'Săn' nơi thực tập lương cao

'Săn' nơi thực tập lương cao
TP - Sinh viên (SV) hiện nay có xu hướng xem thực tập không chỉ là dịp để trải nghiệm mà còn là cơ hội kiếm tiền với nhiều 'chiêu' tìm nơi thực tập lương cao.

> Dấn thân trước khi xin việc

Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng thực tập sinh. Ảnh: H.Y
Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng thực tập sinh. Ảnh: H.Y.

Trong khi nhiều SV sẵn sàng nhận những công việc không lương, vất vả thì Anh Tuấn (Đại học Bách khoa Hà Nội) tìm Cty thực tập bằng cách dành một tuần để gửi CV (hồ sơ) ứng tuyển vào vị trí dành cho người đã tốt nghiệp đại học. Sau khi phỏng vấn ở nhiều Cty, Tuấn nhận được công việc đúng chuyên ngành cộng thêm mức lương 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, mọi giấy tờ thực tập của Tuấn đều được Cty xác nhận.

Hỏi về kinh nghiệm xin thực tập có lương, Tuấn cho biết: “Việc đầu tiên, mình chăm chút CV sao cho rõ ràng và thu hút. Sau đó, trong vòng phỏng vấn, nếu người tuyển dụng không đề cập thì mình chủ động yêu cầu mức lương phù hợp với năng lực. Việc đề nghị mức lương là bao nhiêu cũng tuỳ vào hoàn cảnh cuộc phỏng vấn”.

Vượt qua hơn 1.000 ứng viên, sau 4 vòng thi, Anh Dũng (SV Học viện Ngân hàng) trở thành trợ lý kiểm toán tập sự cho Cty PricewaterhouseCoopers Việt Nam với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Giống Anh Tuấn, chủ động và tự lập trong việc tìm nơi thực tập, Dũng tự tin gửi CV ứng tuyển.

Theo Dũng, hầu hết Cty đa quốc gia đều trả lương cho thực tập. Vấn đề là SV phải rèn luyện vốn kiến thức về ngoại ngữ, nghiệp vụ và đặc biệt là tự tin trải qua nhiều vòng thi với sự cạnh tranh khắc nghiệt.

Ngoài việc chủ động gửi CV cho các Cty đang có nhu cầu tuyển nhân sự, nhiều bạn SV còn sử dụng các website việc làm như: kiemviec.com, vietnamworks, timviecnhanh, vieclam.tienphong.vn… để tìm nơi thực tập.

Nhờ thường xuyên làm mới thông tin cá nhân, trau dồi kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm trong hồ sơ trên mạng, Lan Phương (SV Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) không những có được công việc đúng chuyên ngành mà còn nhận được tiền lương để chi trả một phần sinh hoạt hàng ngày.

Tiết kiệm để kinh doanh

Tiết kiệm khoản tiền lương thực tập, nhiều SV rủ nhau góp vốn bán hoa ngày lễ, mở shop online, làm thiệp… Phạm Trường (ĐH Giao thông Vận tải) cho biết:“Sau khoảng 3 tháng dành dụm được gần 10 triệu đồng, cùng với 2 bạn nữa, mình mua hoa về bán tại 3 địa điểm ở Hà Nội. Có thêm ít vốn nữa, chúng mình dự định vay mượn thêm để mở quán cà phê”.

Số tiền mà Hồng Nhung (SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tiết kiệm được trong thời gian thực tập không nhiều, nhưng bạn đã tìm cơ hội kinh doanh bằng cách làm và bán những tấm thiệp ngộ nghĩnh vào các dịp lễ.

Nhiều SV cho rằng thời gian thực tập lương thưởng không quan trọng. Tuy nhiên, Quang Nhật (cựu SV Đại học Ngoại thương) chia sẻ: “Với vốn kiến thức và kỹ năng được rèn luyện sau gần 4 năm học, các bạn nên tự tin tham gia ứng tuyển vào vị trí mà Cty đang có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài kiếm tiền còn giúp các bạn nhận ra những gì phải rèn luyện thêm trước khi bước vào cuộc chạy đua tìm việc”.

Lê Xuân Hạnh Ly (Phó ban Việc làm thông tin - CLB Nguồn Nhân lực - Đại học Ngoại thương) cho biết: SV chủ động tìm việc làm phù hợp với khả năng từ năm thứ ba. Hiện nay thông qua website của CLB, nhiều Cty đăng thông báo tuyển dụng SV thực tập có trả lương và các bạn SV rất hào hứng gửi CV tham gia ứng tuyển.

Chị Mai Thương (Phòng tuyển dụng VNG) cho biết: “Tập đoàn có những chương trình dành riêng cho SV thực tập kéo dài khoảng 3 tháng, các bạn vượt qua 2 vòng thi tuyển sẽ được mời tham gia vào các dự án. Cty có trả lương, phụ cấp và hỗ trợ chi phí tham gia các hoạt động dã ngoại”.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG