"Thế hệ giá rẻ"

"Thế hệ giá rẻ"
Khắp châu Âu đang rộ lên tên gọi Thế hệ 1.000 euro (thu nhập 1.000 euro/tháng). Tên gọi này nghe có vẻ hay hay. Còn có một cái tên gọi khác là Generation Low Cost (Thế hệ giá rẻ). Tên gọi này nghe cụ thể và đi vào thực chất hơn.
"Thế hệ giá rẻ" ảnh 1

Gõ cụm từ “Generation Low Cost” vào google có gần 20.000 kết quả. Các nhà sản xuất đã lấy thế hệ này làm điểm quy chiếu để xây dựng chiến lược kinh doanh trong tương lai.

Nhận diện

“Đó là những thanh niên độ tuổi 18-35, vừa tốt nghiệp đại học, thậm chí có cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thành thạo ngoại ngữ, đã qua đủ các khoá học nghiệp vụ cần thiết nhưng thu nhập không quá 1.000 euro (19 triệu đồng)/tháng. Trong đó hơn 1/3 khoản tiền còm này đã được dành để trả tiền thuê nhà.

Thế hệ giá rẻ không có tiền để tiết kiệm, chẳng có nhà riêng, chẳng có xe hơi, con cái. Họ sống lay lắt qua ngày...”.

Đây là một trích đoạn lá thư của một thanh niên Tây Ban Nha tên là Carolina Alguacil, 27 tuổi, gửi đến tờ El PAIS để định nghĩa về Thế hệ giá rẻ (nói sang hơn là Thế hệ 1.000 euro).

Carolina Alguacil làm việc cho một công ty quảng cáo tại thành phố Barcelona. Cô thuê nhà ở chung với ba cô gái khác (một 24 tuổi, hai cô 29 tuổi) bởi trong số các cô chẳng ai đủ tiền để thuê một căn hộ riêng. Hàng tháng mỗi cô phải đóng 360 euro và một gia đình nhỏ bốn người được hình thành một cách khá ngộ nghĩnh, một gia đình mà trước đó một năm các thành viên còn chưa ai biết ai.

Carolina Alguacil cho biết tình cảnh của các thành viên trong gia đình mới của cô là rất phổ biến trong giới thanh niên Tây Ban Nha hiện nay: “Một người bạn của tôi đang làm cho một nhà xuất bản ở Madrid thu nhập hàng tháng cũng chỉ có 1000 euro, anh trai tôi là kỹ sư ở Andalousia lương cũng chỉ có vậy. Chị dâu tôi tốt nghiệp ngành môi trường cũng thế”. Mỗi tháng Carolina Alguacil bỏ ra 50 euro để đi tập nhảy Flamenkita. Cô nhảy để giải toả chính mình.

Báo cáo mới đây của Eurydice (mạng thông tin giáo dục châu Âu) cho biết tại Tây Ban Nha chỉ có 40% sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành nghề, tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 25-34 đạt mức 11,5%, mức cao nhất châu Âu (tỉ lệ trung bình vào khoảng 6,5%).

Bấp bênh suốt đời

Báo chí Italia nêu một ví dụ khôi hài thế này: Trước đây người ta thường sử dụng cụm từ “suốt đời” để gắn vào sau các danh từ như Nghị sĩ để chỉ một đặc quyền nào đó, nhưng bây giờ cụm từ này được gắn cùng với từ Bấp bênh để chỉ tình trạng công ăn việc làm của thanh niên Italia: Bấp bênh suốt đời.

Tờ L’espresso còn đưa ra một cách gọi khác về Thế hệ giá rẻ là Thế hệ cỏn con (kiếm rất ít), một thế hệ suốt đời tập sự, làm công việc mùa vụ, chẳng biết một tờ hợp đồng công việc thực sự mặt mũi nó ra làm sao, thu nhập chỉ khoảng 800-900 euro.

Cũng theo số liệu của L’espresso, Italia hiện có 2.060.000 người làm công ăn lương tuổi 15-40 có thu nhập dưới 900 euro/tháng. Một loại hình hợp đồng lao động mới đang được đề xuất, cụ thể chưa biết thế nào nhưng đường hướng chung là “dở ông dở thằng” (nằm giữa hai trạng thái không cố định mà cũng chẳng bấp bênh hẳn).

Đây có lẽ là khả thi nhất bởi vì trong bối cảnh chung của châu Âu hiện tại thì để có được một công việc chắc chắn và lương cao là điều rất khó. Trong cái khó “ló” cái khôn: Cứ ở lì với bố mẹ đỡ mất tiền thuê nhà.

"Thế hệ giá rẻ" ảnh 2

Theo số liệu của ISTAT (Viện thống kê quốc gia Italia) thì số thanh niên trên 30 tuổi vẫn còn ở cùng với bố mẹ hiện đã tăng tới 40%, số thanh niên trên 35 tuổi không muốn rời bố mẹ tăng 17% (3/4 trong số này đã có việc làm, tất nhiên toàn là những việc tạm bợ).

Các nhà xã hội học thì đang cuống cả lên vì với số tiền dưới 1.000 euro/tháng thì chẳng ai dám lấy chồng lấy vợ sinh con đẻ cái. Cấu trúc dân số đang bị mất cân bằng. Châu Âu đúng là lục địa già!

Bao giờ thế hệ trẻ = thế hệ đắt?

Phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Rất nhiều thanh niên châu Âu đã sang các nước châu Á như ấn Độ để được làm đúng khả năng và có đồng ra đồng vào (bởi giá cả sinh hoạt ở đây rẻ). Nhưng đây cũng mới là giải pháp tình thế bởi Ấn Độ và một số nước châu Á khác chẳng thế tiếp nhận tất cả thế hệ 1.000 euro của châu Âu.

Trong khi đó chính sách việc làm của một số quốc gia lại làm tình hình thêm rối. Đơn cử trường hợp của Pháp. Luật Hợp đồng tuyển dụng lần đầu (CPE) vừa được Quốc hội Pháp thông qua đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trong  thanh niên (đặc biệt là SV) trên khắp nước Pháp.

Chính phủ của ông Dominique de Villepin nghĩ rằng điều khoản cho phép các doanh nghiệp được quyền sa thải người lao động dưới 26 tuổi trong thời gian 2 năm tập sự bắt buộc mà không cần đưa ra lý do sẽ khiến doanh nghiệp mạnh tay hơn trong việc tuyển lao động trẻ.

Nhưng Thế hệ 1.000 euro ở Pháp lại nghĩ rằng đạo luật này chẳng khác nào “nối giáo cho giặc” chỉ để Thế hệ giá rẻ đông thêm. Thế là biểu tình.

Vẫn chưa có một phương thuốc hữu hiệu để thay đổi công thức Thế hệ trẻ = Thế hệ rẻ.

Theo Nguyên Anh
SVVN

MỚI - NÓNG