Làm việc có ích mỗi ngày

Làm việc có ích mỗi ngày
TP - Chiều 28-12, tại Hà Nội, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức buổi gặp mặt và giao lưu với 60 đại biểu thanh thiếu niên tham dự Đại hội thi đua yêu nước.

Những điển hình chống tham nhũng

Viết bằng cánh tay nhưng chữ của Thương rất đẹp
Viết bằng cánh tay nhưng chữ của Thương rất đẹp.

Giơ hai cánh tay bị teo ngắn lại, chỉ thòi ra mỗi ngón tay cái, hai khuỷu tay bị chai sần vì sử dụng máy vi tính nhiều, anh Thương khoe: “Dù bị tật nguyền, bàn tay này đã đào tạo tin học cho gần 500 người”. Cũng với bàn tay ấy anh còn là nhà nhiếp ảnh. Đó là Phan Thành Thương, SN 1980, ở xã Phước Vinh (Châu Thành, Tây Ninh).

Làm việc bằng trái tim

Tật nguyền bởi chất độc da cam, quyết tâm vượt qua sự khắc nghiệt của số phận, Thương lao vào học. Anh thi đỗ ĐH Khoa học Tự nhiên, chuyên ngành tin học (ĐH Quốc gia TPHCM). Nhà nghèo, không có tiền mua máy tính, 4 năm học ĐH anh xin học ké máy của bạn. Cả 4 năm học, anh đạt loại khá giỏi.

Tốt nghiệp ĐH, Thương vay 30 triệu đồng mua 10 máy vi tính cũ thành lập trung tâm dạy tin học cho con em trong vùng. Anh dạy miễn phí hoàn toàn cho người bị khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, anh đã đào tạo tin học cho gần 500 học viên, hơn nửa trong số đó là miễn phí. “Tôi làm việc bằng trái tim, không hề có sự toan tính, bởi hơn ai hết tôi hiểu được nỗi khổ tâm, thiệt thòi của người tàn tật, nghèo khó”, anh Thương nói.

Để đáp ứng nhu cầu học ngày càng đông của học viên, Thương hầu như không có thời gian nghỉ. Trung bình mỗi ngày anh dạy 4 - 5 ca, bắt đầu từ 7 giờ đến 23 giờ. Hình ảnh thầy giáo Thương di chuột bằng chân, gõ phím bằng khuỷu tay miệt mài với chiếc máy tính trở thành động lực để bao lớp học viên nỗ lực học tập vươn lên trong cuộc sống.

Điều không may là con trai anh cũng bị tật nguyền. “Hồi mới sinh cháu, tôi chết điếng người, suy sụp vì thương con và có lúc oán đời thật bất công. Nhưng giờ lại khác, tôi muốn sống, sống thật nhiều, bởi muốn giúp ích cho nhiều người”.

Từ những việc làm nhỏ

“Hãy yêu nước bắt đầu từ những việc làm nhỏ quanh mình”, cô gái dân tộc Pà Thèn Phù Thị Thiên, SN 1985 (Hà Giang) mở đầu câu chuyện.

Từ nhỏ, Thiên bị mê đắm bởi sắc màu sặc sỡ của những chiếc váy thổ cẩm Pà Thèn. Làm sao để mang được chiếc váy của dân tộc mình đi xa hơn trở thành khát khao cháy bỏng trong Thiên. Phải đến khi học năm thứ 2 trường trung cấp VHNT Thái Nguyên, Thiên mới có điều kiện bắt tay thực hiện mơ ước đó. Thiên miệt mài dệt trong mấy tháng được 2 chiếc váy Pà Thèn, Bảo tàng Thái Nguyên trả với giá 800 ngàn đồng. Trong 2 năm học, Thiên đã dệt và bán 12 chiếc váy thổ cẩm cho các đoàn nghệ thuật, bảo tàng...

Tháng 5-2008, được hỗ trợ từ nguồn vốn CIDOMA (Canada), HTX dệt thổ cẩm đầu tiên của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang được thành lập do Thiên làm chủ. Trong 6 tháng, chị đứng lớp dạy miễn phí cho 30 ĐVTN nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm.

Đến nay, chị tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 phụ nữ trong vùng với mức thu nhập 900.000 đồng/người/tháng. Thiên trực tiếp cải tiến 10 khung dệt với tính năng hiện đại, dệt nhanh hơn... Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX được mời tham dự nhiều cuộc triển lãm.

Môi trường rèn luyện và trưởng thành

Lắng nghe những hiến kế, tâm sự của các đại biểu, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng bày tỏ sự khâm phục với những thành tích đạt được của các bạn trẻ. Anh Thưởng nói: “Những bạn trẻ tài năng là hội tụ của những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam. Ước mơ, hoài bão của tất cả các bạn cộng lại chính là của đất nước trong tương lai, vì thế hãy cố gắng biến ước mơ thành sự thật...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG