Trở thành nhà tài chính số 1, tại sao không?

Trở thành nhà tài chính số 1, tại sao không?
Làm thế nào để trở thành một nhà tài chính? Nhà tài chính khác với nhà công nghiệp ra sao? Việt Nam đã có nhà tài chính thực sự hay chưa?...
Trở thành nhà tài chính số 1, tại sao không? ảnh 1
Từ trái sang phải: Ông Trần Phương Bình, Trần Thanh Tân và MC Phạm Uyên Nguyên trong cuộc giao lưu với sinh viên. Ảnh: Tuổi Trẻ

Gần 500 sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM đã trải qua hơn một giờ đồng hồ với BTC giải thưởng “Nhà công nghiệp trẻ Việt Nam - 2006” để cùng nhau giải đáp những thắc mắc đó.

Giấc mơ và con số 1

"Nhà tài chính", cụm từ có vẻ như khô khan đó lại được xây nên từ giấc mơ. Giấc mơ làm giàu cho bản thân và cống hiến cho đất nước.

Bắt đầu cho duyên nợ trở thành nhà quản lý một quỹ đầu tư tài chính của người Việt đầu tiên - VietFund như hiện nay, anh Trần Thanh Tân chia sẻ: “Xuất phát điểm của mỗi con người nên bắt đầu từ giấc mơ. Ai cũng có quyền mơ, giấc mơ không bao giờ tốn tiền, vấn đề là bạn mơ cái gì: trở thành giám đốc, tổng thống, hay thủ tướng? Chính từ ước mơ đó, ta mới có mục đích, mới bắt tay vào thực hiện để biến ước mơ đó thành sự thật”.

Như để rõ hơn quan điểm của mình, anh Tân lý giải thêm: “Bạn ước mơ lúc 30 tuổi bạn sẽ kiếm được 10 triệu đô, nhưng đến 30 tuổi bạn chỉ kiếm bằng 1/10 số tiền đó, bạn cũng có quyền tự hào vì bạn đã thực hiện giấc mơ của mình, dù nó chưa thật trọn vẹn”.

24 tuổi làm phó phòng phụ trách hành chính của một công ty tài chính Hong Kong với số tiền quỹ lên đến hàng trăm triệu USD, rồi cũng từ thắc mắc “tại sao chúng ta cứ phải dựa vào vốn nước ngoài” đã “mớm” cho anh chàng “ham tiền” - Trần Thanh Tân lập công ty huy động vốn trong nước. Cái tên Quĩ đầu tư VietFund từ đó đã ra đời.

“Nếu bạn mơ trở thành tổng giám đốc, hãy bắt đầu từ những điều bình thường nhất. Cho dù bạn bán nước mía, thì nước mía của bạn cũng phải ngon nhất. Khi cảm thấy tự hào về điều đó, bạn mới có tố chất là nhà tài chính”, anh Tân khuyên.

Hãy luôn là số 1 trong lĩnh vực mình theo đuổi trở thành một bí kíp cho thành công hôm nay của những nhà tài chính Việt Nam. Nhưng “số 1” còn mang thông điệp khác nữa: ở mỗi khoảnh khắc trong đời hãy làm tốt vai trò của mình.

Hiếm ai biết được vị Giám đốc Ngân hàng Đông Á - Trần Phương Bình đã có một quãng đời sinh viên oanh liệt đúng nghĩa. “Tôi từng được xem là sinh viên quậy nhất trường, từng bị bảo vệ dùng súng AK rượt te tua vì mái tóc dài quá”, một bật mí thú vị khi ông trả lời câu hỏi của một sinh viên: “Làm sao có thể áp dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất?”

Bước vào con đường tài chính của ông từ mục đích giúp vợ làm ăn nhưng tố chất của một nhà tài chính đã giúp Trần Phương Bình hoá giải những vấn đề của Hợp tác xã tín dụng quận Phú Nhuận một cách êm ru và mở đường cho năm 1992 Ngân hàng Đông Á ra đời.

