Ươm mầm mơ ước cùng “cô gái vàng”

Ươm mầm mơ ước cùng “cô gái vàng”
TP - Không có con đường nào dẫn đến thành công lại trải hoa hồng. Câu chuyện của Lưu Thị Thanh, "cô gái vàng" của cầu mây Việt Nam, thêm một lần nữa khẳng định chân lý đó.
Ươm mầm mơ ước cùng “cô gái vàng” ảnh 1
Lưu Thị Thanh (giữa) cùng đồng đội  Ảnh: Hồng Vĩnh

Lưu Thị Thanh đã từng có tuổi thơ êm ả ở xứ Thanh: “Khi em học lớp 2, nhà em thuộc diện khá giả. Hằng  ngày có người đưa đi học và đón về. Những ngày nghỉ cả nhà lại cùng nhau ra biển Sầm Sơn, đi Quảng Ninh, ra Hà Nội...

Hồi đó sướng lắm nhưng em không nhận thức được gì nhiều”. Vài năm sau sóng gió ập đến gia đình bé nhỏ, “tiểu thư” Thanh ngày nào bỗng thành cô bé lọ lem. 

Cảnh thất bát của gia đình khiến bố lâm bệnh nặng. Cả nhà nương nhờ đồng lương giáo viên còm cõi của mẹ, mà mẹ cũng đau ốm liên miên. Trước mắt cô bé 13 tuổi, cuộc sống bỗng chốc nhuốm màu đen, hằng ngày người ta đến nhà cô đòi nợ, đòi lấy nhà, những ánh mắt ghẻ lạnh bủa vây khắp nơi. Đúng giai đoạn khó khăn ấy, Thanh được gọi vào đội dự tuyển cầu mây Việt Nam (năm 1996).

Ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp hé mở từ đây. Trong thâm tâm, khi khăn gói quả mướp ra Hà Nội, Thanh còn mang theo một mong ước giản dị khác: Bớt đi một khẩu phần ăn cho gia đình. Mỗi tháng tiết kiệm tiền gửi về cho mẹ, nuôi anh trai  đang đi học.

Từng lóng ngóng với cầu mây

Giờ đã trở thành đội trưởng, thành cô gái vàng của cầu mây Việt Nam nhưng Lưu Thị Thanh “bật mí”: “Em từng chơi cầu mây kém nhất đội”. Lần đầu tiên bước chân vào thể thao Thanh chơi cầu chinh (có trước cầu mây). Cô góp mặt trong đội tuyển thành phố và đội tuyển của tỉnh Thanh Hoá.

Vì đá cầu chinh tốt nên Thanh được lựa chọn vào đội dự tuyển cầu mây Việt Nam. Chưa bao giờ tiếp xúc với cầu mây nên mọi động tác của Thanh đều lóng ngóng. Một chút chán nản thoáng qua nhưng cô gái xứ Thanh một lần nữa quyết tâm vượt qua thử thách.

Suốt nửa tháng trời Lưu Thị Thanh miệt mài rèn luyện theo sự hướng dẫn nhiệt tình của huấn luyện viên đã đem đến kết quả khả quan: trở thành một cá nhân nổi bật trong đội dự tuyển. Cô đã vượt qua 3 tháng thử sức để chính thức có mặt trong đội tuyển cầu mây Việt Nam tham dự SEAGames.

“Cuộc sống của vận động  viên trôi qua thế nào?”-Tôi hỏi Thanh. “Một khi đã chấp nhận dấn thân vào con đường thể thao chuyên nghiệp thì gian khó vất vả là không tránh khỏi”-Thanh đáp. Cô và đồng đội thường học văn hoá vào buổi tối, ban ngày luyện tập.

Chuyện chân tay xây xát là thường, đôi khi còn bị chấn thương, nhiều đồng đội của Thanh do không chịu được áp lực của hoạt động thể thao chuyên nghiệp nên dần bỏ cuộc. Cho đến hôm nay, chỉ có Lưu Thị Thanh là đại diện duy nhất của lứa cầu mây Việt Nam đầu tiên còn trụ lại.

Để trở thành cái tên được khán giả yêu thể thao nhớ đến, Thanh đã hy sinh nhiều thú vui, nhiều sở thích và cả những tình cảm riêng tư. Ngày nghỉ của Thanh và đồng đội chủ yếu để dành cho việc ăn, ngủ, nghỉ lấy sức. Nhưng với Thanh “cuộc sống như vậy là tốt rồi”.

Quá khứ đã lùi xa. Anh trai Thanh cũng thành đạt trong cuộc sống, vừa lập gia đình và đang du học tại Nhật Bản. Mẹ cô đã ra Hà Nội để được sống gần con gái. Thanh cũng đã lấy chồng, một chàng trai không giàu có, không đẹp trai, không học cao nhưng hiền lành, tốt tính. Chỉ tiếc rằng bố Thanh ra đi quá sớm, chưa kịp nhìn thấy sự trưởng thành của hai con.

Ươm mầm ước mơ

Lưu Thị Thanh chẳng nhớ suốt hơn 10 năm theo nghiệp thể thao đã trải qua bao nhiêu lần thi đấu. Chỉ biết cô đã nếm đủ niềm vui của chiến thắng, nỗi buồn của thất bại nhưng có một điều đặc biệt, khi gặp thất bại ít khi Thanh rơi nước mắt: “Em dễ xúc động trước những mảnh đời không may mắn nhưng chẳng mấy khi khóc vì thất bại. Thất bại chỉ ra cho em một điều: Em còn kém lắm, phải học hỏi, phải luyện tập thêm nhiều”.

Qua nếm trải của cuộc sống, cô nhận ra: Mọi cố gắng đều được đền đáp, song quan trọng là phải biết mình đã cố gắng đến đâu, từ đó biết mình sẽ nhận được những gì. Nghĩ về những năm tháng đã qua Thanh tâm sự chính những buồn đau đã giúp cho cô thêm nghị lực.

Được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ năm 2006, Thanh rất vui và bất ngờ: “Em và “ông xã” bảo nhau, so với 9 nhân vật được bình chọn thì những nỗ lực và thành công của em chưa thấm tháp gì”.

Những ngày này Lưu Thị Thanh và đồng đội đang tập luyện để chuẩn bị bước vào giải vô địch toàn quốc. Khoảng cuối tháng 5 cô sẽ sang Thái Lan tập huấn. Công việc như guồng quay tất bật. Nhưng đằng sau tấm huy chương nào chẳng thấm mồ hôi?

Lưu Thị Thanh muốn chia sẻ với các bạn tuổi teen một kinh nghiệm quý: “Ước mơ như một cây non, hãy nuôi dưỡng để mỗi ngày nó lớn lên một chút. Để có được thành công trong cuộc sống, phải nuôi dưỡng liên tục, kiên trì và luôn sống vì mầm non ước mơ”. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.