Lạng Sơn: Bà con làm thơ khen bộ đội

Lạng Sơn: Bà con làm thơ khen bộ đội
TP - Bà con các dân tộc ở tỉnh Lạng Sơn đã coi những vạt rừng thông  nơi dải đất biên cương là  cây vàng và gọi các chiến sĩ biên phòng là những người con của bản làng.
Lạng Sơn: Bà con làm thơ khen bộ đội ảnh 1
Cùng dân trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc

Chị Vương Thị Dần, 50 tuổi, dân tộc Nùng ở bản Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng còn làm một bài thơ, ca ngợi các chiến sĩ đồn biên phòng Na Hình.

Trung úy Trần Công Đông, cán bộ dự án trồng rừng biên giới 661 do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn làm chủ đầu tư nhớ lại cách đây khoảng chục năm.

Khi đó, anh đến các thôn bản thuộc 7 xã của 3 huyện biên giới Văn Lãng, Lộc Bình và Cao Lộc để vận động bà con cùng BĐBP trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Công việc lúc đầu gặp nhiều khó khăn vì nhiều người không tin vào hiệu quả của dự án vì bà con bảo, trồng cây lúa mỗi năm có hai vụ còn bấp bênh, huống chi trồng cây thông nhiều năm biết bao giờ cho thu hoạch.

Ngay một số cán bộ chính quyền cơ sở cũng hoài nghi vào hiệu quả của dự án. Trung úy Trần Công Đông nghĩ, mình phải miệng nói, tay làm thì bà con mới tin, mới phục. Rồi anh đến tận thôn bản, từng hộ gia đình giải thích cặn kẽ những cái lợi từ dự án, chế độ chi tiền cho từng khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch; sự tạo điều kiện và “chung lưng đấu cật” của BĐBP.

Ban đầu thì một số hộ là cán bộ thôn bản làm theo sau bà con hưởng ứng nhiệt tình. Trên những rẻo biên cương, rất đông bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao… cùng BĐBP phát nương, trồng rừng. Màu xanh cứ nhân lên từng ngày…

Chúng tôi trở lại Đồn biên phòng Na Hình khi rừng thông đã xanh thắm. Trung tá Đàm Văn An - Đồn trưởng cho biết: Dự án 661 được Đồn triển khai từ năm 1999 trên 15 thôn bản của 3 xã giáp biên của huyện Văn Lãng. Để có nguồn cây, Đồn đã ươm hàng vạn cây con giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho dân trồng rừng.

Cho đến nay, toàn tuyến biên giới do Đồn phụ trách đã trồng được 1.055 ha thông. Nhiều hộ gia đình nhờ có dự án trồng rừng kinh tế đã vươn lên khá giả, xây được nhà, mua sắm có phương tiện đắt tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày như hộ chị Vương Thị Dần, Phù Thị Pình…

Chị Dần ở bản Nà Tồng, xã Trùng Khánh (huyện Văn Lãng) nói: Ngày trước mảnh đất Nà Tồng quê chị khô cằn, trồng cây gì cũng khó cho quả. Cũng có người trồng cây lâm nghiệp nhưng lại không có vốn và kỹ thuật. Thế là chỉ vài năm, cỏ mọc cao hơn cả cây thông.

Trung tá Đàm Văn An cho biết thêm: Bên cạnh công tác vận động người dân trồng rừng, BĐBP Na Hình còn lập các phương án phòng, chống cháy rừng. Hướng dẫn bà con chặt, tỉa cành đúng kỹ thuật. Người dân đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc trồng rừng.

Vì vậy, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó, bền chặt. Thành tích trồng rừng của BĐBP Lạng Sơn nói chung, Đồn biên phòng Na Hình cũng như cá nhân Trung úy Trần Công Đông nói riêng là rất lớn và tự hào.

Khi tiếp PV, Trung úy Đông rất ít nói về mình. Vừa qua, anh đã được UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tặng bằng khen.

Chị Vương Thị Dần nói thay lời các chiến sĩ biên phòng: Bộ đội tốt bụng, giỏi nhưng rất khiêm tốn, bà con lại càng nể phục. Mình làm bài thơ này tặng bộ đội: “Rừng hoang đồi núi trập trùng/ Nay thông xanh tốt được lòng dân vui/ Bây giờ đã khác xưa rồi/ Đường biên thắm mãi thông reo ân tình…”. 

MỚI - NÓNG