“Nhịp sống” - cho để nhận

Anh Hưng (cầm micro) và các thành viên ban nhạc đang tập luyện.
Anh Hưng (cầm micro) và các thành viên ban nhạc đang tập luyện.
TP - Dù bị khiếm khuyết một phần trên cơ thể, song bằng niềm đam mê âm nhạc, những con người kém may mắn ở Đắk Lắk đã tụ họp lại, lập nên ban nhạc “Nhịp sống”, đem lời ca tiếng hát lưu diễn khắp nơi nhằm kết nối yêu thương, gây quỹ giúp đỡ những phận đời không may như mình.

Ban nhạc “Nhịp sống” do Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk thành lập vào tháng 6/2011, nhằm tạo sân chơi âm nhạc bổ ích cho các thành viên trung tâm. Kinh phí mua sắm nhạc cụ được một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Từ khi thành lập, “Nhịp sống” trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người khuyết tật, họ cùng hát lên những ca khúc về nghị lực sống, động viên nhau vượt qua khó khăn, trở thành người có ích cho xã hội.

Anh Lê Bá Lênh (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), thành viên chơi guitar bị khuyết tật vận động từ năm 6 tuổi, song khó khăn ấy không ngăn được đam mê đàn, hát của anh. Mỗi khi gặp chuyện không vui, anh Lênh lại mang đàn ra vừa gẩy, vừa hát nghêu ngao. Âm nhạc như “liều thuốc quý” giúp anh xua tan bao phiền muộn. Khi biết tin thành lập ban nhạc “Nhịp sống”, anh liền đăng ký tham gia.

Dù nhà xa, mỗi lần di chuyển phải nhờ đôi nạng gỗ nhưng khi ban nhạc hội tập anh đều có mặt. Khi hội tổ chức lưu diễn gây quỹ từ thiện ở các huyện, anh đều hăng hái lên đường.

“Chuyến lưu diễn khiến tôi nhớ nhất là ở huyện Lắk vào năm 2014. Lúc ấy đang là mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, đến lúc diễn trời mưa dữ dội, ai cũng sợ bể sô vì không có khán giả. Không ngờ, người dân đội mưa đến xem, cổ vũ nhiệt tình ai nấy xúc động đến rơi nước mắt”, anh Lênh nhớ lại.

Giúp cảm nhận giá trị sống

Anh Lê Hoàng Gia Hưng (ở thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) luôn dành tình yêu đặc biệt với “Nhịp sống”. Sinh ra, Gia Hưng đã chịu cảnh mù lòa. Dù vậy anh rất mê hát và nuôi mơ ước trở thành ca sĩ. Tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm chuyên ngành nhạc, anh làm giáo viên cho một cơ sở dạy trẻ khuyết tật ở thành phố Buôn Ma Thuột, sau đó chuyển về thị xã Buôn Hồ làm chủ tiệm mát - xa tại nhà.

Dù bận rộn với công việc mưu sinh, anh Hưng vẫn sắp xếp thời gian đến với ban nhạc cho thỏa niềm đam mê. “Tôi rất mê ca hát, chỉ cần được hát là vui rồi. Tham gia ban nhạc, tôi có cơ hội mang tiếng hát của mình phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần nhỏ bé của mình gây quỹ từ thiện cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật giúp tôi cảm nhận được giá trị sống của mình”.

Anh Nguyễn Thái Dương, người quản lý ban nhạc đồng thời là thành viên chơi guitar và đàn organ của “Nhịp sống” cho biết, ban nhạc có 8-10 thành viên cố định, họ đều là người khuyết tật được tuyển chọn trong toàn tỉnh, tuổi từ 30 - 60.

Mỗi người đều mang trên mình khiếm khuyết, công việc mưu sinh khác nhau nhưng họ đều có chung niềm đam mê ca hát và lối sống lạc quan, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Trước khi lưu diễn, các thành viên sẽ tập hợp lại cùng nhau lên kế hoạch chương trình cho thật chỉnh chu. Toàn bộ số tiền do người dân ủng hộ sẽ bàn giao lại cho chính câu lạc bộ người khuyết tật tại địa phương đó. Các thành viên ban nhạc không nhận bất kỳ một đồng thù lao nào.

Ngoài biểu diễn trong tỉnh, ban nhạc còn tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ khuyết tật ngoại tỉnh và tham gia các cuộc thi âm nhạc dành cho người khuyết tật. Năm 2014, ban nhạc đoạt được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc trong hội thi “Tiếng hát người khuyết tật” toàn quốc.

“Tham gia ban nhạc, tôi có cơ hội mang tiếng hát của mình phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần nhỏ bé của mình gây quỹ từ thiện cho các em nhỏ mồ côi, khuyết tật giúp tôi cảm nhận được giá trị sống của mình”.

Anh Lê Hoàng Gia Hưng

MỚI - NÓNG