Ba lần Mỹ đem tên lửa Tomahawk leo thang chiến tranh ở Trung Đông

Tổng thống Trump tuyên bố lý do tấn công tên lửa Syria. Nguồn: Reuters.
Tổng thống Trump tuyên bố lý do tấn công tên lửa Syria. Nguồn: Reuters.
14 năm trước, lấy lý do Iraq sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ bất ngờ ném bom Baghdad, lật đổ chế độ Saddam Hussein. Và hôm nay, chỉ sau 77 ngày nhậm chức, Tổng thống Donald Trump lại tiếp tục đi theo “vết xe” của người tiền nhiệm.

Với lý do chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân thường, trong đó có nhiều trẻ em hồi đầu tuần, ông chủ Nhà Trắng đã ra lệnh phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân của nước này ngay trong đêm 6/4.

Một động thái hết sức bất ngờ của chính quyền mới của Hoa Kỳ, khiến cộng đồng quốc tế liên tưởng đến những lần Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq và Libya nhân danh tự do, nhân đạo và giải trừ vũ khí hủy diệt.

Điều khiến thế giới ngạc nhiên hơn nữa là việc dù mới “chân ướt chân ráo” bước vào Nhà Trắng, đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề “đau đầu” cũng như từng nhiều lần phản đối việc Mỹ ném bom Libya, thế nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn quyết định đi theo “vết xe đổ” của những người tiền nhiệm.

Faruk Logoglu, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ cho rằng vụ việc tại Idlib là nhằm phá hoại chính phủ Syria và tiến trình hòa bình.

“Đầu tiên, cần phải nói rằng, tại thời điểm này, chúng ta mới chỉ biết rằng vụ tấn công khủng khiếp trên được tiến hành ở Idlib, rất nhiều người vô tội thiệt mạng, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, ai đã tiến hành vụ tấn công này, họ đã làm như thế nào và tại sao, những điều này vẫn chưa được làm sáng tỏ”, ông Logoglu nhận định.

“Thế nhưng, chúng ta lại thấy một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã tự ý tuyên bố rằng vụ tấn công vũ khí hóa học này là do lực lượng của ông Assad tiến hành.

Song họ không hề cung cấp một chứng cứ nào. Nếu họ có bất kỳ thông tin nào khẳng định tội ác của các lực lượng chính phủ Syria thì họ có thể đem nó ra cho cả cộng đồng quốc tế thấy”, ông nói thêm.

Cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc lại khoảnh khắc cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, giơ cao vật chứng và hình ảnh về các kho chứa vũ khí hóa học không hề tồn tại ở Iraq nhưng đó lại thành cái cớ dẫn đến chiến tranh ở quốc gia này.

Cái cớ thứ nhất: Vũ khí hủy diệt ở Iraq

Mười bốn năm về trước, lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu bất ngờ ném bom Iraq rồi cho lục quân vượt biên giới xâm lược nước này và lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein.

Cuộc chiến Iraq năm đó còn được gọi là Chiến tranh Vùng vịnh lần 2 (do Tổng thống Bush con phát động) để phân biệt với Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 diễn ra năm 1991 (dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bush cha).

Cụ thể, tháng 10/2002, Tổng thống George W. Bush ký khoản chi 355 tỷ USD cho quốc phòng. Lầu Năm Góc được nhận 40 tỷ USD trong số này để chuẩn bị cho cuộc chiến với Iraq.

Ngày 5/2/2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cáo buộc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm chuẩn bị “hành lang” cho cuộc xâm lược sắp xảy ra.

Ba lần Mỹ đem tên lửa Tomahawk leo thang chiến tranh ở Trung Đông ảnh 1

Hình ảnh cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đưa ra bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq năm 2003 trước Hội đồng Bảo an LHQ. Nguồn: AP.

Ngày 20/3/2003, không hề tuyên chiến, liên quân gồm Mỹ, Anh và một số nước bất ngờ tấn công Iraq. Chiến dịch “Tự do Iraq” bắt đầu bằng những loạt bom sấm sét để dọn đường cho lục quân tiến vào Iraq.

Vào thời điểm bấy giờ, có thể nói Mỹ đã thành công trong việc tạo cớ đưa quân vào Iraq. Khi ấy Mỹ một mực khẳng định Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Dù Mỹ và cả Liên Hợp Quốc không thể tìm thấy bằng chứng cho cáo buộc này ngay trước cuộc chiến, cũng không nhận được nghị quyết phê chuẩn của LHQ và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.

Mặc dù Iraq đã tỏ ra hợp tác và cố gắng chứng minh không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ vẫn kiên quyết triển khai kế hoạch. Tuy nhiên, sau khi đã tiến quân vào Iraq và lật đổ được ông Saddam Hussein, Mỹ và đồng minh vẫn không tài nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây để biện minh cho cuộc chiến.

Ba lần Mỹ đem tên lửa Tomahawk leo thang chiến tranh ở Trung Đông ảnh 2

Tổng thống Bush năm 2008 đã phải thừa nhận sai lầm của mình trong cuộc chiến tại Iraq. Nguồn: Daily Maverick.

Đến năm 2008, khi sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Bush đã thú nhận trên kênh truyền hình ABC rằng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm Tổng thống của ông. Dẫu vậy, ông vẫn bảo vệ quyết định để lại quân Mỹ ở Iraq.

