Sinh viên giúp việc nhà cho người ngoại quốc

Sinh viên giúp việc nhà cho người ngoại quốc
Không ít cử nhân tương lai nhận làm giúp việc cho người nước ngoài, để vừa có cơ hội luyện ngoại ngữ “miễn phí”, không lo... cháy túi, và lại có thể hiểu biết thêm về văn hóa, lối sống của người ngoại quốc.
Sinh viên giúp việc nhà cho người ngoại quốc ảnh 1
Một số SV đi học làm việc nhà trước khi nhận giúp việc tại các gia đình người nước ngoài. Ảnh: C.T.V

"Cái Phương nó ngoan và chăm học thế mà dạo này nó cặp bồ, thản nhiên dạo phố và đi chợ với một lão... Tây già!”, - từ ngày đi làm thêm, Trần Ngọc Phương, sinh viên (SV) năm 3 chuyên ngành luật thương mại Trường ĐH Luật TPHCM, nhiều lần nghe bạn bè bàn tán.

Để chuẩn bị hành trang cho tương lai, Phương miệt mài trau dồi ngoại ngữ và giúp việc cho người nước ngoài là một trong những kế hoạch thời SV của cô.

Phương kể:

“Một lần trò chuyện với thầy giáo gốc Thụy Sĩ, thầy nhận xét rằng vốn từ vựng của em tạm ổn nhưng phát âm còn yếu, em thú thật với thầy là do ít có điều kiện trò chuyện với người nước ngoài. Sau lần đó, thầy giáo đã giới thiệu em vào giúp việc nhà cho một người bạn của thầy vừa mới sang công tác tại VN, em “OK” luôn!”.

Ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên, Phương được ký hợp đồng... giúp việc nhà hẳn hoi, lương tính theo giờ. Ngoài lau dọn nhà (có sự hỗ trợ của máy hút bụi), rửa chén bát và ủi quần áo, thỉnh thoảng Phương còn có nhiệm vụ cùng ông chủ dạo phố để tìm hiểu về VN.

Lịch làm việc của Phương một tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ, tiền công 900.000 đồng/tháng và có thêm lương tháng 13. Phương cho biết: “Thật thú vị khi mình có được khoảng thời gian thử sống trong gia đình của người nước ngoài”.

Ba tháng nay, Nguyễn Thanh Huyền, khóa 32 Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa đi học vừa giúp việc nhà cho một gia đình người Bỉ. Huyền cho biết, công việc của cô khá đơn giản: đi siêu thị mua thực phẩm về làm sạch, bỏ tủ lạnh, phụ bà chủ nấu nướng, dọn dẹp.

Nhanh nhẹn, tháo vát và bắt nhịp công việc rất tốt nên Huyền chiếm được cảm tình của cả gia đình, đặc biệt khi họ biết Huyền làm công việc này để tự trang trải cuộc sống.

“Thỉnh thoảng bà chủ nhà tặng tôi những cuốn sách hay và trò chuyện cùng tôi. Tôi buộc phải đọc và tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác, chứ mình là SV mà hỏi đến thứ gì cũng ... ú ớ thì quê lắm!”- Huyền bộc bạch.

Hầu hết những người nước ngoài thuê SV giúp việc là những người sinh sống và làm việc lâu dài tại VN. Họ khá dễ chịu và có cái nhìn đầy thiện cảm với những trí thức trẻ không ngại khó khăn.

Ông Richard Hill làm việc ở một quỹ đầu tư nước ngoài, cùng gia đình sống ở VN 3 năm nay chia sẻ:

“Lúc mới đưa vợ con sang, tôi tìm người giúp việc nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên vợ chồng tôi không vừa ý. Sau đó, tôi tìm được một SV Trường ĐH Bách khoa làm giúp việc nhà. Thời gian này, người giúp việc của gia đình tôi tạm nghỉ để làm luận văn tốt nghiệp nên tôi đang tìm người thay thế”.

Có thâm niên trên 1 năm giúp việc nhà cho một gia đình người Úc, Trần Văn Thành, SV năm cuối Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, bật mí: “Những gia đình người nước ngoài thường sử dụng đồ đạc rất hiện đại, tiện nghi, để khỏi lúng túng, trước khi làm việc, tôi phải hỏi thật cặn kẽ cách sử dụng”.

Thành cho biết, nhờ vậy mà ngoại ngữ của Thành đã tiến bộ vượt bậc. Ngoài giờ làm thêm, Thành còn làm một số việc khác cho những người bạn của chủ nhà khi họ mới đến VN.

Tìm nhà cho người nước ngoài thuê là một trong những công việc khá thường xuyên của Thành. Cứ mỗi sáng, Thành dậy thật sớm, tìm thông tin trên báo và ghi chép cẩn thận.

Khi khách có nhu cầu, Thành có thể tìm ra một nơi vừa ý trong thời gian nhanh nhất. “Môi giới” được một khách thuê nhà, hoa hồng Thành nhận được có khi bằng cả tháng lương.

Làm việc chỉ khoảng 6 giờ/tuần, thu nhập khá, học được nhiều điều, lại không ảnh hưởng đến giờ giấc học tập và sinh hoạt như một số công việc làm thêm khác, tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng đủ kiên trì và nhẫn nại khi giúp việc nhà cho người nước ngoài.

Phan Xuân Lan, SV năm thứ nhất Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM kể:

“Nhờ người quen giới thiệu, tôi đến giúp việc cho một gia đình người Pháp. Tháng đầu tiên bà chủ trừ mất 50.000 đồng vì tôi làm vỡ một cái ly, mà lúc ly vỡ, bà chủ không hề phàn nàn lấy một tiếng. Nói chung, họ rất sòng phẳng nhưng cũng cực kỳ nghiêm túc trong công việc, không thích nghi được là mất việc ngay...”.

Theo NLĐ

MỚI - NÓNG