Ngân hàng... bò

Ngân hàng... bò
Sở hữu một con bò là giấc mơ của nhiều thanh niên ở xã miền núi nghèo Xuân Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Ngân hàng... bò ảnh 1
Con bê này Trưởng chờ ngày cứng cáp để giao cho xã xét cấp cho bạn khác, Trưởng còn dư được bò mẹ và con bò đực - Ảnh: N.Nam

Từ khi có chương trình “Ngân hàng bò giống” của Trung ương Đoàn thực hiện tại địa phương, giấc mơ đó đã gần tầm với hơn với các bạn trẻ nơi đây. Từ sáu con bò đầu tiên đến nay họ đã nhân lên thành 15 con. Niềm vui cũng từ đó được nhân lên...

Nhân niềm vui

Năm 2006 khi tiếp nhận chương trình “ngân hàng bò giống”, anh Bùi Đức Thuận, bí thư xã đoàn Xuân Phong, nghĩ: phải ưu tiên cho thanh niên khó khăn trước để họ có phương tiện làm ăn cải thiện cuộc sống. Cuộc họp giữa các chi đoàn trong xã Xuân Phong diễn ra để chọn người xứng đáng được hỗ trợ bò. Danh sách thanh niên nghèo thì nhiều mà bò chỉ có sáu con, vậy nên rút thăm là hình thức công bằng nhất.

Mô hình “ngân hàng bò” của Huyện đoàn Cao Phong được bình chọn là mô hình dân vận khéo của tỉnh Hòa Bình năm 2009. Mô hình “ngân hàng bò” đã được Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn thuộc Trung ương Đoàn triển khai từ năm 2001 cho một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Đây là một trong những mô hình tham gia hỗ trợ thanh niên vượt khó thoát nghèo. Đến nay có xã triển khai ngay từ những ngày đầu và đã nhân đàn bò lên hơn 80 con.

Mô hình “ngân hàng bò” của Huyện đoàn Cao Phong được bình chọn là mô hình dân vận khéo của tỉnh Hòa Bình năm 2009. Mô hình “ngân hàng bò” đã được Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn thuộc Trung ương Đoàn triển khai từ năm 2001 cho một số tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là một trong những mô hình tham gia hỗ trợ thanh niên vượt khó thoát nghèo. Đến nay có xã triển khai ngay từ những ngày đầu và đã nhân đàn bò lên hơn 80 con.

Trung ương Đoàn sẽ hỗ trợ tiền mua bò giống 3 triệu đồng. Ai muốn mua bò tốt hơn tùy theo khả năng mình thì thêm vào chút đỉnh. Sau khi bò đẻ thì bò con được giao cho xã đoàn để xét cấp cho thanh niên khác, còn bò mẹ sẽ thuộc sở hữu của người nuôi ban đầu. Vòng tuần hoàn cứ thế mà nhân rộng số người có bò lên.

Khi thấy mình được trúng vào danh sách hỗ trợ tiền mua bò, anh Bùi Văn Trưởng (chi đoàn Rú 6) mừng lắm. Trưởng lấy số tiền tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng thêm vào để tậu một con bò giống tốt.

Từ ngày có bò, Trưởng chí thú làm lụng hơn. Đến năm 2008 thì bò giống đẻ con đầu tiên. “Con này đực nên mình để nuôi, chờ lứa sau đẻ bò cái mình sẽ giao cho xã để cấp cho bạn khác, vì bò cái mới đẻ được để nhân số lượng bò lên”, Trưởng nói. Gần hai năm sau bò giống của Trưởng đẻ được một con bò cái, anh hồ hởi: “Bò con đợt này cứng cáp rồi mình sẽ giao cho xã, mình còn lại hai con bò. Mình nghĩ ai có được bò cũng sẽ vui như mình thôi và cố gắng làm ăn”.

“Ở đây đa số thanh niên đi tứ xứ mưu sinh. Còn trụ lại quê làm ăn chỉ có làm nông là chính. Ruộng bậc thang cao thấp từng khoảnh nhỏ, máy cày không sử dụng được nên sức bò kéo là quan trọng lắm. Có được con bò mấy bạn ấy vui lắm, mình cũng vui lây”, bí thư xã đoàn Bùi Đức Thuận nói.

Tình làng nghĩa xóm

Lấy cỏ cho bò ăn, anh Bùi Văn Đông (chi đoàn Rú 4) phấn khởi: “Con bò con này mình vừa tiếp nhận từ anh Bùi Văn Diễn (chi đoàn Nhõi 3). Hiện nay nó gần một tuổi rồi, chuẩn bị “chịu đực”.

“Lúc nhận bò từ anh Diễn, mình giao cho ảnh 500.000 đồng coi như nhớ công chăm sóc bò đẻ ra cho mình nuôi. Chứ con bê này mua bên ngoài cũng mất tầm 3-4 triệu đồng. Mình sẽ nuôi tốt con bò được nhận này để mau đẻ con giao cho bạn khác”, Đông bày tỏ.

Đông cho biết thêm kể từ ngày nhận được bò cả nhà ai cũng vui mừng và biết ơn người cho bò. Con bò như “từ trên trời rơi xuống” này ngoài việc tạo niềm vui còn cho anh thấy được tình thương mến xung quanh mình. “Mình nghĩ bạn sau này được mình giao bò cũng thương quý mình như mình thương quý anh Diễn bây giờ vậy”, Đông xúc động.

Còn anh Bùi Đức Thuận nói: “Nuôi bò đến lúc nó đẻ rồi chuyển cho người khác cũng xót công chăm sóc lắm chứ. Nhưng được cái mấy bạn biết ý nghĩa của chương trình là nhân rộng đàn bò, nhân rộng niềm vui cho mọi người nên tôi thấy ai cũng chẳng đắn đo gì nhiều việc ấy. Sau mỗi lần người này chuyển bò cho người khác với câu nhắn nhủ “ráng nuôi tốt như mình để bò mau đẻ giao cho bạn khác” thì tình anh em trong xã càng mến thương hơn”.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.