẩn Amazon. Đăng lên và chờ duyệt chỉ mất 2 ngày.

Theo chị Thùy Vân, phần quảng cáo cho ebook rất quan trọng. Cần có bìa đẹp, phần giới thiệu tác giả rõ ràng. Trình bày đẹp mắt dễ đọc. Phần bình phẩm sách thu hút và khuyến khích độc giả để lại bình luận. Nhóm tác giả “Tự làm mỹ phẩm” đã lên điểm rất nhiều trong mắt các đối tác công việc nhờ những dòng bình luận tích cực, cảm kích từ bạn đọc.

Đỗ Anh Thư kể “Khi làm việc với chuyên gia, tổ chức và quĩ cho vay vốn của nước ngoài, chúng tôi chỉ mới khoe đang chuẩn bị đưa sách lên Amazon họ lập tức bày tỏ sự quan tâm.

“Khi cuốn sách của bạn thực sự có mặt trên kệ của mạng bán hàng số 1 thế giới, bạn có một “lý lịch” đẹp và nhiều cánh cửa tự động mở ra với bạn”. Phí cho toàn bộ thủ tục lên kệ hàng Amazon hết khoảng 10 triệu. Khoản đầu tư này không quá nhiều, nhưng hiệu ứng của nó với người khởi nghiệp như Anh Thư và Thu Giang là quá lớn. Thực ra Amazon  mới bán được khoảng 100 cuốn sách của họ, mỗi cuốn chỉ 2 USD, trừ phần trăm cho bên bán hàng, các tác giả mới thu được gần hai triệu. Con số này không quan trọng khi họ là một trong số hiếm tác giả Việt xuất hàng trên Amazon.

Đến với buổi giao lưu, chuyên gia, huấn luyện viên tâm lý Trần Kim Thành chia sẻ chị là tác giả của rất nhiều sách tâm lý giáo dục. Chị Thành dự định sẽ viết 100 cuốn sách trong đời và rất quan tâm đến cách đưa sách của mình đến với bạn đọc nước ngoài.

Người Việt ta đa số ngại va chạm với thủ tục, nhất là có liên quan đến quốc tế. Rất ít người biết tường tận về cách trình bày từ văn bản đến bản thảo tiếng Anh một cách chuyên nghiệp. Thư và Giang, hai phụ nữ làm mỹ phẩm tay ngang và viết sách với mục đích thư giãn đã làm tới cùng.

Đỗ Anh Thư cho biết chị đang chuẩn bị cho ra cuốn sách ảnh tiếp theo “Mỹ phẩm cho mẹ và bé gái”. Lần này chị vẫn nhờ nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc. Tuy nhiên cát-sê chụp ảnh không còn là 15 triệu cho 1 cuốn nữa, “giá của Ngọc đã tăng lên nhiều sau khi có sản phẩm xuất khẩu”.

MỚI - NÓNG