Từ căn phòng 20m2 đến startup lớn nhất Ðông Nam Á

MoMo cùng đại diện Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs công bố kế hoạch đầu tư 600 tỷ đồng của hai nhà đầu tư này.
MoMo cùng đại diện Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs công bố kế hoạch đầu tư 600 tỷ đồng của hai nhà đầu tư này.
TP - Tại ngày hội khởi nghiệp lớn nhất năm vào cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo “tháng 3/2016, ứng dụng Ví thanh toán điện tử MoMo của Việt Nam nhận được hơn 600 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs, trở thành startup Việt nhận được đầu tư lớn nhất đến nay”.

Không chỉ thế, MoMo còn được các nhà đầu tư đánh giá là startup lớn nhất khu vực Ðông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ tài chính với nhiều giải thưởng danh giá khác. Thế nhưng ít ai biết, phía sau thành công ấy là một hành trình gian khổ, tuyệt vọng và cả ý chí vươn lên không ngừng của những người mang khát vọng đưa công nghệ vào cuộc sống.

“Chúng tôi từng bị chê cười nhiều”

Khi lên kho ứng dụng App store của Iphone hay các chợ ứng dụng của hệ điều hành Android, tải về ứng dụng MoMo, người dùng có thể tiến hành hơn 200 dịch vụ thanh toán như trả tiền điện, nước, nạp thẻ điện thoại, chuyển tiền, mua vé xem phim, thậm chí mua hoa, voucher, thuê dịch vụ giúp việc. Ứng dụng ví MoMo là ứng dụng thanh toán đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng Top 1 trên chợ ứng dụng iOS và Android.

Thành công ấy là kết quả hành trình khởi nghiệp của bốn người mang khát vọng đưa công nghệ giúp đỡ người nghèo. Các anh chị thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến năm 2007 với 4 sáng lập viên, đều là những người được đào tạo bài bản và từng du học nước ngoài. Sáng lập viên đầu tiên là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Minh Hiền. Anh Nguyễn Bá Diệp, nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty từng du học tại Úc, bỏ công việc “ngon ăn” ở VNPT để tìm một cơ hội mới. Anh Phạm Thành Ðức - một lãnh đạo cao cấp của FPT từ bỏ “chăn ấm nệm êm” để làm startup và anh Nguyễn Mạnh Tường, tốt nghiệp Ðại học Chicago của Mỹ, từng làm tại Tập đoàn Cisco Systems nhưng luôn khao khát về Việt Nam cống hiến. Bốn người bắt đầu công việc từ một căn phòng đi thuê chỉ vỏn vẹn 20m2 và 3 máy tính.

Từ căn phòng 20m2 đến startup lớn nhất Ðông Nam Á ảnh 1

Anh Nguyễn Bá Diệp, một trong những sáng lập viên của MoMo.

Anh Nguyễn Bá Diệp, một trong bốn sáng lập viên chia sẻ, Việt Nam nghèo, muốn phát triển đột phá thì phải dùng công nghệ. “Ở Mỹ có Amazon làm thay đổi văn hóa mua sắm. Các thành viên trong nhóm muốn làm một cái mới, muốn tạo ra sản phẩm có thể thay đổi cái gì đó ở Việt Nam. Thời điểm 2008, điện thoại di động rất nhiều, nhóm suy nghĩ về việc dùng điện thoại di động cung cấp dịch vụ tài chính”, anh Diệp chia sẻ.

Từ căn phòng 20m2 ngày nào với 4 người, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến có hơn 500 nhân viên, có văn phòng rộng 1.500 m2 ở TPHCM và hơn 5.000 đại lý ở 57 tỉnh, thành phố. Hơn 2 triệu người đã đăng ký sử dụng ví điện tử Momo và 2,5 triệu người dùng đã dùng dịch vụ MoMo thông qua các đại lý.

Khởi động ý tưởng đó, nhóm khởi nghiệp đi học hỏi, cầu viện ở khắp nơi, từ Lãnh sứ quán Mỹ đến Quỹ Bill and Melinda Gates. Ðược một chuyên gia mách ở Philippines dùng điện thoại di động làm ví điện tử chứa tiền và thanh toán các dịch vụ, nhóm khăn gói sang Philipines gặp cả Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines để hiểu về mô hình. Nhóm cũng nằm cả tháng ở châu Phi (Kenya, Uganda, Tanzania) để tìm hiểu về dịch vụ.

Khi về Việt Nam, nhóm bắt tay nghiên cứu triển khai SIMCARD “bắn tiền điện thoại đa mạng”, giúp những người nghèo cũng có thể tham gia dịch vụ này và mang về thu nhập cho mình. Một thời gian ngắn, có khoảng 100.000 cửa hàng và cá nhân tham gia bán dịch vụ này.

Từ việc thu tiền bán tài khoản thẻ cào rất vất vả, nhóm nghĩ đến việc nâng cấp thêm tính năng chuyển tiền bằng dịch vụ ví điện tử trên điện thoại di động giống như ở Philippines và Kenya. Công ty đã thuyết phục nhà mạng Vinaphone cài phần mềm Ví điện tử này vào trong sim điện thoại của Vinaphone. Tuy nhiên, sản phẩm không được đón nhận nhiều vì rất nhiều bất tiện.