Ông nhấn mạnh: “Không phải học ngân hàng thì bạn mới làm Ngân hàng. Dù học bất cứ ngành gì nhưng nếu có tố chất, có cơ hội bạn đều có thể trở thành nhà tài chính”.

“Tôi muốn tôi là số 1 chứ không phải những người trong nhóm số 1”. Lời khẳng định của vị giám đốc này đã làm không ít sinh viên trong hội trường phải ồ, à lên một cách thán phục.

Nhà tài chính khác nhà công nghiệp thế nào?

Câu hỏi của sinh viên Võ Công Bình (sinh viên Kinh tế) đã gợi mở vấn đề chính của buổi giao lưu.

“Khái niệm nhà tài chính rất dễ lẫn lộn. Học về tài chính, làm công việc tài chính chưa được xem là nhà tài chính. Một nhà tài chính thực thụ là người biết dùng đồng tiền bỏ vào chỗ nào để trở thành cực đại. Không nhất thiết ở lĩnh vực ngân hàng, miễn bạn biết biến 1 đồng thành hai đồng, từ hai đồng thành cực đại, bạn đã là nhà tài chính”, ông Trần Phương Bình chia sẻ quan điểm của mình.

Với giám đốc công ty tài chính Thanh Tân: “Nhà tài chính phải có tố chất vươn lên, quyết tâm, biết ước mơ, dù trong giai đoạn ngắn hay dài cũng phải làm tốt vai trò của mình. Biết đối diện với nhiều áp lực, hãy quan sát và đi đến cùng con đường mình đã chọn. Quan trọng hơn, hãy biết xây dựng ước mơ hàng ngày và xả thân vì nó”.

Trả lời câu hỏi: “Làm gì để trở thành nhà tài chính tương lai” của Ngọc Thuý (sinh viên ĐH Ngoại thương), anh Thanh Tân chia sẻ: “Có rất nhiều con đường trở thành nhà tài chính hoặc bạn học thật tốt, rồi đi làm, đầu tư dần dần hoặc bạn bỏ học và lập công ty như Bill Gates nhưng những ý tưởng giống nhau rất nhiều để thành công cần rất nhiều yếu tố. Chính điều này làm cho thế giới có những con người kiệt xuất, để nước Mỹ có một Bill Gates hiện nay, hàng trăm Bill Gates khác đã chết”.

Trở thành nhà tài chính Việt Nam, tại sao không?

“Việt Nam mình nghèo nhưng không phải vì thiếu tiền mà thiếu lưu thông đồng tiền”, anh Phạm Uyên Nguyên, thành viên của gia đình “Vì ngày mai phát triển” nhấn mạnh vai trò của nhà tài chính cũng như ý nghĩa cuộc thi lần này.

“Bắt đầu từ việc kinh doanh nhỏ, bạn khẳng định được tên tuổi của mình, từ thành công đó, bạn vươn ra những lĩnh vực khác: bất động sản, chứng khoán... vậy là bạn trở thành nhà tài chính”, anh Nguyên đưa ra một lý giải cặn kẽ hơn.

“Hãy gửi cho chúng tôi những bản kế hoạch, ý tưởng của các bạn, đừng hỏi, đừng chần chừ mà hãy viết ra dù là kế hoạch cho tương lai chính bạn, nhưng phải thể hiện được mục đích, định hướng nghề nghiệp. Chúng tôi đi tìm “nhà”, tìm đến yếu tố con người hơn là vật chất”, anh Lê Nguyễn Minh Quang, người anh cả trong gia đình “Vì ngày mai phát triển” nói rõ tiêu chí của cuộc thi.

Như lời kết cho buổi giao lưu, anh Nguyên nhắn nhủ: “Tôi đã từng có giấc mơ tăng dòng tiền cho nền kinh tế Việt Nam và Ban tổ chức sẵn sàng chờ đợi dù 5 năm, 10 năm hay có thể lâu hơn nữa để tìm ra một nhà tài chính trẻ cùng chúng tôi thực hiện điều đó”. 

Theo NH.B
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.