Cha đẻ Flappy Bird Nguyễn Hà Đông:

Muốn ra thế giới phải đối diện khuyết điểm của mình

Nguyễn Hà Đông (cầm míc) chia sẻ cách đối mặt với khuyết điểm của mình để bước ra thế giới. Ảnh: Bảo Linh
Nguyễn Hà Đông (cầm míc) chia sẻ cách đối mặt với khuyết điểm của mình để bước ra thế giới. Ảnh: Bảo Linh
TP - Gây đình đám trên toàn thế giới với game Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông nổi tiếng toàn cầu và được nhiều công ty game săn đón. Chia sẻ với các tài năng tin học trẻ Việt Nam, Nguyễn Hà Đông cho rằng để bước ra thế giới, điều cần thiết là phải đối diện với khuyết điểm của mình.

Đối diện khuyết điểm để bước ra thế giới


Tham dự chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ công nghệ thông tin”, hoạt động trong khuôn khổ Hội thi tin học trẻ toàn quốc, Nguyễn Hà Đông góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê công nghệ, đặc biệt là sáng tạo game trong nhiều bạn trẻ. 

Anh Đông cho biết mình có đam mê đặc biệt với công nghệ game, hiện đang làm một game mới trên di động, sẽ sớm cho ra mắt trong thời gian tới. 

Khi được hỏi làm thế nào để tin học trẻ Việt Nam tự tin bước ra với thế giới, Hà Đông cho rằng “hãy tôn trọng khuyết điểm của mình, cố gắng vượt qua khuyết điểm và đối mặt với nó”. Hà Đông tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện đang làm việc tại một Cty game. Trò chơi Flappy Bird đã đưa anh trở thành hiện tượng trong ngành công nghệ tin học trong hai năm trở lại đây.

“Cuộc đời có rất nhiều điều làm chúng ta thay đổi, điều quan trọng là phải có niềm tin vào điều mình đã chọn”, Nguyễn Hà Dương, một tin học trẻ thành công sau hội thi chia sẻ. Trước khi vào nội dung thi phần mềm sáng tạo, anh lên cơn sốt 40 độ, cả đoàn lo lắng tưởng anh phải bỏ cuộc, nhưng Dương đã cố gắng hết sức để hoàn thành phần thi của mình. Sau trải nghiệm đó, anh rút ra một điều, không có gì là không thể nếu mình biết cố gắng.

Nuôi dưỡng đam mê

Ngoài Hà Đông, tại chương trình còn có nhiều chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ với các tài năng trẻ. Anh Phan Hoàng Huy, Giám đốc Cty Thế giới phẳng Đà Nẵng, người từng đạt giải cao tại Hội thi tin học trẻ toàn quốc với hai giải nhất phần mềm sáng tạo, một giải nhì. 

Huy nhớ lại kỷ niệm: Cách đây 10 năm, tôi ngồi dưới góc khán phòng, ba tôi ngồi bên cạnh. Tôi lắng nghe các anh chia sẻ kinh nghiệm và tôi vỗ tay. Ba tôi nói chúc mừng con, tương lai con cũng sẽ giống những anh kia. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng quan trọng là có đam mê và biết nuôi ước mơ của mình”.

Đinh Mạnh Đạt, Giám đốc Cty phần mềm Quảng Ích như sống lại những ngày tháng ăn ngủ cùng cuộc thi của 12 năm trước. Anh cho biết cuộc thi đã trở thành một dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên anh làm được một phần mềm hoàn chỉnh đem đi dự thi, cuộc thi đã khơi dậy đam mê lớn trong anh về tin học.

Anh nói: “Tôi làm một phần mềm giáo dục đi dự thi và tôi theo mãi phần mềm đó. Cho đến hôm nay phần mềm đó được sử dụng trên 90% các trường đại học tại Hà Nội.Nuôi dưỡng đam mê và sở hữu trí tuệ sẽ đưa bạn đến với thành công”.

“Tôi từng tham gia vài cuộc thi về tin học, tôi nhận thấy đạt giải hay không không quan trọng, điều quan trọng là nuôi dưỡng được đam mê và theo đuổi đến cùng đam mê ấy”.

Nguyễn Hà Đông

Tại buổi giao lưu, PGS.TS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, người từng nhiều năm theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin, tham gia giảng dạy nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic tin học trẻ quốc tế cho rằng các bạn trẻ chắc chắn phải có đam mê. 

TS Duy nói: “Có đam mê từ ngày ngồi trên ghế nhà trường tạo động lực thôi thúc chúng ta không chỉ làm về CNTT mà còn giảng dạy, bồi dưỡng những người theo lĩnh vực này. Tại sao ngành CNTT ở Việt Nam phát triển nhanh dù tiếp cận muộn hơn nhiều nước, tôi thấy đó là do có thế hệ những người thầy tâm huyết, luôn tạo sự nối tiếp giữa thế hệ này qua thế hệ khác”.

Hội thi tin học trẻ toàn quốc 2014 có 239 thí sinh tham dự, ban tổ chức đã trao 9 giải Nhất, 13 giải Nhì, 23 giải Ba và 37 giải Khuyến khích. Hội thi có sự tài trợ chính của Tập đoàn VNPT và ba đơn vị đồng tài trợ gồm: Cty cổ phần DTT, FPT và Intel.

MỚI - NÓNG