Thỏa sức vẽ chân dung

Thỏa sức vẽ chân dung
TP - Giữa thập niên 1990, thời điểm các diva đang làm mưa gió, Tùng Dương xuất hiện, từng bước phá vỡ thế “âm thịnh dương suy” của nhạc Việt. Và bây giờ nếu nói là thời của Tùng Dương thì hơi quá nhưng đúng là tầm phủ sóng của anh vẫn trong chiều hướng tăng.

Lần thứ hai hát tại Chủ Nhật Đỏ- chương trình hiến máu nhân đạo tình nguyện do báo Tiền Phong khởi xướng- Tùng Dương quyết định hiến máu, cho dù ngay sau đó phải bay đi diễn xa. Lý do rất giản dị: “Là ca sĩ mình hiến giọng hát. Là công dân, như mọi người, mình hiến máu”. Dạo được giải thưởng Bài hát của năm trị giá tới cả tỉ đồng, việc đầu tiên, Tùng Dương cùng BTC lên miền núi chia sẻ với đồng bào còn khó khăn. Ít ai biết anh lập một quỹ mang tên mình thường kỳ vào bệnh viện thăm hỏi những người bệnh hiểm nghèo. Những hình ảnh Tùng Dương đi làm từ thiện ít khi xuất hiện trên báo.

Nhiều năm liền danh hiệu Ca sĩ của năm thuộc hệ thống giải thưởng âm nhạc do báo giới bình chọn không biết trao cho ai ngoài Tùng Dương. Có thể vì tài năng kiểu Tùng Dương chưa kịp xuất hiện, cũng rất có thể do ít ai dám đi con đường độc lập đến độ đôi lúc tưởng ngược dòng như anh. Tùng Dương chưa từng biết giới hạn bản thân trong phạm vi an toàn. Ngay lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng ở Sao Mai Điểm hẹn 2004, anh liên tục dùng những bài hát mới nặng hơi hướng jazz của chỉ một tác giả- lúc đó cũng chưa mấy tên tuổi là Lê Minh Sơn. 

Tài năng nổi bật cùng với sự quyết liệt trong sáng tạo của Tùng Dương đã buộc ban giám khảo lúc đó phải nghĩ thêm ra “Giải thưởng do Hội đồng Nghệ thuật bình chọn” tặng anh. Và đó là một quyết định sáng suốt. Tùng Dương trở thành đóng góp lớn nhất của Sao Mai Điểm hẹn cho nhạc Việt đến nay.  

Tùng Dương biết biến sở đoản thành thế mạnh. Bất lợi về ngoại hình ban đầu được chuyển hóa thành phong cách quái, lên đồng. Với phong cách này anh đã làm nên thương hiệu, về sau có ảnh hưởng tới một số ca sĩ đàn em. Khi đã chinh phục được khán giả rồi, Tùng Dương lại chứng tỏ mình cũng có thể làm “quý ông” trong những bản tình ca mực thước. Cho đến nay, Tùng Dương vẫn nằm trong số hiếm ca sĩ đi song song cả hai con đường: làm hài lòng số đông khán giả, vẫn thỏa sức vẽ chân dung sáng tạo của riêng mình.

“Dù mình có thành đạt, mọi người yêu mình, mình vẫn xác định lúc nào cũng trên con đường chinh phục khán giả. Dương tự hào vì lượng khán giả của mình hùng hậu hơn trước nhiều, từ trí thức cho đến công nhân. Nhưng họ vẫn đang thách thức mình, chứ không phải mình làm gì họ cũng ủng hộ. Dương cũng mong chờ khán giả sửa cho mình, chứ không phải phó mặc mình”. 

Tùng Dương

Bí quyết thành công của Tùng Dương có thể gói trong hai chữ “quyết liệt”- “làm gì cũng phải hết mình, không đẽo cày giữa đường”. Mẹ Dương từng kể với báo chí khi bà góp ý về việc chọn bài thi Sao Mai Điểm hẹn, con trai trả lời: “Hát là việc của con, con hát dù chỉ còn 3 người thích con vẫn đi theo con đường ấy!”. Khi con trai đầu lòng đầy tháng, Tùng Dương tuyên bố sẽ không ép con theo đường nghệ thuật nhưng mong sẽ gieo cho con tính quyết liệt để có thể thành công trong lĩnh vực con lựa chọn. 

Sự quyết liệt thể hiện cả trong cách sống. Anh là đồng nghiệp duy nhất viết thư ngỏ “chỉnh” một nam ca sĩ mới nổi về những lời rap trên sân khấu truyền hình trực tiếp. Quan điểm của anh: “Mình có thể không liên quan trực tiếp những cá nhân như vậy nhưng mình không thể đứng ngoài. 

Đứng ngoài nghĩa là mình chấp nhận chuyện đó. Có những giá trị bề nổi chớp nhoáng ảnh hưởng đến một bộ phận lớn khán giả trẻ- những người chưa có định hướng gì cả, chỉ làm theo thần tượng thôi. Nghệ sĩ phải giữ cho mình sự khiêm tốn chứ không phải ngạo mạn”. Tùng Dương cũng không ngại đối diện những cú vấp của bản thân. Về liveshow Tùng Dương hát tình ca (2014), anh tự phân tích: “Tôi hát chiều theo khán giả đến tận 11h hơn, làm vỡ luôn sân khấu, cháy luôn phần thiết kế thị giác của đạo diễn. Lần ấy về tôi suy nghĩ, tự trách mình rất nhiều.

 Đương nhiên hiệu ứng khán giả vẫn rất tốt, chỉ mình mới biết mình thất bại thôi”. Lần đó anh đã khóc vì giận mình không biết kiềm chế, tập tành quá hăng đến nỗi bị chai cảm xúc khi hát thật. Đó là giọt nước mắt sau cánh gà không ai biết. Còn trên sân khấu Dương ít nhất đã 2 lần khóc. Một lần khi hát “Mẹ tôi” của Trần Tiến. Lần thứ hai tại liveshow Một thập kỷ hoan ca- khi thông báo với khán giả về cậu con trai vừa ra đời đúng 2 ngày trước khi bố làm chương trình riêng. Kết quả Dương không ngủ tẹo nào từ khi lên chức bố cho đến khi lên sân khấu.

Thỏa sức vẽ chân dung ảnh 1 Tùng Dương hiến máu tại Chủ nhật Đỏ 2016.

Một thập kỷ hoan ca tiếp tục ghi đậm dấu ấn của một nghệ sĩ luôn tiên phong, luôn thách thức bản thân và khán giả trong những bài ca lớn và khó. Đêm diễn đánh dấu bước hợp tác tiếp theo của Tùng Dương với Sa Huỳnh trong những bản mang tính trường ca như “Rễ cây”, “Oa oa” hay “Mắt đêm”. 

Tất nhiên, không phải cứ bài dài, nhiều đoạn là đẳng cấp. Nhưng cầm chắc một điều chỉ Tùng Dương mới dám và mới đủ lực để đưa những bài kiểu đó ra trước công chúng. Dường như anh vẫn nhất quán quan điểm đã chọn từ hơn một thập kỷ trước: Dù chỉ còn 3 khán giả mong mỏi những sáng tạo từ Tùng Dương thì anh còn tiếp tục đột phá. 

Tùng Dương khẳng định: “Dù mình có thành đạt, mọi người yêu mình, mình vẫn xác định lúc nào cũng trên con đường chinh phục khán giả. Dương tự hào vì lượng khán giả của mình hùng hậu hơn trước nhiều, từ trí thức cho đến công nhân… Nhưng họ vẫn đang thách thức mình, chứ không phải mình làm gì họ cũng ủng hộ. Dương cũng mong chờ khán giả sửa cho mình, chứ không phải phó mặc mình”. Mặt khác với người hâm mộ, Tùng Dương vẫn quán triệt: “Không được tôn sùng thần tượng thái quá ảnh hưởng tới đồng nghiệp. Tôi muốn cái gì tốt, ai hay họ phải công nhận. Trong nghệ thuật cần có sự công bằng”.

Học Trung cấp Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội từ 16 tuổi. NSND Quang Thọ dạy Dương ở bậc đại học nhận xét giọng Dương lạ, là tenor II (nam cao) nhưng vẫn mang màu sắc baritone (nam trung). Đây là cơ sở để Dương thể hiện được nhiều sắc thái trong bài hát. Trong quá trình học anh cũng khẳng định năng khiếu nổi bật, các môn phụ luôn đạt 9,5 trở lên. 

Ca sĩ nhạc nhẹ có bằng đại học như Dương khá hiếm, và anh đang nghĩ đến việc học tiếp để nâng cao trình độ. Tùng Dương cảm nhận ca hát như một sứ mệnh được giao phó và trong tương lai sẽ tiếp tục truyền trao sứ mệnh đó cho thế hệ tiếp nối trong cương vị người thầy.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.