Rau vườn nhà ở Trường Sa

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Phan Thanh Sang đang bón rêu rừng để giữ nước cho vườn rau chiến sỹ đảo Đá Lớn B. Ảnh: Quang Lộc.
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Phan Thanh Sang đang bón rêu rừng để giữ nước cho vườn rau chiến sỹ đảo Đá Lớn B. Ảnh: Quang Lộc.
TP - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015 Phan Thanh Sang mang mô hình trồng rau sạch tiết kiệm 50-70% lượng nước ngọt ra áp dụng tại quần đảo Trường Sa.

Mang hơi ấm đất liền ra đảo

Anh Thanh Sang cho biết, trước khi tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017” anh đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ về điều kiện tự nhiên ở quần đảo Trường Sa. “Tìm hiểu các vườn rau trên đảo qua mạng internet mình thấy điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, kỹ thuật trồng rau nhiều hạn chế, đặc biệt trong môi trường nước ngọt khan hiếm nên lượng rau sản xuất không đáp ứng nhu cầu trong các bữa ăn của chiến sỹ. Mình trăn trở và muốn tìm ra giải pháp giúp quân, dân đảo có phương pháp trồng rau mới, phù hợp hơn”, anh Sang nói.

Từ kinh nghiệm trồng các giống lan quý, Thanh Sang sáng tạo vận dụng vào trồng rau. Anh sử dụng rêu rừng có khả năng giữ nước rất tốt, ngâm rêu trong nước rồi trộn cùng đất giúp tăng độ ẩm. Khi trời mưa, rêu rừng trộn lẫn trong đất sẽ hấp thụ và giữ nước cho đất hiệu quả. Ngoài ra, anh còn sử dụng mảng phủ đen và lưới xám che mát, cung cấp lượng ánh sáng vừa đủ để có thể giúp rau tránh nắng, hạn chế thoát hơi nước. Việc áp dụng mô hình này giúp tiết kiệm lượng nước ngọt để tưới rau lên tới 50-70%.

Thanh Sang hiện đang nghiên cứu để sáng tạo cách làm nhà kính trồng rau kiểu mới, tiết kiệm cho các điểm đảo. Mô hình nhà kính thiết kế có bể chứa nước mưa bằng bê tông thu từ rãnh đường đi đổ về trữ cho mùa khô, sau đó phủ một lớp đất khoảng 60cm để trồng rau. Bên trên làm nhà kính che phủ 3 lớp: Lớp 1 che bằng lưới dệt kim loại xám trắng bên ngoài giúp làm mát nhưng vẫn đủ ánh sáng. Lớp 2 là nilon chống tia cực tím, chống bám bụi và dùng nilon loại giảm nhiệt nhập từ Israel. Mái này cố định và làm theo hình mái vòm hở để không khí lưu thông nhưng nước mưa không vào được. Lớp 3 là lớp lưới che mát di động dùng vào mùa nắng gắt từ 10h sáng đến 14h chiều kéo bằng tay dễ dàng. “Quan trọng nhất ở mẫu nhà kính này là dùng tay quay đóng mở nilon chủ động giúp thích ứng với điều kiện 2 mùa: Mùa mưa sẽ quay nilon xuống, mùa nắng sẽ quay nilon lên cho thông thoáng. Trong nhà kính lắp quạt nhỏ có thiết bị hẹn giờ để lưu thông không khí. Không khí lưu thông tốt sẽ hạn chế nhện đỏ, rệp gây hại trên vườn rau của đảo”, anh Sang chia sẻ.

Không chỉ giúp tiết kiệm nước tưới rau, anh Sang còn mang những tấm bẫy dính côn trùng, hạt giống hoa Đà Lạt, dừa cạn ra Trường Sa. Anh dự định sẽ trồng những vườn địa lan để tô thắm các điểm đảo.

Sáng kiến thiết thực, ý nghĩa

Trung úy Phạm Hồng Kỳ phụ trách hậu cần ở đảo Đá Lớn A cho biết: Rau xanh và nước ngọt là hai thứ quý nhất ở Trường Sa. Trên đảo, nguồn nước ngọt chủ yếu đến từ nước mưa. Trung bình tại đảo này mỗi chiến sĩ chỉ được cấp 20 lít nước ngọt một ngày cho sinh hoạt. Vậy nên chiến sỹ rất tiết kiệm, nước dùng cho vo gạo, rửa rau, rồi cuối cùng mới dùng để tưới cho rau. Thời điểm hạn hán còn phải tưới rau bằng nước lợ. “Việc anh Sang mang mô hình trồng rau mới ra áp dụng ở đảo anh em chiến sỹ phấn khởi hi vọng sẽ có những vườn rau sạch, an toàn như trong đất liền. Chúng tôi đã trao đổi số điện thoại để tiện liên lạc trong quá trình áp dụng, chăm sóc vườn rau”, anh Kỳ nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Bùi Đình Dương, trồng rau trên đảo có sự khác biệt lớn với đất liền. Vào mùa mưa rau xanh tươi tốt nhưng vào mùa khô hạn, nắng nóng, đất bốc hơi nhanh không giữ được nước nên việc trồng rau gặp nhiều khó khăn. “Ý tưởng xây dựng hệ thống lọc nước ngọt từ nước biển để sinh hoạt và tưới rau khó khả thi vì chi phí cao, thậm chí còn cao hơn cả việc vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra các xã đảo. Do vậy phương châm chính ở Trường Sa vẫn là tận dụng nước mưa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Việc anh Sang đưa mô hình trồng rau xanh an toàn, tiết kiệm nước, đến với 9 điểm đảo trong hành trình này vô cùng ý nghĩa. Ý tưởng của anh Sang về đúc bể bê tông dưới nhà kính trồng rau để thu gom nước thải sạch ở các đảo để phục vụ cho tưới tiêu cây trồng rất thiết thực”, ông Dương nói.

Là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Thanh Sang cho biết anh luôn học tập Bác ở tinh thần yêu nước, sống Cần - Kiệm - Liêm - Chính để mang lại hiệu quả cao trong công việc kinh doanh. “Mình luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ” và lời căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Là người con ở cao nguyên, nhưng mình luôn hướng về biển đảo, về chủ quyền Tổ quốc luôn khát khao đem sức trẻ của mình đóng góp cho việc phát triển kinh tế biển đảo. Qua mô hình trồng rau ở đảo, những người trẻ như mình mong muốn góp phần củng cố niềm tin, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ chiến sỹ, đồng bào đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Sang nói.

Với những sáng kiến, đóng góp của mình, Phan Thanh Sang vinh dự là gương mặt trẻ duy nhất được T.Ư Đoàn đề xuất Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng trao tặng Bằng khen vì thành tích trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017.

Gương mặt trẻ Việt Nam 2015 Phan Thanh Sang đã xây dựng thành công trại trồng hoa lan YSA orchid rộng hơn 4 ha, gồm: vườn lan, phòng thí nghiệm, vườn du lịch… Đồng thời, lai tạo thành công hàng chục giống lan quý như: lan hài hồng, hài trắng, trúc lan, lan Catleya và một số giống phong lan rừng Việt Nam…Với quỹ đất gần 7.000 m2 tại Đà Lạt cùng 10 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân Đạ Ròn, Sang đã vận động người dân xây dựng khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9, TP Đà Lạt) thành làng du lịch nông nghiệp Hồ Xuân Hương. Mô hình này được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm về du lịch nông nghiệp của tỉnh, có cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhân rộng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.