Phải có môi trường tốt cho sự sáng tạo

TP - Sáng tạo, say mê nghiên cứu là phẩm chất quý báu của thanh niên. Làm thế nào phát huy những phẩm chất đó? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về vấn đề này.

PV: Nhiệt tình, năng động, sáng tạo, ham học hỏi là tố chất của thanh niên, trong đó có các nhà khoa học trẻ. Với tư cách là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, anh đánh giá như thế nào về tiềm năng của đội ngũ trí thức này.

PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh: Tôi cho rằng người Việt Nam chúng ta có tố chất thông minh nên tiềm năng tri thức là rất lớn. Đối với đoàn thanh niên, chúng tôi thường nói: “Tuổi trẻ là sáng tạo. Ở đâu có tuổi trẻ, ở đó có sự sáng tạo”. Sáng tạo là một phẩm chất quan trọng của tuổi trẻ. Thanh niên với những ước mơ, hoài bão, sáng tạo sẽ là động lực để họ tìm tòi, nghiên cứu. Điều đó có thể thấy rõ khi tuổi đời của các giáo sư, phó giáo sư ngày càng trẻ; tuổi đời của các nhà khoa học thành danh ở trong nước và nước ngoài cũng ngày càng trẻ. Vấn đề là chúng ta làm cách nào để phát triển những phẩm chất tốt đẹp ấy cũng như khuyến khích tinh thần sáng tạo ấy. Việc này đòi hỏi phải có cơ chế, phải có môi trường tốt cho sự sáng tạo.

Phải có môi trường tốt cho sự sáng tạo ảnh 1

Kỹ sư trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch Đại học Quốc gia TPHCM chế tạo chip sinh học tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy.

Vậy theo anh, làm thế nào để giới trẻ có niềm đam mê khoa học, quan tâm hơn đến khoa học?

- Đam mê phải gắn với động lực. Bản thân nhà khoa học luôn có niềm đam mê và đối với họ, khám phá vừa là niềm vui vừa là thách thức và họ luôn cố gắng vượt qua thử thách đó. Đối với các nhà khoa học, chúng ta phải tạo điều kiện để họ nuôi dưỡng niềm đam mê đó. Bây giờ thu nhập của nhà khoa học không đủ nuôi gia đình thì họ cũng khó dành tất cả công sức, trí tuệ cho khoa học. Nhiều phòng thí nghiệm cũng không được trang bị đầy đủ để nghiên cứu nên họ cũng đành “lực bất tòng tâm”. Tôi nghĩ, đầu tiên là phải có đầy đủ điều kiện cho nhà khoa học làm việc và thực hiện niềm đam mê của mình. Bên cạnh đó, phải gắn kết quả công việc với lợi ích của họ bởi suy cho cùng, những lợi ích đó cũng chính đáng cả. Làm khoa học cũng chính là làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội.

Riêng đối với các bạn trẻ, tôi cho rằng phẩm chất sáng tạo luôn có trong thanh niên, nhưng nếu để đội ngũ này lớn mạnh hơn thì phải có nhà khoa học chuyên nghiệp – những người sẽ dẫn dắt các bạn trẻ đi lên trên con đường khoa học.

Đam mê phải gắn với động lực. Bản thân nhà khoa học luôn có niềm đam mê và đối với họ, khám phá vừa là niềm vui vừa là thách thức và họ luôn cố gắng vượt qua thử thách đó. Đối với các nhà khoa học, chúng ta phải tạo điều kiện để họ nuôi dưỡng niềm đam mê đó.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh

Để có nhà khoa học chuyên nghiệp thì môi trường làm việc cũng phải chuyên nghiệp, điều kiện cơ sở vật chất phải đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, mức thu nhập phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, giúp nhà khoa học chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học và sống bằng kết quả nghiên cứu của mình. Bộ KHCN cũng cần tiếp tục phát huy những chính sách và chương trình hỗ trợ nhà khoa học trẻ. Chẳng hạn như Quỹ Nafosted, tôi thấy đây là một ví dụ rõ nét về hiệu quả hỗ trợ các bạn trẻ nghiên cứu.

Tuy năng động, sáng tạo là bản chất của thanh niên nhưng cũng có bạn trẻ tâm sự rằng, không phải lúc nào nghiên cứu cũng đạt kết quả như dự kiến ban đầu. Anh có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ không gặp may mắn trong những lần nghiên cứu đầu tiên?

