Mốt chụp ảnh Hàn Quốc: Thành phố hết thời, tiến quân về quê

Mốt chụp ảnh Hàn Quốc: Thành phố hết thời, tiến quân về quê
(TPO) Từng trở thành một "dịch sốt" của giới trẻ, những hiệu chụp ảnh Hàn Quốc nơi đô thành giờ đã vắng bóng người. Một cuộc tiến quân về quê đã và đang khởi hành rầm rộ…

Hơn 2 tháng trước đây, những cửa hiệu chụp ảnh Hàn Quốc vào Hà Nội và cơn sốt bắt đầu. Tại các cổng trường ĐH, các KTX, trường PTHT...các hiệu ảnh mọc lên như nấm. Cách đây hơn tháng, một nhân viên ở 161 Lương Thế Vinh phải thốt lên: "Máy hoạt động hết công suất đến nóng ran. Cả ngày chỉnh sửa, chụp hình hoa cả mắt". Nhưng nay, chuyện đã khác...

Khi cơn sốt hạ nhiệt, lượng khách thưa dần và các chủ cửa hàng bắt đầu tính kế di cư. Cửa hiệu ảnh ở ngay cổng trường Đặng Trần Côn (Thanh Xuân, Hà Nội) mở ra được vài ngày đã phải đóng cửa vì không có khách. Chị H. chủ cửa hàng ở Lương Thế Vinh ngán ngẩm: "Chỉ được vài ngày đầu là đông khách. Mình mở vào đúng thời điểm người ta đã làm nhiều nên cũng không được đông lắm. Giờ kéo lại đủ vốn là may. Chỉ có mấy cậu thanh niên nhanh chân làm nghề đầu tiên được dịp vớ bở".

Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ hàng ảnh trên đường Nguyễn Quý Đức thì yên tâm hơn vì anh là một trong số những người mở cửa hiệu đầu tiên tại khu vực này nên tiền vốn đã thu về, giờ túc tắc câu dầm kiếm tiền chờ ngày... dẹp tiệm. Tuấn bảo: "Chắc cũng chỉ được vài tuần nữa, cái gì cũng vậy, tụi trẻ cả thèm chóng chán. Tính ra cũng lãi được cái máy in với cái camera rồi. Giờ mở cửa đề tìm người chuyển nhượng. Không kiếm được ai thì khi hết khách cũng phải đóng cửa thôi”.

Lý do khiến giới trẻ Hà thành không mặn mà lắm với những tấm hình như thế này đơn giản là vì chất lượng. Vài người đóng tủ cho máy vào trong và khoe với khách về tính hiện đại của thiết bị. Nhưng thực ra chụp ảnh Hàn Quốc không có gì phức tạp như quảng cáo: Một chiếc máy tính cấu hình vừa phải, một chiếc máy in màu, một card capture và một camera loại nghiệp dư dạng như một webcam cao cấp.

"Ảnh được in ra nhờ vào bộ phận ghi hình là một camera, chuyển qua một phần mềm lồng ghép ảnh, theo những nhà cung cấp là có xuất xứ từ Trung Quốc). Có khoảng từ 25.000 đến  90.000 ảnh tùy loại cho bạn lựa chon các hình nền. Điều đáng lưu ý là trong catalog có cả những hình ảnh khiêu dâm, hình bạo lực thì nhiều không đếm xuể", một anh bạn chuyên bán máy tính nhận xét.

Vì hầu hết các cửa hàng đều sử dụng loại camera chất lượng không tốt, có nơi còn dùng webcam để chụp hình, thêm vào đó là sử dụng loại  mực chế kém chất lượng khiến hình ảnh in  không sắc nét, màu nhạt, nhòe. Các hình ghép dù nhiều nhưng vẫn đơn điệu về chủng loai. Hầu hết chỉ có ghép với các nhân vật, phong cảnh theo một form cố định mà không thể thay đổi khiến cho nhiều bạn chỉ đến chụp thử một lần rồi không quay lại.

Tiến quân về quê

Mốt chụp ảnh Hàn Quốc: Thành phố hết thời, tiến quân về quê ảnh 1

Nhu cầu tăng, các cửa hàng Máy tính chuyên cung cấp thiết bị chụp ảnh Hàn Quốc xuất hiện ngày càng nhiều

Với cái giá lấy của khách 5-6 ngàn đồng/ảnh chủ cửa hàng đã có thể thu lãi tới 3-4 ngàn. Bởi lẽ giấy ảnh, thực ra là loại giấy in có mùi thơm giá 500đ/tờ mực in thường là dùng loại mực chế, giá 300.000đ/lít. Mua một lít mực này có thể in tới hàng vạn ảnh. Do vậy, nếu đông khách, các "nhà đầu tư" hòan toàn có thể kiếm lời trong thời gian cực ngắn.

Một bộ máy chụp ảnh Hàn Quốc giá tổng cộng từ 10-15 triệu, tùy theo cấu hình máy tính, loại máy in và phần mềm sử dụng.

Gặp Nguyễn Văn Hùng (quê Lương Sơn, Hòa Bình) tại một cửa hàng bán phụ tùng chụp ảnh Hàn Quốc trên phố Chùa Bộc, Hùng đang chằng buộc lỉnh kỉnh nào máy in, máy tính lên xe để kịp về cho ngày khai trương đang đến. Vừa chằng buộc, Hùng vừa nhận định:“Tụi trẻ cứ thấy cái gì mới là thích, mình đã có một quán Internet, giờ cài thêm phần mềm vào máy, đầu tư thêm chiếc máy in, card, camera, tất cả mất gần chục triệu là có thể làm được. Nếu mỗi ngày chụp được 50 ảnh thì sau khoảng 1 tháng là kéo lại đủ vốn, những tháng sau làm túc tắc hoặc mang về quê".

Hầu hết các chủ cửa hàng và người mua máy đều xác định đây không thể là hình thức kinh doanh lâu dài. Lê Hoàn, một kỹ thuật viên máy tính trên phố Thái Hà bảo: “Với loại mực lít như thế này, cùng với camera không tốt, chưa kể đến người chụp chỉ biết chụp, không quan tâm tới ánh sáng trong phòng thì ảnh làm sao mà đẹp được. Lúc mới ra, HS, SV còn hào hứng vì nó lạ, ngộ nghĩnh. Nhưng thường mỗi đứa chỉ chụp một lần, hai lần, hiếm thấy đứa nào chụp đến lần thứ ba".

Giá thành những phần cứng như máy tính, máy in, camera, ...  đã cố định, nhưng quan trọng là phần mềm, giá dao động từ 1 triệu đến 3 triệu, phải mang ổ cứng đến tận cửa hàng để được cài đặt. Biển hiệu ghi là chụp ảnh Hàn Quốc nhưng theo các nhà phân phối, đa số phần mềm sử dụng đều của Trung Quốc và có chữ Trung Quốc. Một nhân viên bán hàng còn rỉ tai tôi: "Nếu em mang máy đến đây cài mất 3 triệu, nhưng nếu chị về nhà cài cho chỉ mất 1 triệuđ/máy và nếu em làm ăn lâu dài, trả chị 5 triệu, chị sẽ chuyển giao toàn bộ phần mềm cho em, em có thể copy và cài đặt cho ai tùy ý".

Phần mềm này với mức độ phổ biến chưa cao, các cửa hàng còn cố gắng "giữ bản quyền" để thao túng thị trường, nhưng theo dự đoán của dân IT, không lâu nữa, có thể “xin” được.

Trong việc đầu tư kinh doanh chụp ảnh Hàn Quốc, nếu là người đầu tiên, bạn có thể thắng lớn, nhưng nếu thị trường đã bão hòa, việc quyết định bỏ tiền mua máy đối với các nhà đầu tư ở nông thôn, miền núi, cần phải tính tóan thận trọng.

MỚI - NÓNG