Viên mãn cho những cặp đôi “khuyết”

TP - Lấy nhau cả chục năm trời, có với nhau mấy mặt con nhưng ngoài tờ giấy đăng ký kết hôn, họ chưa một lần được mặc áo cưới. Không phải họ không muốn một đám cưới nhưng vì quá nghèo, bệnh tật luôn đeo bám khiến ước mơ tưởng chừng đơn giản ấy mãi không thành hiện thực.

Nhưng rồi, hôm qua (10/10) là một ngày tuyệt vời của các cặp đôi này, bởi mong ước giản dị bấy lâu cũng thành hiện thực. Một đám cưới tập thể dành cho 6 cặp đôi khuyết tật đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 10, TPHCM tổ chức với sự chứng kiến của chính quyền, bạn bè và người thân của 6 cặp đôi này.

Viên mãn cho những cặp đôi “khuyết” ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Thu Hương (60 tuổi) và chú Phạm Đăng Quang (56 tuổi) bên nhau ngày cưới khi đã ở tuổi 60. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Mặc váy cưới ở tuổi 60

Trong tiếng nhạc của hôn trường đám cưới tập thể, nếu không tinh mắt nhìn đóa hoa trên tay của cô Nguyễn Thị Thu Hương (60 tuổi) đứng bên cạnh chú Phạm Đăng Quang (56 tuổi) thì nhiều người đã chúc mừng nhầm hạnh phúc trăm năm cho con của cô chú. Nhưng thật sự, đây là ngày vui đặc biệt của cặp đôi U60 này.

Chú Quang là cựu chiến binh trở về từ chiến trường Campuchia bị mất chân phải, còn cô Hương mắc phải chứng tuyến yên không phát triển dẫn đến người lùn bẩm sinh. Câu chuyện tình của cô chú bắt đầu từ hai chữ duyên và nợ kéo dài gần 10 năm mới đến được với nhau.

Năm 1993, cô Hương và chú Quang cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ những người khuyết tật ở Sài Gòn. Thời bấy giờ cứ vài tuần mọi người lại tập trung đến công viên để trò chuyện chia sẻ với nhau về những điều trong cuộc sống. “Nhiều lần cô chú nhìn thấy nhau, nhưng cả hai vẫn chưa có dịp trò chuyện. Bẵng đi một thời gian thì chú không còn tham gia sinh hoạt nữa. Sau này mới biết chú đã đi lấy vợ”, cô Hương nhớ lại. Đến năm 2000, cuộc hôn nhân của chú Quang đổ vỡ. Năm 2001, chữ duyên lại một lần đưa cô và chú đến với nhau khi cả hai cùng đăng ký tham gia vào một chương trình dã ngoại ở Suối Tiên, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12).

“Lần này gặp lại là lúc cả hai cô chú ngồi ở một quán cà phê vỉa hè để chờ xe đến đón. Trò chuyện hồi lâu nhưng lúc đứng dậy tính tiền thì người nào trả người nấy. Cái duyên đến với cô chú lần thứ hai nhưng vẫn chưa ai nợ ai nè cháu”, cô Hương cười nói. Sau lần ấy, cô và chú giữ liên lạc với nhau, gặp gỡ nhau nhiều hơn và tình yêu đến lúc nào không hay. 5 tháng sau, hai người về với nhau, chung một mái nhà, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ chỉ đăng ký kết hôn, chứ không tổ chức nổi tiệc cưới.

“Ngày dài trôi qua, đến nay đã 15 năm bên cạnh chú, niềm ao ước một ngày được mặc áo cô dâu, nắm tay chú đi trên thảm đỏ hôn trường như bao người khác tưởng chừng như vụt tắt bởi mối lo cơm áo gạo tiền trong khi tuổi đã lớn”- cô Hương trầm ngâm.

Hạnh phúc trong mơ

Còn có 5 cặp đôi khác. Mỗi người một cảnh nhưng ngày chung đôi của họ trong hôn trường đám cưới tập thể là niềm hạnh phúc mà trong mơ họ cũng không thể ngờ được. Lấy nhau hơn chục năm, có cô con gái đã đi học lớp 4 song vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiếu và anh Giáp Anh Sơn (cùng sinh năm 1973) vẫn chưa tổ chức đám cưới để ra mắt người thân, bạn bè. 

Chị Hiếu bị khuyết tật chân nên chỉ ở nhà nội trợ, mọi việc kiếm tiền phải dựa vào một tay anh Sơn. Câu chuyện nên vợ thành chồng của anh chị cũng vấp phải sự phản đối từ phía gia đình anh Sơn, nhưng bằng tình yêu, họ đã vượt qua tất cả. 

“Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn bên nhau, động viên nhau, luôn tự nhủ phải cố gắng cho con đi học, và cũng không ít lần ước mơ được mặc áo cưới, được bước vào lễ đường. Cuối cùng, nhờ may mắn, ước mơ đó cũng trở thành hiện thực”, anh Sơn chia sẻ.

Mối tình của anh Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1978) và chị Tạ Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1982) là một câu chuyện tình lãng mạn. Anh Tài bị khiếm thị nhưng bù lại ông trời phú cho anh tài năng ca hát, làm thơ. Chị Trinh bị gù lưng nhưng khéo tay nên làm công nhân may. 

Anh chị quen nhau nhờ bài thơ của anh Tài sáng tác được phát trên đài phát thanh. Đến nay đã được 10 năm anh chị hạnh phúc bên nhau nhưng chưa một lần đám cưới. Còn vợ chồng chị Nguyễn Kim Cúc (sinh năm 1976) và anh Bùi Văn Biên (sinh năm 1981) cùng khuyết tật chân, ngày ngày mưu sinh bán vé số trên chiếc xe lăn, lại kém may mắn hơn khi đến nay anh chị vẫn chưa thể đăng ký kết hôn.

Viên mãn cho những cặp đôi “khuyết” ảnh 2

Ước mơ đám cưới của vợ chồng chị Nguyễn Kim Cúc (sinh năm 1976) và anh Bùi Văn Biên (sinh năm 1981) thành hiện thực, giờ chỉ còn chờ giấy kết hôn. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Gặp nhau, đồng cảm với nhau và cả hai quyết định cùng về một nhà nhưng không có khả năng tổ chức đám cưới. Hiện giấy đăng ký kết hôn của anh chị vẫn chưa thể hoàn thành do CMND của anh bị cấp sai tên.  “Ước mơ đến bên nhau, mặc áo cưới, trao nhẫn đã thành hiện thực là niềm vui không thể tả được của vợ chồng tôi. Giờ chúng tôi chỉ mong sao được sớm cầm giấy đăng ký kết hôn”, anh Biên nói.

Nỗi buồn “khuyết” trong ngày “Vẹn tròn hạnh phúc”

Có mặt ở hôn trường chung vui cùng các cặp đôi, tôi nhận ra đám cưới tập thể bị khuyết đi một cặp đôi. Hỏi ra mới biết, cặp đôi chị Khưu Trúc Phương (sinh năm 1980) và anh Trương Hán Long (sinh năm 1979, bị khiếm thị) không thể tham dự vì ngay ngày cưới thì đứa con hơn 1 tuổi phải nhập viện cấp cứu. Cô Nguyễn Thị Diệu Trinh, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật kể, Long và Phương số khổ, đến với nhau gặp rất nhiều trắc trở nay cũng không được trọn niềm vui. 

“Thằng Long bị khiếm thị, vợ nó thì lành lặn. Gia đình Long thì nói Phương không xứng, gia đình Phương thì lại chê Long khuyết tật nên hai bên đều phản đối, ngăn cản quyết liệt. Yêu nhau quá nên hai đứa bỏ gia đình để ra ngoài sống với nhau rồi sinh con”, cô Trinh tâm sự. 

Do con còn nhỏ nên chị Phương phải ở nhà nội trợ, việc kiếm tiền đều dựa vào nghề bán vé số, ca hát của anh Long. Biết cuộc sống gia đình khó khăn, thương chồng nên chị Phương chưa bao giờ đòi hỏi chồng phải làm đám cưới, còn anh Long thì luôn tự nhủ phải cố kiếm tiền nuôi con và kiếm cho vợ chiếc váy cưới để bằng bạn bằng bè.

Thấy hai vợ chồng nghèo khổ nhưng yêu thương nhau hết mực, cô Liên giới thiệu anh chị với Quận Đoàn 10 để được tham gia đám cưới tập thể. Và may mắn đã đến với vợ chồng anh Long. Thế nhưng, ngày đám cưới lại là ngày đứa con của anh chị phải đi bệnh viện cấp cứu. 

Vậy là bao nhiêu hy vọng, niềm vui về ngày chung đôi trong hôn trường trước người thân, bạn bè coi như vụt tắt. “Tội lắm” - cô Trinh chua xót -  Hai đứa sống có tình, có nghĩa nhưng do hai gia đình chưa đồng ý nên vợ chồng nó không biết mời ai tới chứng kiến. Cô Trinh kể tối trước ngày cưới Long còn gọi điện cho mấy chị em trong CLB nhờ đi bên em cho vui, cho đỡ tủi thân. Vậy mà giờ đến ngồi bàn thì chúng nó đang ở bệnh viện.

Lễ cưới tập thể do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 10, TPHCM tổ chức mang tên “Vẹn tròn hạnh phúc” cho 6 cặp đôi thanh niên khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Tại lễ cưới, Quận Đoàn 10 cùng các đơn vị hảo tâm trao tặng mỗi cặp đôi một nhẫn cặp và một số quà tặng khác, trao hai chiếc xe lăn cho cặp đôi bị khuyết tật chân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

MỚI - NÓNG