Lộ chiến dịch bắt cóc Edward Snowden

Lộ chiến dịch bắt cóc Edward Snowden
Những tiết lộ của Edward Snowden đã gây tổn hại không nhỏ cho hai tổ chức tình báo lớn nhất nước Anh. Thế nên dễ hiểu khi Snowden đang bị các điệp viên của MI-6 săn lùng.

Lộ chiến dịch bắt cóc Edward Snowden

> Canada bị tố giúp Mỹ nghe lén Hội nghị thượng đỉnh
> Báo Hà Lan: 'Mỹ giám sát 50.000 máy tính trên thế giới'

Những tiết lộ của Edward Snowden đã gây tổn hại không nhỏ cho hai tổ chức tình báo lớn nhất nước Anh. Thế nên dễ hiểu khi Snowden đang bị các điệp viên của MI-6 săn lùng.

Edward Snowden
Edward Snowden.

Chính quyền London khao khát phát hiện và dẫn độ Snowden về Anh hơn cả Mỹ hay các chính quyền khác trong nhóm tình báo tín hiệu (SIGINT) “Five Eye” (bao gồm 5 quốc gia sử dụng tiếng Anh - Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia). Bởi lẽ những tiết lộ của E.Snowden được cho là gây tổn hại không nhỏ cho các chiến dịch do thám điện tử toàn cầu của hai tổ chức tình báo lớn nhất nước Anh là Cơ quan Tình báo viễn thông (GCHQ) và MI-6 cùng với hai đối tác Mỹ - NSA và Cục Tình báo trung ương (CIA).

Chính quyền của Thủ tướng David Cameron nhấn mạnh: Snowden cũng như những người trợ giúp người này tiết lộ những bí mật tình báo tuyệt mật của GCHQ đích thực là “những tên khủng bố”.

Phản ứng giận dữ của chính quyền Anh trước sự tiết lộ các tài liệu tình báo mật của Edward Snowden thể hiện rõ nét trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội nước này khi 3 ông trùm tình báo - John Sawers của MI-6, Andrew Parker của MI-5 và Iain Lobben của GCHQ - buộc tội Snowden cùng với “những kẻ đồng lõa làm rò rỉ nhiều thông tin không khác nào cách giúp đỡ Al-Qaeda cũng như các tổ chức khủng bố nguy hiểm khác trên toàn cầu”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox thậm chí còn buộc tội những nhà báo tiếp tay cho Snowden đăng tải các tài liệu mật, bao gồm phóng viên tờ The Guardian, là “phần tử khủng bố”.

Chính quyền Anh cho rằng, 3 nhân viên của tờ The Guardian - bao gồm biên tập viên Alan Rusbridge, cựu phóng viên Glenn Greenwald và đối tác người Brazil David Miranda - đã vi phạm các đạo luật chống khủng bố của nước Anh. David Miranda đã bị Anh giam giữ vào ngày 18/8/2013 khi anh đang quá cảnh ở sân bay Heathrow nước này trong hành trình bay từ Berlin (Đức) đến thủ đô Rio de Janeiro của Brazil.

Chính quyền Anh đã tịch thu thiết bị máy tính của Miranda chứa 58.000 tài liệu số do người tố giác Snowden đánh cắp khi đang làm việc cho NSA ở Hawaii.

Tháng 7/2013, chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Evo Morales của Bolivia từ hội nghị thượng đỉnh về năng lượng ở Moskva trở về thành phố La Paz của Bolivia đã bị buộc hạ cánh tại thành phố Vienna nước Áo sau khi tình báo Anh nghi ngờ chiếc máy bay bí mật chở Edward Snowden từ Moskva đến Bolivia.

Thậm chí, Đại sứ Tây Ban Nha ở Áo còn cho lục soát chiếc chuyên cơ để tìm tung tích Snowden. Hành động này của người Tây Ban Nha nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đại sứ quán Anh ở Moskva, Cơ quan đại diện ngoại giao này trước đó đã tiến hành do thám phòng chờ quá cảnh ở sân bay Sheremetyevo của Nga cũng như các đại sứ quán của Moskva ở Bolivia, Venezuela và Ecuador để tìm kiếm Snowden.

3 lãnh đạo tình báo Anh (từ trái qua phải) - Andrew Parker (MI-5), John Sawers (MI-6) và Iain Lobban (GCHQ) trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh
3 lãnh đạo tình báo Anh (từ trái qua phải) - Andrew Parker (MI-5), John Sawers (MI-6) và Iain Lobban (GCHQ) trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh.

Sau khi bay từ Hong Kong đến sân bay quốc tế Sheremetyevo và vạ vật ở sân bay một thời gian, Snowden nhận được quyền tị nạn chính trị tạm thời từ người Nga nhưng sau đó, nơi ở của Snowden luôn được giữ bí mật.

Snowden được tin là nhận được sự bảo vệ chặt chẽ từ các vệ sĩ tư nhân cũng như nhân viên của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Có thông tin cho rằng, mới đây anh được một công ty công nghệ thông tin Nga thuê dụng.

Tháng 10/2013, Anh và Mỹ cùng nhận được thông tin tình báo về cuộc gặp tại một nơi bí mật ở Moskva giữa Snowden và 4 người tố giác khác của Mỹ - Ray McGovern, cựu nhân viên CIA; Colleen Rowley, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI); Tom Drake, cựu nhân viên NSA; và cựu công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ Jesselyn Radack. Nhóm 4 người Mỹ này bay đến Moskva để trao cho Snowden giải thưởng Sam Adams vì “sự liêm chính và trí thông minh”.

Sau khi biết tin Snowden nhận giải thưởng, các sĩ quan tình báo Anh được lệnh đến đại sứ quán Anh ở Moskva để bắt đầu dò tìm nơi trú ẩn của Snowden cùng lịch trình đi lại của anh qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng như siêu dữ liệu thu thập được từ các cuộc gọi điện thoại, thông tin về 4 người Mỹ ở Moskva.

Perry Fellwock, với biệt danh là Winslow Peck được coi là người tố giác đầu tiên của NSA sau khi tiết lộ những chiến dịch do thám của tổ chức này vào năm 1972, mới đây đã rời khỏi bóng tối và bình luận về các tiết lộ gần đây của Edward Snowden.

Chiến dịch xác định nơi ở bí mật của Edward Snowden là một trong những sứ mạng tình báo ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán Anh ở Moskva, bất chấp hành động có thể gây phương hại đến mối quan hệ đang "tan băng" trong thời gian gần đây giữa các cơ quan an ninh và tình báo Anh và Nga. Chiến dịch tìm và bắt cóc - mà người Anh gọi là "dẫn độ" - được giao cho nhân vật số 1 của MI-6 một "chỉ huy an ninh khu vực", đội lốt nhà ngoại giao trong Đại sứ quán Anh ở Moskva.

Trong khi đó, giới chức tình báo Anh cho rằng, lực lượng an ninh Nga - bao gồm FSB - đang dồn sức lực vào sự kiện thể thao Thế vận hội Mùa Đông, khai mạc vào ngày 7/2/2014 ở thành phố Sochi. Theo kế hoạch vạch sẵn, điệp viên MI-6 sẽ chờ đợi thời cơ khi mà FSB lơ là trong công tác bảo vệ Snowden để tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Thế vận hội Mùa Đông.

Lúc đó Moskva và phần còn lại của nước Nga bận rộn đón tiếp hàng chục ngàn khách nước ngoài đến tham dự sự kiện, và đây là dịp thuận lợi cho việc bắt cóc Snowden và nhanh chóng đưa anh ra khỏi biên giới Nga.

Sự tuân thủ những "tế nhị" về mặt ngoại giao vẫn không ngăn cản được "đội quân" gián điệp Anh ở Moskva cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bắt cóc Snowden. Không giống như thời Chiến tranh lạnh, lúc đó các điệp viên phương tây chỉ có cửa ngõ duy nhất vào Nga là đi qua biên giới Phần Lan mà ngày nay đã có nhiều con đường để đưa người ra khỏi đất Nga - như đi qua các quốc gia vùng Baltic (cụ thể là Latvia, Estonia, Lithuania), Belarus và Ukraina

Theo Trang Thuần
Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG