Những A Phủ đời mới

Thào A Chua, một “triệu phú A Phủ” bên đàn bò của mình.
Thào A Chua, một “triệu phú A Phủ” bên đàn bò của mình.
TP - Xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là nơi nhà văn Tô Hoài từng sống và xây dựng nên tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Mảnh đất qua bao thăng trầm, khó khăn, nhưng xuân này quê hương A Phủ đã đổi thay. Những “A Phủ” trẻ tuổi khiến cho mảnh đất quê hương trở nên đẹp đẽ, căng tràn sức sống.

Nét xuân

Xã Hồng Ngài cách trung tâm huyện Bắc Yên, Sơn La hơn 10km, đường đi khá đẹp với bên núi, bên đồi. Những dãy núi trùng trùng điệp điệp với cảnh sắc hùng vĩ, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc cứ lần lượt trôi qua trước mắt. Cảm giác sắp được gặp những A Phủ thời nay khiến chúng tôi không khỏi háo hức. Từ trung tâm xã Hồng Ngài, muốn đi đến các bản Suối Chạn, Suối Tếnh, Bản Hồng Ngài, Bản Mới… còn phải đi đoạn đường gập ghềnh, nhiều đoạn sạt lở, có thể làm nản lòng nhiều tay lái mới.

Ði giữa núi đồi Hồng Ngài mùa này, thi thoảng lại có tiếng khèn réo rắt đón Tết vang vang đâu đó. Giữa tiếng khèn dập dìu ngày Tết là tiếng leng keng của những đàn bò quây quần về máng nước. Tò mò hỏi, được biết đây là đàn bò của Thào A Chua, sinh năm 1977, một trong những thanh niên tiên phong trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc xã Hồng Ngài. Vừa tiếp chúng tôi, A Chua khoe: Tao còn nuôi cả trâu nữa. Trâu khỏe, còn cày đất được nên thả riêng ở quả đồi khác. “Bò nhàng nhàng bán được khoảng 13 - 14 triệu/con. Bò to có con bán được 30 triệu đồng”, A Chua phấn khởi. Ðược biết, Thào A Chua sở hữu 2 ngọn đồi trồng cỏ khoảng 20 ha để chăn nuôi gia súc. Ðây cũng là một trong những “A Phủ” tiêu biểu của Hồng Ngài, quyết thoát sách bằng vay vốn ngân hàng làm giàu. Với khoảng gần 40 con trâu, con bò trong tay, A Chua tin tưởng sẽ phát triển đàn lên tới cả trăm con, vươn lên làm trưởng bản giàu có từ chính sức lao động của mình.

Ðang trò chuyện với A Chua, một chiếc xe tải đầy ăm ắp sắn gật gừ chạy qua, A Chua lập tức í ới gọi lại. Té ra đó là Mùa A Chua, một trong những “A Phủ” khác giàu có của vùng, dám đầu tư cả xe tải để phục vụ bà con chở ngô, khoai, sắn ra thị trấn bán. Mấy cái Tết qua, Mùa A Chua kiêm luôn nhiệm vụ mang hàng hóa Tết đến với bà con. Nào là bánh kẹo, miến, mì gói… đầy thùng hàng như báo hiệu một mùa Xuân sung túc trên mảnh đất này. Học theo Mùa A Chua, nhiều thanh niên Mông cũng gom góp sắm xe để làm kinh tế. Theo thống kê, có 6 chiếc xe tải các loại được đầu tư để phục vụ nhu cầu của bà con của xã Hồng Ngài và các xã lân cận.

Những A Phủ đời mới ảnh 1

Chủ tịch xã Mùa A Chồng bên ao tát cá.

Thanh niên thi đua làm giàu

Chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác và hấp dẫn nhất là chuyện làm giàu ngày nay của những chàng “A Phủ” trẻ tại đây. Ði thêm một đoạn đường đất sỏi quanh co, chúng tôi có mặt tại nhà anh Mùa A Chồng, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài. Rặng đào ngoài ngõ đã phơn phớt đơm hoa, còn ông Chủ tịch thì đang quần xắn gối tát ao đánh cá. Khi nghe báo Tiền Phong đến viết về những tấm gương thanh niên tiên tiến, A Chồng hồ hởi bảo: Báo các anh tuần nào xã cũng có một số, tôi đọc không sót trang nào đâu. Vừa nói, anh vừa nhanh tay bắt một con cá trắm to dự định làm bữa đãi khách.

“Xã đã không còn cảnh “thi nhau nghèo” để nhận vài trăm ngàn hỗ trợ từ nhà nước. Ðến giờ, nhiều thanh niên người Mông đã hiểu ra phải chăm làm lụng để kiếm tiền, có tiền thì cuộc sống sẽ thay đổi, ấm no, sung túc sẽ đến. Thế là thanh niên không ai bảo ai, cứ đua nhau làm giàu”. 

Mùa A Chồng

Xã Hồng Ngài có diện tích đất tự nhiên gần 5.650 ha, có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó 80% là người Mông. Ðịa hình phức tạp, nhiều núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. A Chồng cho biết: Các hộ dân đang làm mô hình trồng ngô và chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay diện tích ngô đã đạt trên 1.400 ha, hơn 100 ha sắn. Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 6.000 con. Con số khiêm tốn so với nhiều vùng khác, nhưng đó là tín hiệu khởi đầu tích cực.

 

Cũng là một trong những “A Phủ thời kỳ mới”, Chủ tịch xã Mùa A Chồng kể: Lương nhà nước được khoảng 4 triệu đồng, tao đưa cho vợ hết. Ðể phát triển kinh tế hộ gia đình, A Chồng là thanh niên Mông tiên phong thử nghiệm phát triển những giống cây mới. Anh nhiều lần lặn lội qua các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu tìm hiểu để đề xuất cấp giống đem về trồng. Nhờ sự hỗ trợ về giống của huyện Bắc Yên, từ năm 2010 đến nay, A Chồng vận động thanh niên trồng được 347 ha xoan ta lấy gỗ. Ðây là giống cây ngắn ngày, thu hoạch chỉ sau 4 – 5 năm nên được dân bản rất ủng hộ. Thời gian tới, A Chồng sẽ tiếp tục xin thêm hỗ trợ giống trồng cây lát hoa, đây là loại cây lấy gỗ lâu năm theo quy hoạch lâm nghiệp của huyện. “Xã đã không còn cảnh “thi nhau nghèo” để nhận vài trăm ngàn hỗ trợ từ nhà nước. Ðến giờ, nhiều thanh niên người Mông đã hiểu ra phải chăm làm lụng để kiếm tiền, có tiền thì cuộc sống sẽ thay đổi, ấm no, sung túc sẽ đến. Thế là thanh niên không ai bảo ai, cứ đua nhau làm giàu”, Mùa A Chồng nói.

Hớp rượu ngô chan chứa cứ hết lại đầy nối dài những dự định và câu chuyện làm ăn… Chúng tôi chia tay vợ chồng chủ tịch xã để lên đường về xuôi. Trước khi nói lời từ biệt, A Chồng nhắn nhủ: Tết năm sau lại qua. Yên tâm vì năm sau Hồng Ngài sẽ lại có thêm nhiều “triệu phú” nữa để viết. Tôi coi đó là một lời khẳng định quyết tâm của một chàng trai Mông đầy khát vọng làm giàu.

Xã Hồng Ngài có diện tích đất tự nhiên gần 5.650 ha, có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó 80% là người Mông. Ðịa hình phức tạp, nhiều núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

MỚI - NÓNG