Năm 2013, sau nhiều lần thử nghiệm, công ty bắt đầu cạn kiệt vốn. Ðúng thời điểm đó, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs - Ngân hàng đầu tư lớn nhất ở Mỹ quyết định rót vốn cho MoMo 5,75 triệu USD và nhận định “sản phẩm của các anh nếu thành công sẽ là một cú đấm lớn”.

Có vốn, nhóm khởi nghiệp nghĩ đến ý tưởng khá mới mẻ là chuyển mô hình ví điện tử từ một phần mềm gắn trên sim thành một ứng dụng di động để khách hàng có smartphone đều có thể tải xuống và dùng. “Khi chúng tôi phát triển ý tưởng này, nhiều người chê cười, cho rằng đó là ý tưởng lẩm cẩm, làm thế thì chết vì 3G rất đắt còn smartphone thì ít”. Tuy nhiên, ứng dụng MoMo ra đời nhận được sự đón nhận của mọi người vì tính tiện lợi, đơn giản. Từ một vài ứng dụng ban đầu, đến nay người dùng có thể trải nghiệm trên 200 dịch vụ của MoMo. Ngoài ra, MoMo cũng phát triển các đại lý để những người không sử dụng smartphone có thể tiếp cận dịch vụ.

Từ căn phòng 20m2 đến startup lớn nhất Ðông Nam Á ảnh 2 Hơn 30 lãnh đạo, nhân viên của MoMo tham dự cuộc thi chạy bộ quốc tế tại Ðà Nẵng tháng 8/2016.

Dạy nhân viên cách vượt qua nỗi tuyệt vọng

“Ước vọng biến một sản phẩm công nghệ từ ý tưởng thành hiện thực cần rất nhiều nỗ lực, nhiều mồ hôi, nước mắt và cả sự tuyệt vọng, chỉ có niềm tin mới đi qua được”, anh Nguyễn Bá Diệp kể về hành trình của mình và các cộng sự.

Khó khăn lớn nhất khi triển khai MoMo là niềm tin của người tiêu dùng. Khách hàng nghi ngại, làm sao tôi có thể giao tiền cho anh, nhỡ anh mang tiền của tôi đi thì sao, tôi biết tìm ở đâu? Lý do là người tiêu dùng ở Việt Nam luôn có thói quen giữ tiền bên mình và tiêu tiền mặt. Ðể thuyết phục các đơn vị cung cấp dịch vụ đồng ý thu hộ qua ví điện tử, các lãnh đạo của MoMo phải kiên trì tiếp xúc hàng chục cuộc, có khi ròng rã cả năm trời. Nhờ đó đã thuyết phục được các đối tác lớn như Ðiện lực TPHCM, Ðiện lực Hà Nội, các nhà mạng di động, Vietjet Air. Ðối với khách hàng cũng thế, phải rất kiên trì nhẫn nại thuyết phục từng người một…

Anh Diệp kể, cuộc chơi nào cũng có gian khó, vấn đề là đội ngũ dìu dắt nhau để vươn lên và học những gương trước mặt mình. “Ðọc sách về nhiều tỷ phú thì thấy ai cũng lao động cực khổ, nhọc nhằn để có được thành công. Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, Steve Job, cựu CEO Apple đều cực nhọc cả. Nhiều tỷ phú Việt đều nhọc nhằn mới có thành công. Khó khăn để mình vươn lên chứ không phải để mình chìm xuống”, anh Diệp nói.

Theo anh Diệp, đội ngũ lãnh đạo của MoMo luôn tâm niệm, bên cạnh nền tảng tri thức, có hai điều quan trọng để đi qua khó khăn là ý chí và sức mạnh về thể chất. Các lãnh đạo MoMo lao động 14-16 tiếng đồng hồ mỗi ngày là chuyện bình thường.

MoMo cũng thường tổ chức nhiều khóa rèn luyện để rèn luyện cho nhân viên hai điều đó. Các lãnh đạo ở MoMo cũng thường xuyên luyện tập. Mới đây CEO của công ty, anh Phạm Thành Ðức là CEO đầu tiên của Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc thi Ironman 2016 tại Úc, anh đã bơi 3,8km, đạp xe 180km, sau đó chạy marathon 42 km trong 16 tiếng liên tục.

“Chúng tôi luôn rèn luyện ý chí và thể lực để tiếp tục những chặng đường mới”, anh Diệp chia sẻ. Sau khi nhận được 600 tỷ đồng tiền tài trợ, MoMo đang hướng đến việc vươn về mọi ngóc ngách của xã hội. “Chúng tôi muốn mình giống như các con sông mang dòng tài chính chính thống đến với mọi người, nhất là người nghèo. Bây giờ nhiều người vẫn chưa có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính tin cậy mà phải đi vay nặng lãi. MoMo sẽ hợp tác với ngân hàng và các tổ chức tài chính để hiện thực hóa việc này”, người sáng lập MoMo bày tỏ. 

MỚI - NÓNG