Lính trẻ làm chủ bầu trời

Chuẩn bị lên máy bay xuất kích
Chuẩn bị lên máy bay xuất kích
TP - Từ sáng sớm, Sân bay Biên Hoà (Đồng Nai), nơi đóng quân của Trung đoàn không quân 935 (Sư đoàn không quân 370) đã nóng như thiêu đốt.

> Người lính trên đỉnh Mẫu Sơn

Chuẩn bị lên máy bay xuất kích
Chuẩn bị lên máy bay xuất kích.
 

Tiếng động cơ rung chuyển mặt đất, những chiến đấu cơ hiện đại của Không quân Việt Nam như chim ưng dũng mãnh bay vút lên bầu trời. Các phi công của Trung đoàn 935 bắt đầu một ngày mới làm nhiệm vụ huấn luyện, bảo vệ vùng trời, vùng biển và lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa.

Trung đoàn 935 được giao nhiệm vụ huấn luyện phi công lái các loại máy bay chiến đấu tiêm kích đa năng. Trung đoàn trưởng, Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến cho biết chỉ trong thời gian ngắn, các phi công trẻ đã có thể làm chủ những chiến đấu cơ hiện đại nhất này. Ngoài kinh nghiệm từ 1.000 - 1.500 giờ bay, các chỉ huy còn thạo ngoại ngữ nên đã dịch tài liệu giúp phi công trẻ tiếp thu nhanh giáo trình bay.

Thượng tá Tuyến cho biết Trung đoàn vừa nghiên cứu trình lên Quân chủng đánh giá sáng kiến Rút ngắn thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu, nếu được ứng dụng vào thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả cao.

“Với loại máy bay mới, có nhiều tính năng chiến đấu cao, phi công phải có kinh nghiệm ít nhất đã sử dụng qua hai loại máy bay. Ngoài điều khiển máy bay, phi công cần có bản lĩnh để tỉnh táo xử lý trong mọi tình huống", Thượng tá Tuyến nói.

Một chuyến bay an toàn là kết quả của nỗ lực phối hợp nhịp nhàng giữa phi công, người dẫn đường cho đến bộ phận kỹ thuật, hậu cần… Khi cầm lái phi công vẫn xem mình như học viên để có thể hiệp đồng nhuần nhuyễn với các số bay, với chỉ huy dẫn đường, luyện tập thuần thục ở buồng lái, giả định các động tác trên không… và trên hết là tinh thần, bản lĩnh làm chủ bầu trời.

Trung đoàn phó, Thượng tá Ngô Quang Hiền cho biết việc chuẩn bị rất quan trọng với phi công. Khi mang trên mình trách nhiệm gìn giữ bảo vệ vùng trời vùng biển của Tổ quốc, phi công không được phép để xảy ra sai sót, mọi tính toán thao tác phải chính xác, nhanh chóng đến từng giây.

Được thành lập từ những ngày đầu thống nhất đất nước, Trung đoàn 935 trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, cơ động lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ tiêu diệt Phun – rô ở Tây Nguyên. Trong thời bình, Trung đoàn 935 mang những nhiệm vụ trọng tâm huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là tuần tra bảo vệ quần đảo Trường.

 

Nỗ lực của các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 935 trong thời bình đã mang lại những thành quả xứng đáng. Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Tuyến vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 về thành tích lập chiến công xuất sắc.

Ngày 9-4 vừa qua, Thượng tá Tuyến chỉ huy biên đội thực hiện chuyến bay tuần tra ra Trường Sa. Trên đường trở về khi còn cách đất liền 600 km, máy bay gặp sự cố kỹ thuật nguy hiểm, động cơ bên trái đột ngột xảy ra sự cố, khói đen bốc ra phía đuôi.

Theo nguyên tắc có thể bỏ máy bay trong tình huống nguy hiểm, nhưng với bản lĩnh của một phi công kỳ cựu và hiểu đây là một trong những loại máy bay hiện đại nhất, là tài sản lớn của Nhà nước, của quân đội, tổ lái Nguyễn Xuân Tuyến đã cố gắng hết sức cứu máy bay.

Thượng tá Tuyến cho tắt ngay động cơ trái, chỉ bay bằng động cơ phải về đất liền và xin hạ cánh khẩn cấp ở Sân bay Phan Rang. Việc hạ cánh bằng một động cơ đòi hỏi phi công phải dày dạn kinh nghiệm, giữ máy bay thăng bằng, để không lao ra ngoài đường băng.

Nhiều phi công khác của Trung đoàn 935 như Đào Quốc Kháng, Huỳnh Mạnh Thắng, Phan Xuân Tình, Trần Quốc Toàn… cũng đã lập các chiến công cứu may bay trong nhiều tình huống, sự cố nguy hiểm. Trung đoàn phó Ngô Quang Hiền cho biết phi công dù giỏi đến đâu vẫn phải thường xuyên tập luyện với các tình huống bay trên đất liền, bay trên biển, bay đêm, bay trong mọi điều kiện thời tiết để sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG