Sinh viên Việt Nam có thực sự thiếu kỹ năng mềm?

Sinh viên Việt Nam có thực sự thiếu kỹ năng mềm?
TPO - Trong sự kiện định hướng nghề nghiệp cho học sinh sinh viên Hà Nội, các khách mời tài năng đã đưa ra nhiều chia sẻ gây tranh cãi với chủ đề “Sinh viên Việt Nam có thiếu ngoại ngữ, kỹ năng mềm không?

Trong sự kiện định hướng nghề nghiệp “Finding Yourself – Tìm lại chính mình” có các khách mời Nguyễn Phi Phi Anh (tác giả 2 vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối và Góc phố danh vọng), nhà báo Trần Lệ Thùy (từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có Giải thưởng báo chí châu Á đang phát triển, từng được học bổng hệ thạc sĩ ĐH Oxford) và Trần Quang Tùng - sáng lập viên kiêm giám đốc sáng tạo một công ty thiết kế, đã có những chia sẻ rất cởi mở với người trẻ Hà Nội.

Đây là sự kiện mở màn trong chuỗi hội thảo định hướng nghề nghiệp cho người trẻ Hà Nội mang tên Career Circle. Từ trải nghiệm thực tế, các diễn giả đã đưa ra một số nhận định gây nhiều tranh cãi nhưng cũng giá trị và bổ ích cho người trẻ hiện nay.

Trong chương trình, các bạn sinh viên đưa ra thắc mắc cần giải đáp về kĩ năng mềm, như kĩ năng giao tiếp và nói chuyện trước đám đông. Trước nhận định: “Có rất nhiều người cho rằng khiếm khuyết của sinh viên Việt Nam bây giờ là thiếu kĩ năng mềm và tiếng Anh”, anh Tùng cho hay: “Đó không phải cái thiếu hụt nhất của sinh viên vì tất cả những thứ đó vốn dĩ là sự lựa chọn, thiếu có thể bổ sung, có thể đi học. Tôi nghĩ đó là do việc quyết định của mỗi người”.

Anh Tùng cho rằng, điều thiếu nhất của sinh viên Việt Nam là sự chủ động, việc tự chịu trách nghiệm đối với bản thân. Có nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc trong công việc gặp điều không thuận lợi, thay vì đặt câu hỏi “tại sao mình lại không kiếm được việc?”, lại thường có xu hướng đổ lỗi do vấn đề về trường lớp hoặc môi trường, hoàn cảnh, về “con ông cháu cha”…

“Yếu tố bản thân chịu trách nghiệm với cuộc đời của mình là quan trọng nhất, thứ đến mới là sự chủ động. Có hai điều này thì tất cả các vấn đề khác như kĩ năng mềm hay tiếng Anh… cũng sẽ được giải quyết”, anh Tùng nói.

Sinh viên Việt Nam có thực sự thiếu kỹ năng mềm? ảnh 1

Đạo diễn trẻ Phi Phi Anh

Đồng tình với nhận định của anh Quang Tùng, đạo diễn trẻ Phi Phi Anh cho rằng, sinh viên Việt Nam không thiếu kỹ năng mềm mà thiếu sự chủ động. Thiếu sự chủ động cũng xuất phát từ việc chưa hiểu rõ về bản thân, xã hội xung quanh dẫn đến không biết bản thân đứng ở đâu.

“Tôi từng gặp một số người khi gặp đối phương, không biết mình gặp để làm gì, nói chuyện không đâu vào đâu, cuối cùng bị gán mác “thiếu kỹ năng mềm”, mặc dù đặt vào hoàn cảnh khác, chắc là nói giỏi lắm”, Phi Anh nói.

Phi Phi Anh cho rằng, lỗi cũng không thuộc hoàn toàn trách nhiệm ở sinh viên, mà còn phụ thuộc ở nhiều thứ khác như gia đình, xã hội. Theo anh, giáo dục cần khuyến khích mỗi người phải tự làm chủ cuộc đời của mình, thì thái độ các bạn trẻ sẽ khác.

Sinh viên Việt Nam có thực sự thiếu kỹ năng mềm? ảnh 2

Nhà báo Trần Lệ Thuỳ chia sẻ tại chương trình

Nhà báo Trần Lệ Thùy cho rằng, nhiều sinh viên thiếu sự kiên nhẫn, nóng vội để thành công. Bên cạnh đó, thiếu nền nền tảng để hiểu về giao tiếp giữa người với người.

“Nhiều khi các bạn bị bối rối, không biết mình có nên ác không có nên ích kỉ không. Đôi khi ở trong xã hội các bạn có thể nhìn thấy người kia ác thế, ích kỉ thế lại thành công, giờ tôi muốn thành công liệu tôi có cần như thế không? Các em sẽ phải đối mặt với câu hỏi như vậy, khi mà xã hội Việt Nam đang phát triển quá nhanh như hiện nay”, nhà bào Lệ Thuỳ nói.

Tại chương trình, các diễn giả còn chia sẻ về tiềm năng của người trẻ hiện nay. Chị Lệ Thùy đã thể hiện sự lạc quan của mình thông qua câu chuyện tuyển nhân sự cho một dự án thuộc công ty lớn ở Việt Nam. Đầu vào rất cao, người tham gia tuyển dụng phải trải qua những bài thi IQ, tiếng Anh và viết lách. “Khi đọc bài thi và làm việc với các bạn, tôi thấy có một khoảng cách vô cùng lớn. Tức là các bạn thế hệ 9x có một nền tảng giáo dục rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Làm việc với các bạn thế hệ 9x chị vô cùng thích và các bạn học rất nhanh”.

Phi Phi Anh cho rằng các bạn Việt Nam có được tâm trạng lạc quan, tích cực đối với môi trường và các điều kiện đãi ngộ làm việc. Các bạn rất dễ vui với những điều bình thường, nhỏ bé, và theo anh, đây là thứ cần được giữ để có thể phát huy hiệu quả công việc.

Sự kiện Finding yourself – Tìm lại chính mình hướng tới tạo không gian tương tác mở, để các bạn trẻ có cơ hội lắng nghe, đồng cảm và tìm kiếm câu chuyện của chính bản thân mình từ những chia sẻ của các khách mời. Đồng thời có cơ hội chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của bản thân và lắng nghe lời khuyên, sự định hướng từ các khách mời giàu kinh nghiệm, có tâm và có tầm trong nhiều lĩnh vực.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.