Đến năm 2009, đến lượt Thủ tướng Anh Tony Blair, đồng minh thân cận của Mỹ trong Chiến tranh Iraq, thừa nhận “lấp lửng” trên BBC rằng dù cho Iraq năm 2003 không có vũ khí hủy diệt hàng loạt thì ông vẫn ủng hộ cuộc chiến nhằm loại bỏ Saddam Hussein.

Cái cớ thứ hai: Vì nhân đạo ở Libya

Sáng 20/3/2011, Mỹ và Anh đã mở đầu cuộc tấn công vào Libya bằng 112 tên lửa hành trình Tomahawk vào 20 mục tiêu ở nước này. Thế giới khi đó không khỏi ngạc nhiên khi Washington lại quan tâm đến tình hình chính trị ở quốc gia Bắc Phi cách gần nửa Trái đất.

Ba lần Mỹ đem tên lửa Tomahawk leo thang chiến tranh ở Trung Đông ảnh 3

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chụp ảnh cùng các binh lính Libya năm 2011. Nguồn: Reuters.

Tổng thống Obama lúc bấy giờ biện minh mạnh mẽ cho hành động can thiệp của Mỹ tại Libya, cho rằng khi những lợi ích và giá trị của Mỹ đang lâm nguy và “chúng ta có trách nhiệm phải hành động”.

Ông Obama nói: “Lưu tâm đến những rủi ro và chi phí cho hành động quân sự, chúng ta đương nhiên miễn cưỡng sử dụng vũ lực để giải quyết nhiều thách thức trên thế giới. Nhưng khi những lợi ích và giá trị của Mỹ bị đe dọa, chúng ta có trách nhiệm hành động. Đó là những gì đã xảy ra ở Libya trong sáu tuần qua”.

“Chúng ta sẽ cấm vận vũ khí, cắt nguồn cung cấp tiền mặt, hỗ trợ phe đối lập và hợp tác với các quốc gia khác để đẩy nhanh ngày Gaddafi phải từ bỏ quyền lực”, báo Anh Guardian dẫn lời ông Obama.

 “Chúng ta đã đi con đường đó ở Iraq. Nhưng sự thay đổi chế độ ở đó mất tám năm, hàng nghìn sinh mạng người Mỹ, người Iraq và gần 1.000 tỉ USD. Chúng ta không thể chấp nhận lặp lại điều đó tại Libya”, ông Obama cho biết.

Và như vậy, sau Iraq, đến lượt Libya rơi vào biển máu. Một chiến dịch bắt nguồn bằng lý do nhân đạo thì nay đã trở thành lò lửa nóng bỏng ngay sát sườn châu Âu dù đã hơn 6 năm trôi qua.

Ba lần Mỹ đem tên lửa Tomahawk leo thang chiến tranh ở Trung Đông ảnh 4

Cuộc chiến tại Libya sau khi lật độ chế độ Muammar Gadhafi đã rơi vào hỗn loạn, trở thành chiến địa tranh giành quyền lực, giết hại con người và là cơ hội cho tổ chức khủng bố IS gia tăng sức mạnh. Nguồn: WorldPress.

Khi còn nắm quyền, cựu lãnh đạo Lybia Muammar Gadhafi thắt chặt kiểm soát khu vực bờ biển để ngăn dòng người tị nạn đổ sang châu Âu. Nhưng ngay sau khi chính quyền Gadhafi bị lật đổ, một Libya hỗn loạn trở thành cửa ngõ để hàng triệu người di cư và tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi ùa tới, vượt Địa Trung Hải vào châu Âu với giấc mơ đổi đời. Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II nổ ra.

Thế nhưng, điều tồi tệ nhất không chỉ có vậy, tận dụng cơ hội, tổ chức khủng bố IS vươn vòi bạch tuộc tới Libya, nhanh chóng chiếm giữ thành phố Sirte, rồi kiểm soát gần 300 km đường bờ biển, chỉ cách Italy vài trăm km. Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận. IS đã trở thành là mối hiểm họa của cả thế giới.

Tháng 4/2016, ông Obama mô tả điều ông nuối tiếc nhất là Mỹ và NATO đã không lên một kế hoạch thiết lập trật tự ở Libya sau chiến dịch can thiệp quân sự lật đổ ông Gadhafi. Như vậy, chính quyền Obama cùng Pháp và Anh cũng đã lặp lại sai lầm của chính quyền cựu tổng thống Mỹ George W. Bush sau cuộc xâm lược Iraq hồi năm 2003.

Chuyên gia Sarah Brockmeier thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (Đức) nhận định có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách, các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự ở Mỹ, Pháp và Anh cũng nên ngồi lại, phân tích các bước đi thảm họa trước, trong và sau chiến dịch Libya để rút ra bài học và tránh một tấm thảm kịch tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, khi cuộc hội thảo “trong mơ” như chuyên gia Brockmeier gợi ý vẫn chưa diễn ra thì một lần nữa, nước Mỹ tiếp tục đóng vai “kẻ xâm lược”, nhân danh cường quốc bảo vệ tự do, hòa bình và nhân đạo của thế giới để khơi mào một cuộc chiến tranh mới trong lòng một quốc gia vốn vẫn đang bị băm nát bởi chiến tranh.

Sau loạt tên lửa Tomahawk mà Mỹ tấn công Syria sáng sớm nay, dù còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng, song khó có thể phủ nhận đây sẽ là một “thảm kịch” tiếp theo của Nhà Trắng trong ba đời Tổng thống liên tiếp.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG