Tặng sách, báo cho bộ đội Trường Sa

Tặng sách, báo cho bộ đội Trường Sa
TP - Ngày 19/3/2007, báo Tiền phong đã đến thăm  và  tặng bộ đội Trường Sa 1.050  bản sách và các loại chuyên san do báo Tiền phong xuất bản như Tiền phong Cuối tháng,  Tri Thức trẻ,  Người đẹp Việt Nam.
Tặng sách, báo cho bộ đội Trường Sa ảnh 1
Bộ đội Trường Sa tiếp nhận sách báo do báo Tiền phong tặng

Trong đó, tặng bộ đội đảo Nam Yết 400 bản sách và  đặc san các loại. Cùng với  sách, đặc san là nhiều loại báo xuân Đinh Hợi và báo Tiền phong hàng ngày, báo Tiền phong Chủ nhật  đóng tập, bìa cứng theo từng quý.

Đây là một trong những chương trình công tác xã hội của báo Tiền phong, được khởi động từ năm 1999, với sự  phối hợp thực hiện giữa báo Tiền phong và huyện đảo Trường Sa.

Theo đó, báo Tiền phong đã xây dựng hoàn chỉnh một phòng Hồ Chí Minh - Thư viện tặng bộ đội đảo Nam Yết với đầy đủ trang thiết bị cho một thư viện có qui mô hơn  2.000 bản sách.

Để nâng cấp chất lượng các tủ sách thư viện, với mục tiêu ổn định 1.000 đầu sách với hơn 2.000 bản sách, đáp ứng nhu cầu tự học, nâng cao trình độ chính trị, đời sống văn hoá, thưởng thức văn học nghệ thuật của bộ đội trên đảo, hàng năm báo Tiền phong bổ sung khoảng  200-300 bản sách mới, cùng các chuyên san của Tiền phong mới xuất bản.

Đợt bổ sung sách cho thư viện đảo Nam Yết lần này NXB  Đà Nẵng đã hỗ trợ gần 100 đầu sách với 235 bản. Hầu hết là sách mới in trong 3 năm  nay. Sách in đẹp, giấy tốt, nội dung phong phú và hấp dẫn.

Nhiều ấn phẩm  rất có giá trị như bộ Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, dày hơn 1.000 trang; Tìm hiểu con người xứ Quảng, nhà văn Nguyên Ngọc chủ biên, dày 800 trang; Tuyển thơ miền Trung thế kỷ XX , dày hơn 800 trang; Tuyển tập  Hoàng Châu Ký; Tuyển tập truyện-ký-tuỳ bút của Lưu Trùng Dương; Tuyển tập  Tác giả - tác phẩm đoạt giải 1975 – 2005 NXB Đà Nẵng.

Tặng sách, báo cho bộ đội Trường Sa ảnh 2
Tại phòng đọc sách – báo thư viện huyện đảo Trường Sa

Nhiều tập truyện ngắn, hồi ức của người lính rất có giá trị như  Tuyển tập nhật ký chiến trường  của nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong; Tình yêu và người lính, của Hoàng Văn Cung; cuốn danh nhân Hoàng Diệu, Tổng đốc Hà Nội, đồng thời là vị  tướng chỉ huy đánh Pháp, tử thủ thành Hà Nội.

Đặc biệt có cuốn Con đường tử địa RC4-1950,  là hồi ức của cựu Đại uý Pháp Henry De Pirey về cuộc hành quân chiến đấu dọc đường số 4. Hồi ký này do chính tác giả gửi cho Chỉ huy trưởng mặt trận đường số 4 của QĐND Việt Nam ngày ấy là Đại tá Đặng Văn Việt dịch và thẩm định. GS Hoàng Ngọc Hiến viết lời giới thiệu v.v...

Ngoài mảng sách chính trị - xã hội,  sách văn hoá, văn học chuyến hàng ra đảo lần này có các bộ giáo trình học đại học từ  xa, có thể đáp ứng được một phần nhu cầu tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức và học đại học từ xa của bộ đội ở ngoài đảo xa.

Nhà Xuất bản Đà Nẵng là đơn vị hỗ trợ sách nhiều nhất trong các chuyến hàng của báo Tiền phong gửi tặng thư viện đảo Nam Yết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.