Những cú điện thoại kinh hoàng lúc nửa đêm

Những cú điện thoại kinh hoàng lúc nửa đêm
Sau mấy ngày tất tả lo cho bạn "về nơi chín suối", Ánh lăn ra ngủ. 2h sáng, bừng tỉnh bởi điện thoại rung, Ánh rụng rời tay chân khi tên người bạn đã mất hiện trên màn hình. Đầu bên kia bật lên tiếng rên rỉ: “Hừ, hừ... Ở dưới này lạnh quá"...

Nhận bằng tốt nghiệp buổi sáng thì buổi chiều, Nhân, bạn của Ánh, đột ngột qua đời. Bữa nhậu lai láng rượu bia để “bù lại” sau 4 năm đèn sách đã khiến Nhân lạc tay lái, tông thẳng vào dải phân cách.

Đám tang Nhân, Ánh có mặt từ đầu đến cuối vì trong bữa nhậu hôm đó. Lúc tiễn Nhân về cõi vĩnh hằng, tự tay Ánh còn thả chiếc di động móp méo xuống mộ cho Nhân có cái tâm sự với bạn bè.

2h sáng, Ánh bừng tỉnh bởi chiếc điện thoại bên cạnh bỗng rung lên bần bật. Nhìn vào màn hình, Ánh rụng rời tay chân khi nhìn thấy tên Nhân hiện lên màn hình. Ánh sụp xuống, lạy chiếc điện thoại như tế sao rồi tông cửa chạy ra ngoài. Người nhà Ánh không hiểu chuyện gì, chỉ thấy Ánh mặt tái xanh tái xám, ú ớ chỉ trỏ vào trong.

Mẹ Ánh vốn can đảm, vớ ngay cây lau nhà xông thẳng vào phòng con trai. Nhìn chiếc điện thoại vẫn rung mải miết, đến lượt mẹ Ánh tá hỏa vì người gọi cho con bà là thằng bạn đã chết cách đó mấy ngày.

Sau cuộc gọi kinh hoàng đó, Ánh rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ bóng tối và sợ luôn cả điện thoại di động. Chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại của ai đó cất lên là Ánh đã rúm ró như nghe tiếng thần chết gọi. Không tin chuyện nhảm nhí, chú của Ánh, một sĩ quan an ninh, quyết định làm cho ra nhẽ.

Sự thật được phơi bày. Khi Nhân bị tai nạn, kẻ nào đó đã nhặt chiếc sim văng ra từ chiếc điện thoại bị vỡ, sau đó hắn nghĩ ra trò dùng số của người chết gọi cho người sống. Sở dĩ Ánh nhận được điện thoại đầu tiên chỉ vì theo thứ tự tên Ánh đứng đầu danh bạ.

Suýt tan nát gia đình vì điện thoại

Phương vốn là ông chồng mẫu mực, lương nộp đủ, tối ngủ nhà, không massage, không bia bọt. Anh được vợ tin tưởng tuyệt đối. Cách đây một tuần, hai vợ chồng đang say giấc nồng thì điện thoại của Phương lảnh lót vang lên bản Kachiusa.

Thấy số lạ, vợ Phương nhanh tay bấm OK. Đầu bên kia một giọng nữ lả lơi: “Anh Phương hả? Nhớ em hôn? Giang hoa sứ nè! Thèm anh quá! Hihihi...”. Vợ Phương tỉnh cả ngủ, một trận cuồng phong đầy nước mắt trút lên Phương. Số máy lạ tiếp tục gọi: “Sao hôm nay anh hiền vậy? Chả bù cho lúc...”.

Hết chịu nổi, vợ Phương đùng đùng viết đơn ly hôn rồi xách xe máy chạy thẳng về ngoại, không quên cầm theo chiếc điện thoại di động làm bằng chứng. Sáng hôm sau, Phương thất thểu lên cơ quan với bộ mặt đưa đám. Đến nước này, một đồng nghiệp của Phương mới thật thà thú nhận thỉnh thoảng anh em trong phòng tổ chức đi “bia ôm”.

Do Phương không hưởng ứng nên mọi người mới nghĩ ra cách chọc phá. Vào quán, họ chọn một người giả tên Phương rồi cung kính gọi là “sếp”. Sau chầu nhậu, “sếp” bo rất hậu hĩ, cho các em số điện thoại của Phương rồi cẩn thận dặn: “Chỉ được gọi sau 23h vì anh rất bận”.

Trò đùa của mấy ông đồng nghiệp láu lỉnh khiến hạnh phúc gia đình Phương suýt tan thành mây khói, may mà họ biết điểm dừng.

Mất việc vì cái "Alô"

Sau nửa năm yêu đương nồng thắm với Thắng, một anh bạn cùng thời đại học, đùng một cái, Thắng tuyên bố chia tay Mai Lan vì không thể chịu nổi tính cách “bà chằn” của cô. Hận người tình, Lan liên tục gọi điện hăm dọa, chửi bới khiến Thắng mất ăn mất ngủ, chỉ cần nhìn thấy số của Lan hiện trên màn hình là anh đã nổi da gà.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, một người bạn của Thắng bày cho anh chiêu chuyển cuộc gọi. Chỉ cần Lan gọi đến là máy của Thắng sẽ tự động chuyển cuộc gọi đến... sếp của Lan. Hôm đó, như thường lệ, đêm về khuya, Lan bắt đầu bài ca chửi bới. Đang ngon giấc bên bà vợ có máu “sư tử Hà Đông”, sếp của Lan chồm dậy vì điện thoại.

Vừa alô, ông đã bị Lan mắng xối xả: “Mày là thằng đểu! thằng bạc tình! Thằng...”. Thấy mặt chồng tái xám, vợ sếp giằng ngay điện thoại còn nghe được câu: “Mày không yên với tao đâu, tao căm thù mày...!”.

Sáng hôm sau, Lan nhận được quyết định cho nghỉ việc, cô không hề biết rằng đó là kết quả của việc sếp cô lãnh đủ những lời “hoa mỹ” mà cô tưởng đã trút lên người tình cũ.

Trong nhiều trường hợp, những trò tai ác từ điện thoại không chỉ dừng ở mức độ đùa cợt mà còn được dùng để hỗ trợ cho hành vi phạm tội. Vụ bắt Đỗ Tấn Sỹ, một lưu manh chuyên lừa tình và tiền của các cô gái là một ví dụ. Để tạo niềm tin cho con mồi, Sỹ dùng hai điện thoại di động.

Mỗi khi đi với con mồi, anh ta cho tay vào túi quần bên này bấm gọi cho máy ở túi quần bên kia rồi lôi máy ra giả vờ alô để “nổ”. Những cuộc nói chuyện điện thoại của Sỹ luôn là những mệnh lệnh đầy chất “tố tụng” như “khám xét”, “truy nã”, “tạm giam”, thậm chí còn cả “bắt khẩn cấp” khiến nạn nhân tin Sỹ là cảnh sát hình sự.

Chỉ đến khi các trinh sát PC14 bắt khẩn cấp và tạm giam Sỹ thì thủ đoạn của kẻ láu cá này mới bị lật tẩy.

Theo Công An TP HCM

MỚI - NÓNG