Những thần đồng Việt Nam bị lãng quên sau tiếng vang

“Thần đồng” Phó Đức Bình An từng được chương trình Những chuyện lạ Việt Nam tôn vinh.
“Thần đồng” Phó Đức Bình An từng được chương trình Những chuyện lạ Việt Nam tôn vinh.
Họ từng được nhiều người ngưỡng mộ, báo chí tôn vinh bởi có những khả năng đặc biệt, trí tuệ hơn người. Sau nhiều năm, một số thần đồng tạo dựng được sự nghiệp và tiếng vang, còn một số đã bị lãng quên.

Cách đây gần 30 năm, Trần Nam Sơn (sinh năm 1983 ở Quảng Ninh) được phát hiện là cậu bé thần đồng có những khả năng đặc biệt: Biết đọc khi chưa biết nói.

Khi Sơn mới 27 tháng tuổi, chưa biết nói bỗng dưng nhìn màn hình karaoke đọc nhoay nhoáy. Sơn gặp cái gì có chữ là đọc. Ngày đó Sơn là tâm điểm của báo chí, của những người hiếu kỳ và các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, sau này lớn lên, không những không thể phát huy được những khả năng thiên bẩm của mình mà Sơn ngày càng tỏ ra có gì đó không bình thường.

Sơn trở nên nhút nhát, rất ít khi đi chơi, không thích đến những nơi đông người. Ngày còn nhỏ gần như cậu không có bạn, đến lúc lớn cũng chỉ chơi với một vài người. Ngoài ra, Sơn rất kén ăn, đến năm lớp 9 mà mẹ vẫn còn phải chăm như chăm một cậu bé lớp 1.

Câu chuyện về Trần Nam Sơn sau này được báo chí nhắc đến như một kết thúc buồn cho một thần đồng từng rất được kỳ vọng.

Trong số các “thần đồng” được phát hiện, “thần đồng” Phó Đức Bình An (sinh năm 1999, Hà Nội) từng được rất nhiều người biết đến. An có khả năng tính nhẩm siêu phàm trong phạm vi 100 khi mới 3 tuổi, có khả năng giải toán cực giỏi. 

Năm lên bốn, An phát lộ nhiều khả năng đặc biệt: Đọc vanh vách những dòng chữ trên màn hình tivi. Với biệt tài ấy, Phó Đức Bình An được gọi là “thần đồng toán học”, được đài truyền hình mời “trình diễn” trong chương trình tôn vinh những kỷ lục VN.

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng danh hiệu "thần đồng" đã làm em khổ từ đó đến những năm sau này. An ngày càng trở nên nhút nhát, không dám nói, nhiều khi bị bạn bè bắt nạt, thậm chí bị đánh cũng không phản ứng. Đến thăm An tại khu tập thể Quân khu thủ đô (Hà Nội) khi em 11 tuổi (năm 2010), bố mẹ em nói với phóng viên: “Con tôi không phải là thần đồng!”.

Một trường hợp thần đồng khác sớm bị thui chột tài năng đó là Lưu Văn Quân (3/9/2006) tại Đông Sơn, TP.Thanh Hóa. Lên 3 tuổi bé đã đọc vanh vách, không cần đánh vần, thậm chí cậu bé còn đọc được cả một số từ tiếng Anh… Tuy nhiên, lên 6 tuổi, Quân bắt đầu làm cha mẹ lo lắng vì những biểu hiện bất thường như chỉ quan tâm duy nhất đến đọc tờ quảng cáo, khuyến mãi.

Những thần đồng Việt Nam bị lãng quên sau tiếng vang ảnh 1

Thái Sung từng được coi là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam.

Khác với các thần đồng trên, ở lĩnh vực bóng đá, Thái Sung từng được báo chí và nhiều người gọi là “Messi Việt Nam” hay “thần đồng bóng đá”. Năm 2010, Sung là cầu thủ từng vượt qua 27.000 thí sinh trong nước và 40 thí sinh quốc tế để được suất học bóng đá tại Học viện Aspire Qatar trong ba năm.

Tại đây Thái Sung cùng các đồng đội từng lọt vào chung kết giải trẻ châu Âu mở rộng và thua đội trẻ CLB Sporting Lisbon. Thái Sung cũng được các nhà tuyển trạch Sporting Lisbon mời về thi đấu cho đội trẻ của họ nhưng Sung không thể đi vì vướng hợp đồng với đội bóng chủ quản Đà Nẵng ký khi 16 tuổi.

Sau khi về nước năm 2012, Thái Sung lại chuyên ngồi trên ghế dự bị và đứng trước nguy cơ thui chột tài năng. Có lúc, Thái Sung từng gây sốt một thời phải đá cho đội hạng nhì Kon Tum 2014 sau khi không thể khẳng định vị trí ở đội bóng quê hương. Tới giải U21 quốc tế mới kết thúc, Sung chủ yếu “chạy vặt” cho đội bóng với công việc tiếp nước, ướp lạnh nước cho các đồng đội.

Hiện giờ, Thái Sung vẫn mơ về tương lai tươi sáng, nhưng em có thể cũng phải trang bị tâm lý và nhìn thẳng vào sự thật rằng mình đã thui chột tài năng.

Với những khả năng đặc biệt, thành tích “khủng”, những cậu bé trên thực sự khiến nhiều người trưởng thành phải “ngả mũ” thán phục, kỳ vọng sẽ đóng góp thật nhiều cho xã hội.

Thế nhưng thực tế cho thấy thành công quá sớm đôi khi buộc các thần đồng phải đối diện với nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực và nếu không được nuôi dưỡng thì sẽ thui chột đi và cũng sẽ lại... bình thường.

Do vậy, những trẻ có biệt tài cần được thụ hưởng các chương trình giáo dục đặc biệt ngay từ nhỏ để duy trì khả năng, về sau có điều kiện phát huy năng lực và cống hiến cho xã hội.

Theo Khánh Vy

Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG