Tập tành trên sàn chứng khoán

Tập tành trên sàn chứng khoán
"Hôm nay đi sàn với tụi này chơi!" - tưởng đâu cô bạn tên Quyên lại rủ rê chơi bời, tôi ngao ngán: "Mới sáng sớm, nhảy với nhót gì mà sàn với siết chứ!". "Không, nhảy đâu mà nhảy, sàn giao dịch đàng hoàng...".

Ra là thế, bạn rủ tôi đi sàn chứng khoán, ừ thì đi, thế là tôi khoác vội cái áo nhảy phóc lên xe lao vù tới chỗ hẹn...

Kinh nghiệm chơi chứng khoán của sinh viên

Vừa bước chân vào Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (180-182 Nguyễn Công Trứ, Q.1) tôi bị choáng ngợp bởi hơn 500 con người với đủ độ tuổi đang chen chúc nhau dán mắt lên bảng giao dịch chằn chịt những con số li ti.

Quyên kéo tay tôi: "Trên đường này có gần chục sàn giao dịch, ai muốn ghé đâu thì ghé, nhưng ở đây là đông người nhất, SV tới đây cũng nhiều lắm".

Từ khi chơi chứng khoán, Quyên lui tới nơi này như cơm bữa để "thỉnh giáo" thêm các bậc đàn anh cũng như thu thập thông tin liên quan đến giá cổ phiếu mình đang có.

Đang nguệch ngoạc cái gì đó trong cuốn sổ tay nhỏ, Quyên hất hàm sang phía anh chàng đeo cặp kính cận đang bán tờ tin chứng khoán bảo: "Anh chàng đang bán báo kia cũng là một tay chơi khá lắm đó, tên anh ta là Tấn Phát, ngày nào anh ta cũng tới tất cả các sàn ở Nguyễn Công Trứ để bán tờ tin chứng khoán, mỗi ngày anh ta bán tới gần 200 tờ đó".

Quyên vừa dứt câu, tôi nhảy liền sang phía Phát làm quen. "Mình là người đầu tiên lấy tờ tin để bán lại cho các sàn, chỉ 5 phút mình bán sạch 100 tờ, hiện giờ mình đã tổ chức nhóm SV đi bán để tạo thu nhập thêm cho các bạn. Sẵn tiện đến đây để theo dõi tình hình chứng khoán và tạo thêm mối quan hệ luôn" - Phát tự tin giới thiệu về mình.

Phát đang theo học lớp MBA của trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngoài việc làm ổn định để "kiếm cơm", anh chàng còn chơi chứng khoán để tăng thu nhập.

Nhằm có được kiến thức nền vững chãi đủ để bắt tay vào chơi chứng khoán, Phát phải bỏ ra ngót 3 năm để nghiên cứu rất nhiều tài liệu nước ngoài liên quan đến cổ phiếu, và vận dụng cả những kiến thức trong các loại sách... triết học để tạo nên cái gọi là mô hình "Boom-Burst" (bùng nổ - đổ vỡ) làm "bí kíp" và kim chỉ nam cho cuộc chơi đầy cảm hứng của mình.

Phát cho rằng phải tự lập cho mình một mô hình riêng mới giúp người chơi nhận thức một cách nhạy cảm và tinh tế nhất đối với thị trường đồng thời đưa ra quyết định có tính chính kiến cao chứ không bị chi phối nhiều bởi hiệu ứng đám đông.

"Hiện nay mình là quản lý quỹ của một nhóm nhỏ, cụ thể là mình tư vấn và cung cấp phán đoán của mình cho các nhà đầu tư thân cận, và tư vấn một cách phi lợi nhuận để tạo mối quan hệ" - Phát nói thêm. Trong thời gian tham gia chơi chứng khoán, Phát đã có được con số lợi nhuận thu được trong mỗi tháng là 20% so với tổng vốn đầu tư.

Tập chơi trên sàn ảo

"SV hiện nay chơi chứng khoán rất nhiều, ở nhiều trường ĐH cũng thường mở sàn ảo cho SV tập chơi lắm... Mình cũng chơi ảo khá lâu cho rành một chút mới dám chuyển qua chơi thật đó chứ" - Quyên nói.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, cổ phiếu chính là cuộc chơi không kén người, kể cả những đối tượng "ví mỏng" như đa số SV. Và đối với những tay mê chứng khoán nhưng đang trong tình trạng "vô sản" thì sàn ảo chính là sự lựa chọn số một.

Chỉ cần đăng ký thành viên, người chơi sẽ có ngay 100 triệu đồng làm vốn đầu tư ảo. Nếu chơi giỏi và xếp hàng top thì sẽ có phần thưởng hậu hĩnh từ ban tổ chức.

Phan Thanh Quý, SV năm III, trường ĐH Kinh tế cho biết: "Trường mình rất thường tổ chức sàn ảo cho SV chơi, mình cũng hay theo dõi thông tin giá cả tăng giảm trên mạng. Thỉnh thoảng cũng tham gia các sàn thật để cảm nhận sự khác biệt và học hỏi kinh nghiệm".

Tuy nhiên đối với Phát thì khác, anh chàng này cho rằng chơi ảo không hề có được cảm xúc thăng hoa, bùng nổ như chơi ở sàn thật... Khoảng cách giữa thật và ảo là vô cùng lớn.

"Đứng ở sàn thật, các con số nhảy đến đâu, tim mình nhảy đến đó, còn ngồi lướt phím trên sàn ảo không thể tìm được cảm giác tương tự như vậy. Ngoài ra đồng tiền đầu tư ảo không gây ảnh hưởng đến thị trường, đây là yếu tố khác xa với sàn thật" - Phát khẳng định.

Hiện nay, những bạn trẻ chưa có nhiều vốn và kinh nghiệm vừa chân ướt chân ráo chập chững vào giới săn cổ phiếu đã kết thành nhóm để hùn vốn và chia sẻ kiến thức cho nhau.

Theo Trí Quang
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.