Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel:

Những gì người Việt bị chê, chúng tôi coi là sức mạnh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, chia sẻ tại Tọa đàm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, chia sẻ tại Tọa đàm.
TP - Tại Tọa đàm doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới dịp cuối năm 2016, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ nguyên nhân thành công khi ra thị trường quốc tế : “Viettel đi ra nước ngoài sử dụng chủ yếu những thứ mà người Việt bị chê, những thứ bị ruồng bỏ, Viettel coi là sức mạnh”.

Khi chia sẻ thành công trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra nhiều thứ bị chê của người Việt Nam và theo ông đó chính là sức mạnh để Việt Nam vươn ra thế giới.

Theo ông Hùng, trước tiên cần một khát vọng, đó không phải là khát vọng đơn thuần mà phải là một khát vọng thần thánh, khát vọng giống như khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập khi bị xâm lăng. Ông Hùng cho rằng, khát vọng ấy chính thứ dẫn dắt anh em đi qua khó khăn, thách thức và trong thế giới sáng tạo, khát vọng ấy càng có ý nghĩa lớn.

Vị tổng giám đốc Viettel cho rằng, người Việt Nam hay để “nước đến chân mới nhảy”. Điều này đúng ở chỗ, khi nước đến chân thì người Việt Nam nhảy một cách kinh hoàng, nhảy một cách bứt phá. Càng khó bao nhiêu thì càng thông minh bấy nhiêu, càng giỏi bấy nhiêu, sức bật càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Và theo ông, việc mình ra ngoài nước là đi vào chỗ “chết”. “Lão Tử nói một câu hay, “muốn cho nó sống, hãy vứt nó vào chỗ chết”. Đi ra nước ngoài là đi vào chỗ “chết” vì khi ấy mình phải va vào các ông giỏi nhất thế giới và buộc mình phải kích hoạt. Đi ra nước ngoài là đẩy mình vào chỗ tối không ngủ và quan trọng nhất cuộc đời người là tối ngủ ít”, ông Hùng nói.

“Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, chúng ta có thể không biết gì về công nghệ nhưng nếu có một nhu cầu, một vấn đề xã hội là chúng ta sẽ có sản phẩm”.   

Ông Nguyễn Mạnh Hùng,  

Tổng Giám đốc Viettel

Tổng giám đốc Viettel kể, khi Viettel  ra nước ngoài 2006, Viettel bằng 1/30 đến 1/40 bây giờ. Ngày ấy lãnh đạo Viettel tư duy ra ngoài cạnh tranh để học hỏi, sau đó mới đến mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế, đầu tư vào nước láng giềng để cùng nhau phát triển. “Tôi nghĩ, kể cả doanh nghiệp lớn cũng cần phải ra nước ngoài để tìm một đối thủ cạnh tranh mạnh. Một tổ chức muốn bền vững thì phải có một ông đối thủ tốt. Gần đây, mọi người bảo VNPT tái cấu trúc, CMC phát triển mạnh, Viettel có lo ngại không, tôi nói Viettel vô cùng vui mừng. Khi một tổ chức thành công thì dù ông giám đốc nói là sắp chết rồi, quân vẫn không nghe, khi mà có đối thủ từng ngày, từng giờ va chạm, đấy là cách để nhân viên của mình nhận thức được sự cạnh tranh”, ông Hùng nói.

Nói về thế mạnh của người Việt Nam khi ra quốc tế, Tổng giám đốc Viettel chia sẻ, cái gì người ta chê người Việt Nam thì đó là sức mạnh lớn nhất của người Việt Nam. Viettel luôn luôn đi tìm thế mạnh trong những cái bị chê nhất, kém cỏi nhất. Ví dụ, nghèo là sự kém cỏi và Viettel thành công khi ra nước ngoài chính vì nghèo. “Ông giàu thì thứ 7 phải đi đạp xe, 7h tối phải đưa vợ đi ăn, mình thì làm việc 7/7 ngày, 14h mỗi ngày. Hai là mình nghèo nhất thì chi phí thấp nhất”.

Ông Hùng kể, khi Viettel đầu tư vào Haiti, có một bài báo nước ngoài phân tích và kết luận, người Mỹ sẽ không thắng được Việt Nam ở Haiti vì người Mỹ sang Haiti làm việc phải đi máy bay hạng sang, phải ở khách sạn hạng sao, lương vài chục nghìn đô một tháng còn người Việt Nam ở chung một phòng, ăn mỳ tôm, lương vài nghìn đô. Khi ra nước ngoài, người Mỹ có thể mất cả năm để học tiếng, để thích nghi với văn hóa, ẩm thực còn ở Viettel, một nhân viên ra nước ngoài không có sự chuẩn bị, một thân một mình tự lo thuê nhà, tuyển người nhưng 6 năm sau quay lại đã chỉ huy 100 người địa phương và nói tiếng địa phương chuẩn.

“Tựu chung lại, Viettel đi ra nước ngoài sử dụng chủ yếu những cái người Việt Nam bị chê, những thứ người ta ruồng bỏ nó, Viettel coi là sức mạnh”, ông Hùng nói.

Sản phẩm xuất sắc bắt đầu từ nỗi đau của bản thân

Trả lời câu hỏi đi ra nước ngoài bằng cách nào? Tổng giám đốc Viettel cho rằng, sản phẩm bé nhưng xuất sắc sẽ đi ra toàn thế giới. Theo ông Hùng, sản phẩm xuất sắc nhất khi xuất phát từ nỗi đau của mình và xuất phát từ nhu cầu của chính mình. Ông kể, tôi có người bà con trên Lào Cai, Yên Bái, dịp lễ, tết rất muốn biếu một chút tiền nhưng ở đó, để đi lấy được tiền phải đi hàng trăm cây số. “Viettel nghĩ ra dịch vụ bấm một cái, trong vòng 24h có người cầm 1-2 triệu đồng đến tận nhà khách hàng dù ở tận biên giới, sản phẩm ấy chuẩn bị đưa đến 10 quốc gia Viettel đầu tư. Mark Zuckerberg  viết mạng xã hội để mấy anh em chơi với nhau, Steve Jobs làm Ipod cũng là cho con gái”.

Tổng giám đốc Viettel cho rằng đừng quá quan trọng yếu tố thị trường, chỉ cần giải bài toán của riêng ta, kiểu gì cũng ra thế giới. “Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, chúng ta có thể không biết gì về công nghệ nhưng nếu có một nhu cầu, một vấn đề xã hội là chúng ta sẽ có sản phẩm”, Tổng giám đốc Viettel chia sẻ.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia là lãnh đạo các doanh nghiệp cũng chia sẻ, Việt Nam có nhiều thế mạnh khi ra thị trường thế giới. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT của FPT, sau 19 năm đi ra nước ngoài bằng xuất khẩu phần mềm, Việt Nam đã khẳng định năng lực của mình, có được vị trí trong các bảng xếp hạng. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, Việt Nam lẽ ra đã có thể đi nhanh hơn, mạnh hơn nếu các doanh nghiệp ICT có thêm niềm tin.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.