Bộ mô hình khí tài độc nhất vô nhị

Học sinh Nguyễn Chí Thanh tranh thủ thời gian rảnh để thiết kế, lắp đặt mô hình khí tài quân sự.
Học sinh Nguyễn Chí Thanh tranh thủ thời gian rảnh để thiết kế, lắp đặt mô hình khí tài quân sự.
TP - Nguyễn Chí Thanh, học sinh lớp 12A2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi, TPHCM, đã tận dụng những tấm bìa carton bỏ đi để chế thành bộ sưu tập mô hình khí tài quân sự có một không hai.

Tàu sân bay Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Mô hình tàu sân bay, máy bay, tuần dương hạm, khu trục hạm… được cậu học trò 17 tuổi Nguyễn Chí Thanh tự mày mò thiết kế, lắp ghép những lúc rảnh rỗi. Bộ sưu tập này gần như chiếm hết chỗ trong căn nhà  nhỏ của Thanh ở ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM.

Về bộ sưu tập của mình, Thanh cho biết, các chiến hạm đều được đặt tên theo các vị anh hùng dân tộc, danh tướng như Lê Đại Hành, Quang Trung, Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng… “Mỗi loại khí tài quân sự có một đặc điểm riêng, nhưng tất cả đều được cải tiến để nâng cao sức chiến đấu nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”, Thanh nói.

“Bộ sưu tập của em đã có 1 tàu sân bay, 15 tàu bảo vệ, 56 máy bay chiến đấu. Ban đầu, em chỉ muốn làm để xả stress sau những ngày học căng thẳng, nhưng càng làm em càng đam mê nên giờ em quyết tâm học để vào được Học viện Hải quân Việt Nam”. 

Nguyễn Chí Thanh, học sinh lớp 12A2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, huyện Củ Chi, TPHCM

Trong số mô hình khí tài, Thanh tâm đắc nhất với tàu sân bay mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Tàu dài 2,28m, rộng 75cm, cao 76 cm được làm hoàn toàn từ bìa thùng carton. Trên tàu có 5 loại máy bay khác nhau gồm máy bay tiêm kích chủ lực, máy bay tìm và phá sóng ra đa, máy bay cảnh báo sớm, máy bay săn ngầm và trực thăng cứu hộ. Ngoài ra, tàu còn được hỗ trợ 4 hệ thống cơ học là những thanh trượt được đặt trên hai khe. Khi kéo, thanh trượt sẽ trả về và đẩy máy bay bay về phía trước. Tất cả hệ thống vận hành rất đơn giản theo môn vật lý mà em được học, sau đó dùng những chiếc ống hút, sợi dây thun để làm ra”, Thanh kể. Nói xong, Thanh lấy một chiếc máy bay, kéo trên đường băng, sau đó thả ra thì chiếc máy bay vọt thẳng ra ngoài 2m với vận tốc rất nhanh. Toàn bộ tàu sân bay này được Thanh thiết kế trong mấy tháng trời.

Các tàu chiến khác nhau về hình dạng chức năng nhưng tất cả đều có điểm chung là treo cờ đỏ sao vàng và mang 4 chữ Hải quân Việt Nam (viết tắt là HQVN).

Về công đoạn làm mô hình, đầu tiên là tìm hiểu thông tin, hình ảnh tàu chiến, máy bay qua internet, sau đó vẽ ra trên giấy, rồi mô phỏng từng góc, từng chức năng khác nhau để thiết kế… “Việc này cực kỳ khó, em phải vận dụng rất nhiều kiến thức trong hình học, logic học, vật lý, tính toán… bởi hình trên mạng chỉ là bề ngoài, còn một bộ khung bên trong không hề nhìn thấy”, Thanh nói.

Hiện tại, Thanh lên kế hoạch đóng tiếp một tàu sân bay cỡ lớn, mang tên Lý Thái Tổ với nhiều chức năng, kỹ thuật hiện đại hơn các tàu hiện có.

Bộ mô hình khí tài độc nhất vô nhị ảnh 1
Bộ mô hình khí tài độc nhất vô nhị ảnh 2
Bộ mô hình khí tài độc nhất vô nhị ảnh 3

Một phần bộ sưu tập.

Mơ ước thành kỹ sư quân sự

Thanh là anh cả trong gia đình có ba anh em, bố làm công nhân còn mẹ ở nhà nội trợ, nên kinh tế tương đối khó khăn. Để thực hiện đam mê của mình, Thanh phải đi xin những miếng carton ở các quầy tạp hóa trong  xã, còn keo dán, giấy màu, cờ Tổ quốc, Thanh tiết kiệm từ tiền ăn, tiêu vặt để mua.

Ngoài ra, do là năm cuối cấp, chuẩn bị cho kỳ thi đại học nên chỉ có những ngày cuối tuần, Thanh mới có thời gian rảnh để tập trung cho đam mê của mình. Thanh kể: “Suốt 12 năm qua chưa bao giờ em được đi học thêm một ngày nào, tất cả đều do em tự học, tự tìm tòi nên nhiều lúc cũng đuối sức để theo đuổi các bạn trong lớp. Tuy nhiên, bằng niềm tin và niềm đam mê khoa học quân sự, em quyết chí sẽ thi vào Học viện Hải quân Việt Nam để sau này trở thành một kỹ sư quân sự, phục vụ đất nước”.

MỚI - NÓNG