Tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35?

Tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35?
TPO-Trung Quốc muốn có được một cụm không quân tác chiến chủ lực tầm xa, có khả năng đối đầu với không lực của Mỹ và Nhật trên chiến trường biển Hoa Đông, đồng thời tạo sức ép mạnh mẽ trên Biển Đông...

Tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35?

> Trung Quốc muốn gì khi mua S-400 và Su-35?
> Tận thấy 'quái vật' Su-35 làm xiếc trên không

TPO-Trung Quốc muốn có được một cụm không quân tác chiến chủ lực tầm xa, có khả năng đối đầu với không lực của Mỹ và Nhật trên chiến trường biển Hoa Đông, đồng thời tạo sức ép mạnh mẽ trên Biển Đông...

Theo mil.news.sina.com.cn, chuyên gia quân sự Trung Quốc Liu Linchuan vừa trình bày quan điểm trong một cuộc phỏng vấn về việc tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được tiêm kích Su–35 của Nga.

Theo Liu Linchuan, máy bay Su – 35 không được trang bị công nghệ tàng hình Stealth, nhưng có tính năng kỹ thuật siêu cơ động do được sử dụng động cơ tua bin phản lực hiện đại 117S với hệ thống điều khiển vector. Thực tế máy bay Su -35 nếu so sánh với các máy bay tiêm kích (thế hệ 3 theo chuẩn Trung Quốc) – trên thế giới là chuẩn thế hệ 4.

Tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35? ảnh 1

Liu Linchuan phân tích: Máy bay tiêm kích Su – 35 được trang bị tổ hợp radar đa nhiệm công suất lớn "Irbis" với một hệ thống anten mảng pha thụ động. Nga khẳng định, tổ hợp radar có khả năng phát hiện mục tiêu với độ phản xạ hiệu dụng (Radar Cross-Section, RCS) là 0,01m2 trên khoảng cách 90 km. Mỹ cũng tuyên bố radars trên máy bay F-35 với một số góc quét nhất định cũng đạt được kết quả như trên. Độ phản xạ hiệu dụng RCS của F-22 là khoảng 0,001 m2. Nhưng ở một số nước khác có thông tin cho rằng RSC của F – 35 khoảng 0,05 m2, F-22 – 0,01m2. Như vậy, radar của Su – 35 trên khoảng cách 90 km hoàn toàn có khả năng phát hiện được máy bay F-22 hoặc F-35. Nhờ có hệ thống radar tích hợp này mà ưu thế tàng hình của máy bay Mỹ đã giảm so với Su 35. Hệ thống trang thiết bị chiến đấu của Su-35 cũng được bù đắp thêm ưu thế trước các máy bay tàng hình.

Nếu so sánh với Su – 27, máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35 thế hệ thứ 4++ được lắp các động cơ với lực đẩy mạnh hơn, đồng thời có các ống phụt có góc quay khác nhau. Hệ thống EDSU (hệ thống điều khiển điện tử từ xa) của Su-27 có các thông số kỹ thuật không cao và rất nghèo nàn về khả năng linh hoạt trong điều khiển, trong khi Su – 35 được lắp đặt một hệ thống EDSU kỹ thuật số. Máy bay nguyên mẫu Su – 35 được nâng cấp hiện đại hóa bằng các bảng hiển thị điện tử trên kính buồng lái cho phép nâng cao cấp độ nắm bắt thông tin tình huống của phi công và điều kiện công tác cũng thuận lợi hơn. Máy bay được tăng cường lượng dầu dự trữ hành trình nhờ khả năng có thể treo được những bình dầu phụ trên cánh, điều đó làm tăng tầm hoạt động của máy bay và bán kính khu vực chiến đấu. Su – 35 được lắp đặt các thiết bị mới nhất của hệ thống TCĐT (tác chiến điện tử) và khả năng tấn công mặt đất linh hoạt. Máy bay Su-27 không có nhiều khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển, do đó đã giới hạn tính năng động khai thác sử dụng Su-27 trong chiến đấu.

Ngành công nghiệp chế tạo máy bay quân sự Trung Quốc rất quan tâm đến việc có được động cơ 117S. Nga sẽ không đời nào cung cấp các động cơ đó nếu như Trung Quốc không mua Su – 35. Trung Quốc hiện nay vẫn đang rất cần các động cơ của Nga và không cần thiết phải tỏ ra quá kiêu ngạo khi đề cập đến vấn đề này. Đồng thời không quân Trung Quốc cũng thực sự quan tâm đến radar “Irbis”. Đến thời điểm này Trung Quốc đã nắm bắt được công nghệ chế tạo radar chủ động với anten mảng pha (AESA), nhưng điều đó không có nghĩa là các chuyên gia Trung Quốc không quan tâm đến các phát triển công nghệ radars nước ngoài. "Irbis" có những điểm độc đáo như các thuật toán tiên tiến phát triển phần mềm điều khiển. Các trang thiết bị, khí tài của Nga thường được chế tạo bên ngoài thô nhưng có những thông số khai thác sử dụng rất cao và ổn định. Nghiên cứu "Irbis" sẽ giúp Trung Quốc hiểu được xu hướng phát triển các công nghệ chủ chốt trong lĩnh vực này, tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu trong thiết kế của nước ngoài để có thể chế tạo trang thiết bị, khí tài của Trung Quốc tốt hơn các nước khác trong tương lai gần.

Trong kho vũ khí đi cùng của Su – 35 có trang bị các tên lửa tầm xa sử dụng động cơ ramjet (động cơ phản lực dòng khí thẳng). Trung Quốc cũng đang phát triển các loại động cơ tên lửa này, chính vì vậy Trung Quốc cần nghiên cứu và phân tích các thiết kế chế tạo của nước ngoài, xác định các tính năng kỹ chiến thuật, các cấp độ công nghệ ứng dụng trong chế tạo để có thể phát triển sản phẩm của không quân PLA lên tầm cao mới, vượt Nga và Mỹ khi có điều kiện.

Đối với câu hỏi của việc Trung Quốc có được tiêm kích tối tân Su – 35 có làm thay đổi tình hình cán cân lực lượng ở khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á. Chuyên gia quân sự Liu Linchuan biện bạch Trung Quốc tiến hành đường lối chính trị đối ngoại độc lập và không đe dọa ai. Trung Quốc đã thử nghiệm máy bay tiêm kích tàng hình J-20, sự phát triển máy bay này cũng không đe dọa sự cân bằng lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương. Liu Linchuan đổ thừa rằng một số nước đã xâm phạm vào vùng nước “chủ quyền” của Trung Quốc trên các vùng biển nên Trung Quốc buộc phải tăng cường sức mạnh quân sự.

Tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35? ảnh 2

Trả lời câu hỏi về viêc Trung Quốc mua Su-35 có nguyên nhân là do quá trình phát triển máy bay tiêm kích hiện đại J-20 và J-31 xuất hiện những vấn đề khó khăn. Liu Linchuan giải thích mua máy bay Su-35 nhằm mục đích cần thiết là tăng cường sức mạnh của không quân PLA, do có những nguyên nhân nghiêm trọng về nguy cơ chiến tranh với Nhật Bản. Sự phát triển máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Trung Quốc đang tiến hành từng bước chắc chắn. Trong thời gian sắp tới J-20 sẽ được lắp đặt động cơ mới với hê thống đẩy ống phụt điều khiển vector, có khả năng siêu cơ động và tốc độ hành trình siêu âm. Liu tự tin phán nói chung các thông số kỹ thuật của J-20 hơn hẳn Su – 35. J-31 có radar công suất thấp hơn radar được lắp đặt trên máy bay Su – 35, chỉ có một nguyên nhân duy nhất là diện tích anten ở khoang mũi máy bay nhỏ hơn, nhưng với tiêm kích hạng nhẹ J-31, vấn đề đó không được đặt ra. Cũng tương tự nhu J-20, J-31 sẽ được lắp đặt động cơ mới và có khả năng có được tốc độ hành trình siêu âm.

Thử nghiệm máy bay thế hệ mới sẽ mất khoảng 6 năm, trước khi nó được đưa vào biên chế cho lực lượng không quân. Các nhà phát triển máy bay đang thúc đẩy nhanh các chuyến bay thử nghiệm, đưa vào hoạt động các mẫu mới. Nhưng không thể giảm bớt số lượng thời gian cho thủ nghiệm, đó là quy luật khoa học.

Theo Liu đánh giá, có thể máy bay tương lai Т-50 PАК - FА của Nga trong phân tích kỹ thuật phát triển về tương lai nhiều hơn so với máy bay tiêm kích hiện đại như J-20 và tất nhiên hơn hẳn Su-35. Nhưng máy bay này hiện vẫn đang trong quá trình chế taọ các mẫu thử nghiệm, chưa được thử nghiệm vũ khí trang bị. Nếu như Trung Quốc mua loại máy bay này hoặc kết hợp cùng phát triển chương trình T-50, Trung Quốc sẽ đánh mất sự tự chủ trong lĩnh vực vũ khí trang bị. Liu cho rằng lựa chọn mua Su -35 là phương án tối ưu nhất, trong một khía cạnh nào đó có thể chống lại được F-22 và F-35.

Tại sao Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35? ảnh 3

Cũng theo Liu Linchuan, công nghệ tàng hình đã tạo cho máy bay một ưu thế rất lớn trong các trận chiến trên không, quan trọng nhất là – giảm thiểu tối đa khoảng cách phát hiện mục tiêu của đối phương. F-22 có khả năng bay hành trình với tốc độ siêu âm, nhờ đó 6 tên lửa không đối không của Mỹ có tốc độ ban đầu rất lớn. Không quân Mỹ tìm kiếm ưu thế bằng cách sử dụng các tên lửa không đối không tầm xa, nhưng máy bay Su – 35 sẽ là một đối thủ đáng gờm. Su – 35 có khả năng siêu cơ động và điều đó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn.

Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, kỹ thuật Cobra, được thực hiện bởi Su–27, không mang tính chiến đấu và khó có thể áp dụng vào không chiến. Động cơ của Su–27 không có chế độ điều khiển ống phụt vector và trong trường hợp phóng tên lửa hay sử dụng súng tự động, máy bay có thể mất lái và rơi tự do. Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa bao giờ nhìn thấy các Su–27 thực hiện các kỹ thuật siêu cơ động, có sử dụng vũ khí. Để thực hiện Cobra hoặc các kỹ năng tương tự, máy bay cần phải giảm tốc độ xuống dưới 400 km/h, do đó không thể sử dụng tốc độ cận âm, rất cần thiết trong không chiến. Đồng thời cũng cần thời gian để máy bay sau khi thực hiện các động tác siêu cơ động đó quay trở lại trạng thái cơ động bình thường và đạt được tốc độ tối ưu, do đó các kỹ năng siêu cơ động của Su–27 trong chiến đấu sẽ không được sử dụng triệt để.

Đối với Su–35, được trang bị các động cơ mạnh hơn và khả năng điều khiển ống phụt vector. Những hệ thống điều khiển hiện đại cho phép máy bay có khả năng cơ động mà không phụ thuộc vào các hệ thống điều khiển khí động học thông thường, hoạt động kém hiệu quả ở tốc độ cao và hoàn toàn không bị đe dọa mất lái và rơi tự do. Với động cơ điều khiển ống phụt vector, máy bay có thể vừa thực hiện các động tác cơ động phức tạp, vừa có thể phóng tên lửa và sử dụng súng tự động. Do đó, khả năng siêu cơ động và tính năng điều khiển linh hoạt giúp Su–35 tiến hành các trận không chiến tầm gần hiệu quả.

Trung Quốc toan tính gì với Su-35?

Vẫn theo ông Liu nhận xét, phi đội máy bay Su–35 mua của Nga có thể hình thành một lực lượng công kích đột phá chủ lực trong lực lượng không quân PLA, mặc dù số lượng không lớn, nhưng giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc cân bằng cán cân lực lượng trên Thái Bình Dương đối với lực lượng không quân Mỹ và Nhật Bản trong việc bảo vệ lợi ích “cốt lõi”.

Từ những phân tích của Liu Linchuan có thể thấy rõ:

Thứ nhất, Trung Quốc chưa nắm chắc được công nghệ phát triển máy bay tàng hình J-20 và J-31, có những vấn đề như động cơ phản lực ống phụt điều khiển vector, radar đa nhiệm chế độ chủ động và thụ động và tên lửa tầm xa tốc độ cao đang chưa có lời giải, các chuyên gia quân sự Trung Quốc mong muốn thông qua việc mua gói máy bay Su–35 của Nga sẽ giải quyết được vấn đề này. Đặc biệt là trong 4–6 năm tới, các dòng máy bay J-20 và J-31 có thể thử nghiệm thành công và được sản xuất loạt.

Thứ hai, Trung Quốc rất muốn có được một cụm không quân tác chiến chủ lực tầm xa, có khả năng đối đầu với các cụm không lực mạnh của Mỹ và Nhật Bản trên chiến trường biển Hoa Đông, đồng thời tạo sức ép mạnh mẽ trên biển Đông nhằm từng bước thực hiện chiến lược biển khơi của mình. Họ hy vọng cụm máy bay tiêm kích chủ lực Su-35 sẽ thực hiện điều đó trong thời gian gần nhất, giai đoạn tiếp theo sẽ là các máy bay thế hệ J-xx (sản xuất theo nguyên mẫu Su -35 không có lisence) của Trung Quốc có thể sẽ được sản xuất với những công nghệ có được từ Su–35 và tất nhiên, sẽ dành cho xuất khẩu.

Bằng phương pháp này, Trung Quốc hy vọng sẽ rút ngắn được tiến độ hiện đại hóa lực lượng không quân theo chuẩn 4++ và đẩy nhanh tiến độ phát triển máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, dự kiến trong vòng từ 4 – 6 năm trước khi đưa vào biên chế. Với thời gian đó, Mỹ hoàn toàn chưa có khả năng nâng cấp F–22 hoặc F-35. Hai loại máy bay này cũng đang bị vướng trong cơ chế giá thành và những điểm chưa hoàn thiện. Như vậy trong 4 năm nữa, lực lượng không quân Trung Quốc trên Thái Bình Dương sẽ có ưu thế vượt trội hơn hẳn cả Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, chương trình mua sắm Su-35 của Trung Quốc cũng bộc lộ những điểm yếu:

1- Mục đích của Trung Quốc là có được công nghệ chế tạo động cơ phản lực ống phụt điều khiển vector, đây là một công nghệ cực kỳ phức tạp, với những thuật toán điều khiển được nằm trong quy định “tuyệt mật” của cả Mỹ và Nga. Vấn đề tạo ra các bản photocopy có thể nói không có khó khăn quá khả năng công nghệ của người Trung Quốc, nhưng để có thể xử lý được các động cơ này tương thích với môi trường chiến đấu thực tế là một điểm quá khó khăn. Người Trung Quốc từ sau chiến tranh Triều Tiên đến nay, hoàn toàn không có kinh nghiệm và khả năng tính được những xác suất sai lệch hệ thống có thể xảy ra trong chiến đấu. Trong khi đó, Su–35, J-20, J-31 của Trung Quốc sẽ là máy bay chiến đấu thật sự, không phải là máy bay được chế tạo dành cho xuất khẩu.

2- Các máy bay Su – 35 được sử dụng để tái cân bằng lực lượng với các máy bay của Mỹ và Nhật Bản trong tương lai gần. Giá thành của nó rất đắt, số lượng không lớn nhưng phải gánh một nhiệm vụ quá sức khi các phi công Trung Quốc tác chiến tầm xa. Kinh nghiệm chiến đấu cho thấy MiG 21 nếu so với F-4 Phantom có nhiều điểm thua sút, nhưng với lợi thế sân nhà mặc dù số lượng ít, vẫn có thể chiếm ưu thế trên không. Do đó nếu xét từ góc độ chiến dịch – chiến thuật, Su–35 của Trung Quốc, giả sử khi mua được, cũng không thể đóng vai trò quan trọng “khống chế bầu trời” như các chuyên gia PLA mong muốn. Tác chiến đường không tầm xa, với vai trò chủ lực và đối tượng tác chiến là các máy bay F-15, F-16 hoặc F-1 Nhật Bản, lại được trang bị các máy bay trinh sát điện tử hiện đại. Các chuyên gia cũng nhìn nhận Su–35 cũng sẽ không có ưu thế hơn Su–30MK hoặc Su–27 nhiều. Bởi vì chính Su -35 được sản xuất nhằm mục đích trang bị cho không quân Nga tác chiến trên bầu trời nước Nga và dành cho xuất khẩu.

3- Đây là một nguy cơ nghiêm trọng đối với Trung Quốc khi mua Su-35. Với ưu thế như đã quảng cáo, vấn đề mua bán sẽ phụ thuộc vào các ngân sách quốc phòng. Trung Quốc mua được Su–35, các nước láng giềng châu Á sẽ khẩn cấp nâng cấp dàn máy bay tiêm kích nhằm mục đích cân bằng lực lượng. Cuộc chạy đua vũ trang tiếp tục bị đẩy lên một vòng xoáy mới. Nếu Nhật Bản thành công khi mua lisence sản xuất F-35 hoặc Indonesia hoặc một nước nào đó mua thêm Su-35 từ Nga, thì các 'siêu phẩm công nghệ' như J-31 của Trung Quốc nhanh chóng lỗi thời. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ phải tăng tải vửa sản xuất, vừa nâng cấp và hoàn thiện các “stealth” trong vòng 4-6 năm nữa, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu sản xuất hàng loạt Su – 35 không có lisence sẽ trở thành gánh nặng vô cùng lớn.

Trịnh Thái Bằng

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.