Phượt cùng người lạ: Tiềm ẩn tai nạn, bị sàm sỡ, xâm hại

Trần Sơn trong một chuyến phượt lên Hà Giang. Ảnh: NVCC
Trần Sơn trong một chuyến phượt lên Hà Giang. Ảnh: NVCC
TPO - Thời đại công nghệ, chỉ cần lướt trên các diễn đàn mạng xã hội là có thể dễ dàng kiếm bạn đồng hành đi phượt. Sau mỗi cung đường đồng hành, có thể là những tấm ảnh check in; những kỉ niệm vui khó quên và đôi khi là cả những tiếc nuối và bài học nhớ đời.  

Bèo nước gặp nhau

Ngủ qua đêm ở nhà sàn, thưởng thức đặc sản, xe trượt bánh ở góc cua, lạc đoàn, trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống vùng cao một cách hời hợt,… là những chuyện gắn với hành trình đến Mộc Châu của Trần Sơn (Bắc Ninh). Sơn cho biết, chuyến phượt đầu tiên của anh khá ngẫu nhiên. “Lần đó có một anh người quen rủ mình đi Mộc Châu cùng đoàn được thành lập trên facebook. Mình cũng chỉ quen anh ấy trên mạng. Những thành viên còn lại trong đoàn đều là người lạ”, Sơn nói.

Theo Sơn việc tìm nhóm phượt trên facebook là chuyện… hên xui. Nếu gặp được một nhóm tốt thì chuyến đi sẽ rất đáng nhớ, còn không thì cũng như bèo nước gặp nhau, tan cuộc thì ai đi đường nấy. “Lần đầu tiên mình đi phượt nên lái yếu, xe cũng đi mượn nên tụt lại phía sau. Bọn mình cũng bị một phen hú hồn. Trong một góc cua tại Hòa Bình, dẫn đoàn ôm cua tốc độ cao, dính đá dăm nên xe trượt bánh nhưng may mắn không xảy ra thương tích nặng và chuyến đi vẫn được tiếp tục như lịch trình”, Sơn kể.

Theo Sơn, lần đó anh không tìm được niềm vui khi đi phượt vì mọi người chỉ ham check in, đến đâu cũng hò nhau chụp ảnh rồi lại đi vèo vèo cho gọi là… đã đến. “Mình không thể lang thang khám phá thiên nhiên và nét đẹp văn hóa người dân vùng cao. Tiếc là không có “cạ” trong chuyến đi để thực hiện mục tiêu và thỏa mãn những sở thích đó”, Sơn nói.

Sơn cũng kể, sau chuyến đi, anh cảm thấy khá “oải” vì vốn dĩ đến nửa cung đường đã không còn thấy hào hứng. Dẫn đoàn cùng một số người khác sau khi kết thúc cung đường thì tự động hủy bỏ kết bạn với nhau và từ đó đến giờ chưa từng liên lạc lại nữa. Anh Sơn cũng chuyển sang đi phượt một mình, dù thừa nhận có tiềm ẩn nguy hiểm. “Phượt độc hành rất khoái vì tự do tự tại, đói thì ăn, mệt thì nghỉ, đẹp thì dừng, không ảnh hưởng đến ai. Đến giờ mình đã đi khá nhiều nhưng không kiếm đại một đoàn chỉ để nhìn trông có vẻ khí thế nữa”, Sơn khẳng định.

Bị sàm sỡ

Nói về chuyện bị gạ tình, sàm sỡ khi đi phượt, chị L.T.T (SN 1992, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng đó là bài học cho hành trang tuổi trẻ. Lần đó chị T. có kế hoạch đi Campuchia. Trước khi đi chị có đăng bài lên một nhóm phượt và nhận được lời đề nghị từ một người trong nhóm. Người này tỏ ý muốn đi chung vì cùng kế hoạch và tự giới thiệu hiểu biết rất rõ về địa điểm, lịch trình, đường xá. Hai người trao đổi qua facebook để thống nhất lịch trình nhưng chị T. quyết định không đi cùng vì chị muốn ở phòng riêng trong khi anh này đòi ở chung phòng 2 giường để tiết kiệm chi phí và tiện giao lưu.

Chuyện không dừng lại ở đó. Chị T. kể sau khi quyết định đi riêng, trên đường đi chị bị lạc đường và lại gặp người đàn ông kia ở cột mốc Thái - Campuchia - Lào. Vì lạc đường, lại ở xứ người khó khăn nên chị cùng với người này đi chung rồi về Siem Reap.

“Đến nơi thì mình được một anh người quen cho ở nhờ. Nhà có một phòng và 2 đệm thôi nên mỗi người dùng một cái đệm. Ai dè gần sáng anh đó qua nằm kế mình rồi giở trò sàm sỡ. Mình bực bội và phản ứng lại rất gay gắt. Anh này còn nói thêm “mới đụng tí mà đã la lên rồi, trời ơi con gái gì mà kì quá”. Hai bên nói một hồi thì anh này bảo đi nhà thờ. Mình yêu cầu chấm dứt việc đi chung và cũng cắt đuôi luôn ở đây”, chị T. kể, đồng thời cho rằng, không hẳn việc gặp gỡ ở cột mốc là ngẫu nhiên, và rút kinh nghiệm không bao giờ đăng kế hoạch đi phượt lên trên mạng nữa.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng, phượt chính thống vốn hướng đến việc khám quá và tôn trọng con người, thiên nhiên, văn hóa. Ở nhiều nước phương Tây, sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên thường dành hẳn một năm để đi du lịch phượt - còn gọi là “GAP year” nhằm trải nghiệm và học hỏi từ cuộc sống, khám phá và chinh phục những vùng đất mới. Những người đi phượt là những người năng động, ưa mạo hiểm và có sức khỏe tốt, do vậy phượt phù hợp với giới trẻ. Ở Việt Nam hiện nay, phượt trở thành trào lưu của giới trẻ với tiêu chí “đi đơn giản là đi”...

“Những hiện tượng tiêu cực như tình trạng xả thải làm mất vệ sinh môi trường ở điểm đến, tụ tập gây mất trật tự an toàn, hiện tượng lợi dụng đi phượt để vi phạm pháp luật... đã làm hình thành một số định kiến về hình thức du lịch này”, ông Long nói.

MỚI - NÓNG