- Lúc nào nghiên cứu cũng thành công ngay là rất khó, nhưng những lần không thành công sẽ là kinh nghiệm lớn cho các lần sau. Tôi nghĩ các bạn trẻ bây giờ có đủ trình độ để tiếp cận những tiên tiến của khoa học thế giới và các bạn cũng phải biết “đứng trên vai những người khổng lồ” là thế hệ các chuyên gia đi trước, phải học hỏi các chuyên gia đầu ngành, những người đã tạo ra nền tảng cho KHCN trong nước phát triển. Bây giờ các bạn có nhiều thuận lợi hơn thế hệ trước, những người phải làm việc và nghiên cứu khoa học trong điều kiện cơ sở vật chất quá thiếu thốn, quá lạc hậu. Ngoài ra, tôi thấy có nhiều lĩnh vực mới rất hợp với tư duy của các bạn trẻ như công nghệ thông tin, và thực tế đã cho thấy, nhiều bạn đã có sản phẩm rất hữu ích.

Phải có môi trường tốt cho sự sáng tạo ảnh 2 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh.

Số lượng nhà khoa học trẻ Việt Nam đi du học ở nước ngoài khá đông và ở lại nước sở tại cũng không ít. Có người muốn về nước nhưng lo ngại sẽ không tìm được vị trí, việc làm thích hợp. Có người không muốn về vì cho rằng“nước sở tại có điều kiện phát huy hơn”. Theo anh, cần có biện pháp gì để thu hút những bạn trẻ ấy, dù ở nước ngoài hay về nước, đều có thể đóng góp cho quê hương?

- Tôi nghĩ Bộ KHCN cần tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch sử dụng nguồn nhân lực khoa học, trong đó có lực lượng nhà khoa học trẻ tài năng. Tôi cho rằng “Ai có điều kiện làm việc ở đâu mà phát triển được thì đều tốt cả”. Người dân Việt Nam rất yêu nước nên tôi nghĩ, các bạn trẻ thấy làm việc ở nước ngoài tốt thì các bạn cứ làm, và đã yêu nước rồi thì bất kỳ ở đâu các bạn cũng có thể đóng góp cho nước nhà. Để các bạn đóng góp nhiều cho đất nước thì nên có chính sách khuyến khích lực lượng tri thức này, chú trọng những lĩnh vực mới, nhất là lĩnh vực Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư hay lĩnh vực có hướng phát triển trong tương lai mà Việt Nam chưa có điều kiện phát triển. Việc các bạn ở lại nước ngoài, làm việc trong các trung tâm nghiên cứu lớn sẽ có cơ hội trở thành chuyên gia giỏi, sau này trở về đóng góp cho đất nước.

Ngoài ra, tôi nghĩ trong nước cũng rất cần các chuyên gia trẻ tài năng nên cũng phải có chính sách thu hút đối tượng này, tránh để tình trạng của một bạn trẻ, khi trở thành Phó Giáo sư ở Pháp đã trở về với hy vọng tìm được một việc làm thích hợp, nhưng sau đó phải quay lại Pháp vì thấy không phù hợp và một vài năm sau đã trở thành Giáo sư. Những bạn trẻ có tài thực sự như vậy phải được sắp xếp vào vị trí tương xứng, được làm việc trong một môi trường khoa học tương xứng. Có như vậy, các bạn mới cống hiến tốt cho khoa học.

Là cơ quan “đầu tàu” trong các hoạt động của thanh niên, anh có thể cho biết vai trò của Trung ương Đoàn thanh niên đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của thanh niên?

- Hàng năm, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ KHCN, các trường đại học tổ chức giải thưởng Quả cầu Vàng. Đây là hình thức khuyến khích, động viên các bạn trẻ say mê nghiên cứu khoa học và vinh danh những bạn đã có thành tích đặc biệt trong nghiên cứu. Khi được vinh danh, các bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục niềm đam mê khoa học của mình. Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức các đợt tuyên truyền, tìm những “đốm sáng” trong thanh niên để kịp thời ghi nhận và nhân rộng mô hình. Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ nhà khoa học trẻ tiêu biểu mà Bộ KHCN dự kiến tổ chức sắp tới cũng là một hình thức vinh danh các bạn trẻ tài năng. Tôi thực sự rất vui mừng vì sáng kiến này của Bộ KHCN và hy vọng, sự kiện sẽ góp phần hun đúc tinh thần học tập, lao động và nghiên cứu của đội ngũ thanh niên, sinh viên trên cả nước.

Cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG