Vì sao Mỹ trì hoãn tấn công Syria?

Vì sao Mỹ trì hoãn tấn công Syria?
TPO–Các chiến hạm của Hải quân Mỹ dồn dập đổ về Địa Trung Hải, sẵn sàng chờ lệnh khai hỏa. Thế nhưng, khi nào Mỹ phát động tấn công? Quy mô của cuộc tập kích thế nào... hiện vẫn còn là ẩn số.

> Khi thanh gươm chiến tranh đã tuốt khỏi vỏ

Nhiều toan tính của ông Obama trong việc trì hoãn tấn công Syria
Nhiều toan tính của ông Obama trong việc trì hoãn tấn công Syria. Ảnh: AP

Trì hoãn để "giải quyết nội bộ"?

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/9 bất ngờ ra quyết định trì hoãn tấn công Syria, viện dẫn lý do muốn đợi Quốc hội bỏ phiếu về việc này.

“Tôi sẽ xin phép các đại biểu của nhân dân Mỹ trong Quốc hội về việc sử dụng lực lượng”, AP dẫn lời Tổng thống Obama cho biết.

Tổng thống Mỹ cho rằng, cuộc tấn công vào một vùng ngoại ô ở Syria làm hơn 1.400 người chết hôm 21/8 tàn ác đến nỗi, ông sẽ phải phản ứng bằng một cuộc tấn công quân sự hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định trên là “canh bạc” với Tổng thống Obama, khi ông có mối quan hệ khá xa cách với các nghị sĩ Cộng hòa trong một Quốc hội bị chia rẽ.

Báo giới cho rằng, Tổng thống Obama có thể sẽ thắng thế trong Thượng viện, vốn do người thuộc đảng Dân chủ điều khiển, và cả những người Cộng hòa như Thượng nghị sĩ John Mc Cain. Ông này từng ủng hộ hành động quân sự chống lại Syria.

Ngày 31/8, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ đã rời cảng Portsmouth của Anh, lên đường sang Địa Trung Hải, tăng cường lực lượng cho cụm tàu sân bay và tàu khu trục ở đây, nhằm nâng cao sức mạnh tấn công tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria.

Virginia là một trong những tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới nhất của hải quân Mỹ dùng để thay thế cho loại tàu ngầm hạt nhân có giá đắt đỏ là Seawolf.

Tàu ngầm có chiều dài 114,91m, rộng 10,36m, cao 10,1m, lượng giãn nước 7925 tấn, tốc độ lặn 28 hải lý/h, tầm lặn sâu thiết kế tới 500m. Tàu được biên chế số lượng thủy thủ đoàn là 132 người.

Tuy nhiên, sẽ rất khó đoán về việc bỏ phiếu tại Hạ viện, nơi người Cộng hòa chiếm đa số ghế. Nơi đây có những người bảo thủ luôn chỉ trích Tổng thống và cản trở chương trình nghị sự của ông Obama.

Trên thực tế, Luật Patriot (Đạo luật yêu nước) ra đời sau “sự kiện 11/9”, cho phép Tổng thống Mỹ, trên cương vị là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ, được phép ra lệnh tấn công bất cứ quốc gia nào mà Mỹ cho là có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh Mỹ.

Vậy, Quốc hội Mỹ có phải là lý do chính khiến Tổng thống Obama trì hoãn các hoạt động quân sự tấn công Syria?

Theo giới phân tích, việc Tổng thống Barck Obama ra quyết định trên một phần do tỉ lệ người dân Mỹ phản đối cao và nhiều nghị sĩ trong Quốc hội hoài nghi về kế hoạch của chính quyền Obama. Sự trì hoãn này thực tế là “cho Tổng thống Obama thêm thời gian để thuyết phục thượng viện cũng như lôi kéo sự ủng hộ từ người dân Mỹ”, theo Reuters.

“Câu hỏi của tôi dành cho mỗi thành viên Quốc hội Mỹ và mỗi người dân Mỹ - thông điệp chúng ta sẽ gửi đi là gì khi một nhà độc tài bỏ khí độc giết chết hàng trăm trẻ em giữa thanh thiên bạch nhật và không phải trả giá gì cho hành động đó?”, Reuters dẫn lời Tổng thống Obama tại bài phát biểu ngày 1/9.

Thông qua việc xin sự phê chuẩn từ Quốc hội, Tổng thống Obama đã đáp lại lời kêu gọi của hơn 100 thành viên Quốc hội Mỹ mà trước đó đã yêu cầu ông cần phải xin ý kiến của họ, và cũng đáp lại lời kêu gọi của gần 80% người dân Mỹ muốn Tổng thống phải thông qua Quốc hội.

“Tổng thống hy vọng có được sự chấp thuận của Quốc hội về hành động quân sự chống chế độ Bashar al-Assad. Tổng thống sẽ chờ đợi và cân nhắc ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về sử dụng vũ lực”, theo ABC News.

Nga khẳng định quyền lợi tại Syria
Nga khẳng định quyền lợi tại Syria.

Hay ngại Nga?

Bên cạnh đó, quyền lợi của Nga tại Syria cũng là điều khiến giới chức Washington phải cân nhắc.

Hãng Itar-Tass của Nga dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, ngày 2/9, chính thức tuyên bố, Mátxcơva có lợi ích quốc gia ở Syria. Theo Ngoại trưởng Nga, “lợi ích quốc gia của Nga gắn liền với tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria”.

Hồi cuối tuần trước, truyền thông Israel dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, chính quyền Washington đột ngột “hoãn” các hoạt động quân sự chống Syria vào phút chót nhằm “câu giờ” cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc các cuộc đàm phán bí mật với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Các cuộc “Mật đàm” Nga - Mỹ thực tế là quyền lợi của Mátxcơva tại Syria; là Tatut, căn cứ quân sự duy nhất của Nga tại Trung Đông, nơi Mátxcơva buộc phải duy trì bằng mọi giá để làm bàn đạp tiến vào Ấn Độ Dương, tạo dựng sự thống trị về quân sự và chính trị trên toàn thế giới. Đó là lợi nhuận của những hợp đồng hàng tỷ USD mà các tập đoàn vũ khí Nga ký với chính quyền Bashar al-Assad từ năm 1994 tới nay.

Và trên hết là cam kết của Bashar al-Assad, rằng Syria dưới chế độ của ông không bao giờ cho phép xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt từ Qatar sang châu Âu, vì việc đó sẽ đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Nga.

Hiện 70% nguồn thu ngoại tệ của Nga là nhờ vào xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, và khí đốt cũng chính là con át chủ bài mà Mátxcơva có thể sử dụng để gây sức ép với châu lục này khi cần thiết.

Ngoài ra, sau khi Hạ viện Anh bác khả năng nước này tham chiến tại Syria, tiếp đó là chính phủ 12 nước thuộc Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, trong đó có Ý, Canada, Hy Lạp khẳng định không tham gia vào liên minh nếu không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ đang trở nên đơn độc hơn bao giờ hết.

Lôi kéo đồng minh

Việc kéo dài thời hạn tấn công Syria có thể liên quan tới việc Mỹ chờ đợi “những cái gật đầu” các đồng minh quan trọng khác, đặc biệt là Pháp và Đức.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro của Pháp hôm 2/9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảnh báo, việc các quốc gia phương Tây tấn công quân sự vào Syria có nguy cơ sẽ gây ra một cuộc chiến khu vực tại Trung Đông.

Ông Assad cho biết, Pháp sẽ phải chịu hậu quả nếu nước này tham gia vào kế hoạch tấn công Syria do Mỹ cầm đầu: “Bất cứ ai hành động chống lại lợi ích của Syria đều là kẻ thù của Syria. Người dân Pháp không phải kẻ thù của chúng tôi, nhưng các chính sách của chính quyền Pháp hiện đang gây ra thù địch với người dân Syria. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho lợi ích của Pháp”.

Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận, Pháp tham chiến hay không phụ thuộc vào kết quả cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Pháp bàn về vào ngày 4/9 tới.

Tương tự là Đức với “giới hạn hẹp” trong luật nước này, khi thực hiện cam kết quân sự ở nước ngoài đều phải được Quốc hội thông qua. Và thời điểm hiện tại “Berlin chưa cân nhắc và sẽ không cân nhắc về việc đó” như tuyên bố của phát ngôn viên Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert hôm 31/8.

Cuối cùng, theo giới phân tích quân sự, bản thân Mỹ cũng muốn cần thêm thời gian để thu thập và có thêm những đánh giá đầy đủ hơn về khả năng phòng không cũng như các địa điểm chiến lược của Syria.

Nguồn tin từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ mới đây khẳng định, danh sách các điểm đánh bom mà các lực lượng đối lập gửi cho Washington là chưa đủ và thiếu thuyết phục.

Trên thực tế, mức độ tập trung lực lượng và phương tiện phòng không, Syria vượt hẳn tất cả các nước Arab còn lại và không thua kém đa số các cường quốc phát triển hơn về quân sự.

Lực lượng này được đầu tư một đến 2 tỷ USD mỗi năm và vận hành tương đối tốt hoạt động của 25 lữ đoàn với 6 trạm SAM. Đây được coi là lực lượng nguy hiểm nhất đối với bất kỳ kẻ thù nào tiến đến gần không phận Syria.

Pantsir-S1 -
Pantsir-S1 - "át chủ bài" của hệ thống phòng không Syria.

Phòng không Syria hiện có trong trang bị hơn 900 hệ thống tên lửa phòng không và hơn 4.000 pháo phòng không cỡ nòng từ 23-100 mm. Bao gồm: 320 bệ phóng tên lửa đất đối không S-75 Dvina (SA-2), loại có thể bay với tốc độ Mach 3,5; 148 bệ phóng tên lửa S-125 Pechora (SA-3) có tốc độ bay Mach 3 được thiết kế để tấn công mục tiêu di động; 48 bệ phóng tên lửa đất đối không tầm cao S-200 Angara (SA-5). SA-5 có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào đang bay ở tốc độ Mach 7.

Năm 2007, Nga cũng đã ký hợp đồng cung cấp cho Syria các hệ thống tên lửa phòng không Buk-М2 và Pantsir-S1. Đây được xem là những “át chủ bài” của lưới lửa phòng không Syria với tầm bắn cực xa với hệ thống sử dụng đạn tên lửa có kích thước rất lớn, đạt tầm bắn xa tới 160km hoặc 250-300km với biến thể cải tiến, độ cao diệt mục tiêu 20-40km tùy biến thể…. điều này cho phép mở rộng đáng kể tiềm lực của phòng không Syria.

Việc Syria bắn hạ máy bay do thám F4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ khi chiếc máy bay này tiến lại gần bờ biển Syria vào năm 2012 cho thấy phản ứng nhanh chóng của hệ thống phòng không Syria.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói: “Những sự kiện gần đây không làm thay đổi đánh giá của chúng tôi về sự tinh vi của hệ thống phòng không Syria”.

Tùng Dương tổng hợp

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.