Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”:

Lịch sử và tình yêu biển đảo tỏa sáng

Anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam và bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cho học sinh Huỳnh Thanh Thân. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam và bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cho học sinh Huỳnh Thanh Thân. Ảnh: Nguyễn Dũng.
TP - Hai giải thưởng cao nhất cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015-2016 thuộc về một học sinh đam mê môn Lịch sử và một thầy giáo trăn trở với vấn đề biển đảo.

Ngày 11/6 tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Đoàn tổ chức Lễ tổng kết trao giải thưởng cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015-2016. Huỳnh Thanh Thân, học sinh lớp 11B1, Trường THPT Trần Bình Trọng (Khánh Hòa), vượt qua 30 thí sinh ở vòng chung kết, giành giải Nhất chung cuộc đầy thuyết phục.

Yêu thích Lịch sử

Là một trong những thí sinh nhỏ tuổi tuổi nhất, nhưng Huỳnh Thanh Thân lại vượt qua hàng trăm ngàn thí sinh khác để giành giải Nhất chung cuộc. Là con út trong gia đình nông dân ở huyện Cam Lâm, nên Thân không có điều kiện để đi học thêm nhiều như các bạn thành phố. Thế nhưng, kết thúc năm học vừa qua, Thân đạt 9,3 điểm tổng kết, đứng đầu lớp, đạt giải khuyến khích môn Anh văn cấp tỉnh. 

Thân hiện là Bí thư chi đoàn lớp 11B1, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường. Thân chia sẻ bí quyết học: “Trước khi đi học, em phải dành thời gian xem qua bài mới, ở trên lớp chăm chú nghe giảng, về đến nhà thì học lý thuyết, làm bài tập thật nhiều. Bên cạnh đó, cái nào không biết là tìm sách để đọc, lên mạng tìm lời giải, tăng cường làm bài tập nhóm, trao đổi thông tin với bạn bè, thầy cô…”.

Đối với Thân, Lịch sử là môn học thú vị, không hề khô khan. “Học Lịch sử giúp em hiểu được nhiều điều trong quá khứ, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho bản thân và trong cuộc sống. Bên cạnh đó, kể từ khi tham gia cuộc thi, mỗi khi học Sử, em đều muốn tìm thứ gì đó liên hệ với Bác Hồ để học tập, phấn đấu theo tấm gương Bác Hồ”, Thân nói. 

Để chuẩn bị cho cuộc thi, Thân còn tranh thủ đến thư viện mượn sách để đọc, tìm kiếm thông tin về Bác Hồ trên internet, tìm hiểu những sự kiện lịch sử gắn liền với Bác… “Trước khi thi, cần tìm nguồn internet mạnh, tiếp đó là trả lời đúng, nhanh và phải thật bình tĩnh mới có thể đạt được kết quả cao”, Thân nói.

Thí sinh nhiều tuổi nhất

Thầy Võ Đức Kế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, là thí sinh nhiều tuổi nhất - 59 tuổi. Thầy giành giải Nhì chung cuộc viết tự luận. “Chọn chủ đề thế hệ trẻ với biển đảo, tôi trăn trở suốt một tuần rồi viết ra 8 trang giấy”, thầy kể. Thầy viết cụ thể về từng lực lượng như công an, quân đội, đặc biệt là những người lính đang ngày đêm bám biển ở đảo xa truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ khác. Bài thi được ban giám khảo đánh giá cao khi nói lên được trách nhiệm, ý thức của các lực lượng trẻ tuổi đã và đang học tập theo gương Bác Hồ như thế nào.

Một mình mua vé tàu từ Quảng Bình vào thành phố mang tên Bác nhận giải thưởng, thầy Kế không giấu nổi sự hân hoan. Thầy Kế kể, khi gửi bài thi lên website, được nhiều lượt bình chọn, thầy đã viết một bức tâm thư gửi Bộ GD&ĐT. Trong thư, thầy chia sẻ niềm tự hào khi nhiều học sinh trả lời xuất sắc vòng thi trắc nghiệm với hệ thống 35 câu hỏi, nhiều em hoàn thành trong vòng 250 giây. “Các em học sinh rất yêu môn Lịch sử, đọc nhiều về lịch sử, về tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới có được kiến thức nền sâu như vậy”, thầy nói.

Sắp nghỉ hưu nhưng thầy Kế vẫn miệt mài đọc tài liệu, viết tay các bài thi. Thầy tâm sự, làm quản lý giáo dục mất rất nhiều thời gian, nhưng thầy vẫn rất say sưa với các cuộc thi do địa phương, Nhà nước phát động. 

“Trước hết để nâng cao hiểu biết cho bản thân, sau là làm gương cho giáo viên, học sinh noi theo”, thầy nói. Vì vậy, khi cuộc thi được phát động, Trường Tiểu học Sơn Thủy có 40 giáo viên, học sinh tham dự. Thầy giành được giải thưởng của nhiều cuộc thi. Năm 2015, thầy Kế là một trong hai cá nhân được Bộ GD&ĐT trao bằng khen xuất sắc tại cuộc thi Nụ cười trẻ thơ.

3 vòng đối kháng

Dù tổ chức nhiều vòng thi tuần, thi tháng, nhưng Ban tổ chức cũng tổ chức 3 vòng đối kháng ngay tại sân khấu lễ trao giải nhằm giúp thí sinh thể hiện tài năng, sự hiểu biết về lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bước vào vòng một, 30 thí sinh phải trả lời 10 câu hỏi liên quan Lịch sử, Địa lý, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hình thức trắc nghiệm. Với mỗi câu hỏi, thí sinh chỉ có 20 giây để ghi ra đáp án đúng. Điều bất ngờ là có những câu hỏi khó nhưng thí sinh vẫn hoàn thành xuất sắc. Với câu “Sau khi Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu lệnh chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội năm 1946 được bắt đầu  bằng hành động

nào?”, đa số thí sinh trả lời đúng:  “Nhà máy điện Yên Phụ cắt điện toàn thành phố”. Huỳnh Thanh Thân bất ngờ giải được ô chữ khi đi 2/3 chặng đường ở vòng 2, giành 30 điểm tuyệt đối trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của các thí sinh khác.

Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần thứ III - năm 2016 do Bộ GD&ĐT phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục EGROUP, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Sau 3 tháng phát động, cuộc thi có 340.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi, gấp 4 lần so với cuộc thi lần thứ 2 năm 2015 và gấp 10 lần so với cuộc thi lần thứ nhất năm 2013. BTC đã trao 367 giải thưởng, 59 bằng khen cho các cá nhân, tập thể. 

MỚI - NÓNG