Hai bạn trẻ sinh đúng ngày 30/4/1975 trả lời phỏng vấn đài BBC

Tự tin, năng động và lạc quan

Tự tin, năng động và lạc quan
Điều đó đã thể hiện rõ nét trong phần trả lời phỏng vấn đài BBC tiếng Việt của Lê Thành Nam Giải Phóng và Lê Thị Kim, hai bạn trẻ sinh đúng ngày 30/4/1975 hiện đang sống và làm việc ở TPHCM.
Tự tin, năng động và lạc quan ảnh 1

Lê Thành Nam Giải Phóng (bìa phải) trong ngày hội những người sinh ngày 30/4/1975

Chúng tôi xin lược trích bài phỏng vấn trên tinh thần giữ nguyên quan điểm của người hỏi và người trả lời.

Các bạn có biết nhiều về chiến tranh ?

Lê Thành Nam Giải Phóng sinh tại Hưng Yên, đến năm 8 tuổi được gia đình gửi vào nhà người bác ở TP.HCM để học tập. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Giải Phóng chọn lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Còn Lê Thị Kim sinh ra và lớn lên ở Cai Lậy (Tiền Giang). Cô vừa tốt nghiệp chương trình sau đại học về chuyên khoa Da liễu, hiện đang sống và làm việc ở TPHCM.

Lê Thị Kim: Thật sự em sinh ra là đã hòa bình, nhưng ba, mẹ em kể lại là hồi chiến tranh, cuộc sống mọi người đều vất vả, ai sống sót là may mắn. Chiến tranh là mất mát...

Lê Thành Nam Giải Phóng: Vì sinh ra sau cuộc chiến nên em không biết gì nhiều về nó, tuy rằng em luôn tìm kiếm những cơ hội để hiểu biết. Em nghĩ rằng ngày 30/4/1975 có ý nghĩa, đó là ngày mà Việt Nam trở thành một nước thật sự có chủ quyền...

Ba mẹ đặt tên cho em là Giải Phóng, thế nhưng cũng có nhiều người cho rằng sự kiện 30/4 là nỗi đau khổ của họ, và thật sự có rất nhiều người đã bỏ Việt Nam ra đi trong cái ngày 30/4 đó... Như vậy em có hình dung được xúc cảm của những người ở phía bên kia không? Khi người ta  nhìn về một sự kiện  với một cặp mắt khác...

Lê Thành Nam Giải Phóng: Em cũng có thể hiểu được một phần về những người đó, em nghĩ rằng họ chưa kịp biết gì thì họ đã vội vã chạy đi thì điều đó cũng bình thường thôi... Khi cuộc chiến kết thúc thì những người nào cảm thấy lo sợ điều gì thì họ sẽ phải tìm một chỗ nào đó để trốn chạy...

Nhưng nếu như ở lại Việt Nam thì họ sẽ hoàn toàn hòa nhập vào đời sống giống như những người bình thường...  Như em và Kim, tất cả tụi em đều được học tập đến nơi đến chốn và được xây dựng tương lai bằng bàn tay và khối óc của mình. Không ai cản trở điều này hết.

Thế còn Kim, em là người miền Nam chính gốc, ba em hồi xưa hoạt động cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thế trong gia đình có ai đứng về phía Cộng hòa không ?

Lê Thị Kim: Dạ không, gia đình em hoàn toàn theo cách mạng...

Thế nhưng chắc em cũng biết những bạn bè mà gia đình đã có những người từng hoạt động cho phía Cộng hòa phải không ?

Lê Thị Kim: Khi em lớn lên, đi học cũng có gặp một số bạn có gia đình tham gia bên Cộng hòa...

Các bạn đó khi lớn lên có bị phân biệt đối xử gì không ?

Lê Thị Kim: Từ năm em thi đại học trở về sau, các bạn đều giống nhau hết, có nghĩa là được thi tất cả các trường và được hưởng tất cả các chế độ giống như nhau, không có phân biệt gì hết.

Việc những người đã bị hạn chế con đường học hành bởi vì có người thân làm việc hay hoạt động cho phía bên kia, em nghĩ chuyện có công bằng không ?

Lê Thị Kim: Dạ, em nghĩ nếu có điều đó thì cũng không công bằng vì trong những người đó cũng có nhiều nhân tài. Nhưng trước em khoảng 10 năm mới có chuyện đó, còn thế hệ em thì không xảy ra nữa.

Thí dụ như Chính phủ xin lỗi những người đã bị phân biệt đối xử vì quá khứ của họ không đi theo cách mạng chẳng hạn, thì việc đó có cần thiết không ?

Lê Thành Nam Giải Phóng: Em nghĩ rằng chẳng có gì phải xin lỗi ở đây cả. Bởi vì, nếu như  cần một lời xin lỗi đó thì có rất nhiều điều chúng ta có thể đề cập tới...

Chẳng hạn khi nước Mỹ qua đây thì có rất nhiều vấn đề, như chất độc da cam đang làm cho rất nhiều người đang sống dở chết dở, sống không bằng chết...

Lúc đó có nước Mỹ nào, có người Mỹ nào của nước Mỹ ngỏ lời xin lỗi đâu chị... Và chúng ta cũng đâu có yêu cầu họ xin lỗi đâu...

Thế còn Kim nghĩ sao ?

Lê Thị Kim: Nếu mà nói một lời xin lỗi suông thì cũng không giải quyết được chuyện gì, những chuyện đó thì đã qua rồi... Đất nước mình bây giờ đã tạo điều kiện cho mọi người cùng có việc làm, cùng hưởng chế độ giống nhau...

Nói chung là những người có tài thì được hưởng theo công sức của họ... Em nghĩ như vậy là tốt rồi. Những người có tài được dùng đúng chỗ, và Nhà nước đã trân trọng họ.

Chuyện quá khứ gác lại... Điều quan tâm nhất của các em bây giờ là gì ?

Lê Thị Kim: Em quan tâm nhất bây giờ là việc làm ổn định.

Lê Thành Nam Giải Phóng: Em đang làm một công việc cũng bình thường thôi, và đương nhiên mong muốn của em cũng như bất cứ người nào là chúng ta sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp, thăng tiến trong thu nhập, có được ít nhiều những kiến thức mới từ công việc và thành công trong sự nghiệp mà mình theo đuổi...

Còn những trăn trở về xã hội...

Lê Thành Nam Giải Phóng: Em tham gia các hoạt động thanh niên, chẳng hạn như tình nguyện, tổ chức các buổi vui chơi, làm giàu thêm thế giới tâm hồn của các bạn cũng như của em...

Em nghĩ rằng đó là đóng góp nhỏ nhoi thôi, nó không dính líu gì đến công việc nhưng đó là một cuộc sống đẹp nếu mình cố gắng tận dụng từng giây từng phút.

Nghe Giải Phóng nói vậy thì mình có cảm tưởng là cuộc sống của những người 30 tuổi bây giờ xem ra bận rộn quá... Thế thì về tình yêu và về những ước mơ bình thường của một thanh niên thì sao ?

Lê Thành Nam Giải Phóng: Tụi em vẫn đang sống, vẫn đang yêu bình thường, tụi em vẫn có những khoảng thời gian dành riêng cho tâm hồn của mình dù bận rộn với công việc cũng như các hoạt động xã hội.

30 năm nữa, các bạn hình dung mình sẽ ở đâu, sẽ làm gì ?

Lê Thị Kim: Em hy vọng sẽ ổn định được cuộc sống và có một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Thế nước Việt Nam lúc đó sẽ như thế nào ?

Lê Thị Kim: Em ao ước mức sống mọi người lúc đó đều cao, không ai vất vả.

Lê Thành Nam Giải Phóng: Em nghĩ với tốc độ phát triển như hiện tại thì Việt Nam sẽ từng bước đi lên. Em không so sánh Việt Nam với bất kỳ một quốc gia nào khác bởi vì mỗi nước có hoàn cảnh rất riêng để phát triển, nhưng với sức lực hiện tại của dân tộc, Việt Nam sẽ phát triển mạnh.

MỚI - NÓNG