Xem các tín đồ thời trang làm từ thiện

Mua quần áo là làm từ thiện.
Mua quần áo là làm từ thiện.
TP - Từ 9h sáng, bãi đậu xe trước cửa Manzi đã đông nghịt. Phụ nữ từ mười mấy đến sáu mấy chen nhau mua quần áo như “mất trí”. Lần đầu tiên ở Hà Nội, một Charity fair (hội chợ từ thiện) đã thu hút được hơn 10.000 tình nguyện viên cả trong và ngoài nước tham gia.

"Connecting the Dots - Xây dựng nhà bán trú điểm trường San Sả Hồ” là một trong chuỗi các chương trình từ thiện do hãng thời trang Magonn và tổ chức tình nguyện VEO phối hợp tổ chức. Điểm khác biệt ở đây, toàn bộ đồ bán trong hội chợ đều là quần áo và đều ở mức giá “sale kịch sàn”. Theo như cam kết của ban tổ chức, tiền thu được trong hai ngày diễn ra hội chợ (23, 24/6) đều sẽ được dùng vào việc xây dựng nhà bán trú cho học sinh San Sả Hồ ở Sapa. Quỹ này từ lúc bắt đầu sẽ được công khai và cập nhật liên tục trên fanpage của
chương trình.

Loanh quanh hơn hai tiếng ở Manzi, Nguyễn Thu Phương (28 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mua được gần 10 sản phẩm. Cô chia sẻ: “Tôi không bài xích việc góp tiền làm từ thiện, nhưng như cách trước đây mọi người hay hô hào là góp tiền mua đồ, mua quần áo lên tặng người dân tộc tôi không bao giờ tham gia. Bởi tôi đã từng phượt rất nhiều năm ở những vùng núi phía Bắc, tôi biết quần áo và mì tôm không giúp gì nhiều cho người dân tộc, thậm chí trong nhiều trường hợp còn phản tác dụng. Nhưng xây trường lại khác. Đó là cái cách làm từ thiện “tặng cần câu” mà tôi thích. Hơn nữa cách làm lại quá chừng đơn giản, chính là đi shopping vào mùa sale. Tôi thực ra chỉ ưng một hai món thôi nhưng cứ tiện tay nhặt thêm để ủng hộ chương trình, đem về tặng bạn bè người thân cũng được”.

Trần Hà An (22 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) kể: “Tôi nghe tin về Connecting the Dots từ facebook Tăng Thanh Hà, cảm thấy đây là một cách làm từ thiện rất… tiện tay nên đáng lẽ chỉ mua ba món thì lại tăng thành năm món. Mẹ tôi bảo, có khi người ta chăng ra cái biển từ thiện chứ tiền đi đâu ai biết. Nhưng tôi nghĩ, kể cả tiền không dùng vào từ thiện tôi cũng không… tức là vì tôi đã mua được đồ chứ không phải đóng góp khống”.

Lê Nguyên Hạnh (24 tuổi, học viện Thời trang London) cho biết: “Mua quần áo để làm từ thiện, tôi thấy ý tưởng này rất hay, rất trend (xu hướng) nên ủng hộ”.

Sảnh lớn của Manzi vốn rất quen thuộc với dân làm nghệ thuật thử nghiệm đã được “dọn dẹp” toàn bộ. Gần trăm mét vuông chỉ có quần áo và người. Nhà thiết kế Lê Đình Nguyên (sinh năm 1985 học ở Anh về) nhận xét: “nhộn nhịp như hội”!

Connecting the Dots dành hẳn 30 ngày để kêu gọi cộng đồng tham gia, ban đầu gom được gần 1.000 đăng ký và gấp đôi số người bày tỏ sự quan tâm. Sự cổ vũ của một số người nổi tiếng như diễn viên Tăng Thanh Hà, người mẫu Hà Anh, MC Minh Trang, Hoàng Linh, quán quân “Người giấu mặt” Hoàng Sơn Việt v.v… cũng là một kênh để thông tin lan tỏa.

Xem các tín đồ thời trang làm từ thiện ảnh 1 Một lớp học tạm tại điểm trường Sín Chải.

Mục tiêu của ban tổ chức lần này không chỉ dừng lại ở một điểm trường bán trú. Trước đó, theo khảo sát, San Sả Hồ cách thành phố Lào Cai 50 km là một trong những khu vực nghèo khó với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất Sapa. Xã nằm trong phân khu vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên cách thị trấn Sa Pa gần nhất là 2 km (thôn Cát Cát). San Sả Hồ bao gồm 05 thôn (Cát Cát, Sín Chải A, Sín Chải B, Ý Lình Hồ 1 và Ý Lình Hồ 2) với trên 3.000 nhân khẩu của hơn 690 hộ đồng bào người Mông sinh sống, hầu hết các hộ đều là hộ nghèo và đặc biệt khó khăn.

Điểm trường Sín Chải thuộc trường tiểu học San Sả Hồ 1 là một điểm trường mới được thành lập, còn gặp vô vàn những khó khăn. Toàn trường có 138 em học sinh, song hầu hết các em đều ở bán trú, phải di chuyển rất vất vả mỗi ngày để tới trường đi học.

Nơi đây cũng nổi tiếng là vùng có khí hậu khắc nghiệt. Chỉ trong vòng nửa năm đã hứng chịu liên tục nào lũ quét, tuyết rơi, sương muối, nhiệt độ vào những ngày lạnh nhất luôn ở mức dưới 10 độ C.

Nhà thiết kế Lê Đình Nguyên cho rằng hành động bán hàng gây quỹ đang là một trend của làng thời trang thế giới. Những nhà thiết kế hàng đầu đang có xu hướng theo đuổi những trường phái Zero-waste fashion (thời trang không lãng phí) và Eco-sustainable fashion (thời trang thân thiện với môi trường). Một trong những hạng mục của các khuynh hướng này là không lãng phí vải vóc, quần áo. Thay vì đem tiêu hủy hoặc bán tống tháo, họ dành vào mục đích bán gây quỹ. Trong thời điểm nhiều người mất lòng tin vào từ thiện như hiện nay, đây là cách làm hiệu quả và theo một nghĩa nào đó rất liên quan thì nó cũng đẹp!

MỚI - NÓNG