Bộ trưởng Quốc phòng: Giữ vững hình ảnh quân đội khi làm kinh tế

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Viettel, sáng 7/7.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Viettel, sáng 7/7.
TPO - Đó là khẳng định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, tại buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, ngày 7/7, với sự tham dự của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Kinh doanh đúng quy định của pháp luật

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, quân đội còn có chức năng quan trọng là đội quân lao động sản xuất. Chức năng này đã được hoàn thành xuất sắc.

Cụ thể, sau cuộc kháng chiến chống Pháp, có 7 vạn cán bộ, chiến sĩ đã chuyển sang làm kinh tế, tham gia trực tiếp vào hàng loạt khu công nghiệp như khu công nghiệp Việt Trì, khu gang thép Thái Nguyên, đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải và khoảng gần 30 nông trường. Nhiều nghị quyết của Đảng thời kỳ ấy cũng xác định quân đội tham gia làm kinh tế và đã làm tốt. Gần đây, quân đội phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng. Các binh đoàn của Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp của các quân khu đã đưa hàng vạn hộ dân lên các điểm định cư, địa bàn mới để sinh sống lâu dài, tạo thế bố trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng an ninh.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng cho hay, những năm qua, các doanh nghiệp quân đội không ngừng hội nhập, gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp quân đội còn đầu tư cả ở nước ngoài và trở thành đối tác kinh tế quốc tế có uy tín.

Bộ trưởng Quốc phòng: Giữ vững hình ảnh quân đội khi làm kinh tế ảnh 1 Đại tướng Ngô Xuân Lịch (ngoài cùng bên trái) cùng các tướng lĩnh quân đội tham quan một số khí tài công nghệ cao do Viettel nghiên cứu, sản xuất.

"Nói như vậy để thấy nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội trong mọi thời kỳ", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng cũng tự hào khi Viettel là một trong 30 công ty lớn nhất thế giới về số lượng khách hàng, liên tục đứng đầu doanh thu, là một tập đoàn kinh tế có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước. Là nhân tố chính tạo ra sự bùng nổ viễn thông tại Việt Nam, giúp đất nước đạt được mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông trước kế hoạch, Viettel hiện cũng đã tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Nhiều trang bị kỹ thuật cao như máy thông tin, rada, hệ thống quản lý vùng trời, hệ thống tự động hoá chỉ huy... đã được Viettel cung cấp. Trong đó có nhiều dòng trang thiết bị đã đáp ứng từ 50% - 70%, thậm chí 100% nhu cầu của quân đội, giúp đất nước và quân đội giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài, đồng thời đảm bảo khả năng chủ động và bảo mật cao trong trang bị, sử dụng.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng, thời gian tới, trách nhiệm chính trị của Đảng bộ Quân đội là phải làm tốt và tốt hơn, phấn đấu có “nhiều Viettel nữa". Đồng thời, giữ vững hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên lĩnh vực lao động sản xuất, kết hợp kinh tế với quốc phòng để chứng minh chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng là đúng đắn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp quân đội phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, làm sao chất lượng tốt, thương hiệu mạnh, có uy tín, sản xuất kinh doanh đúng quy định của pháp luật, làm chủ về tài chính…

"Chúng tôi hứa với Đảng, với nhân dân là trong bất cứ hoàn cảnh nào quân đội vẫn giữ vững truyền thống, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân", Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.

Bộ trưởng Quốc phòng: Giữ vững hình ảnh quân đội khi làm kinh tế ảnh 2 Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Viettel.

Doanh nghiệp quân đội và bên ngoài bình đẳng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng khẳng định, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay cuộc cách mạng 4.0, thì viễn thông, công nghệ thông tin, tiếp tục đóng vai trò quyết định sự thành công, là nền tảng của cuộc cách mạng này.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, sau 30 năm thành lập, Viettel đã đặt một dấu ấn rất quan trọng, tạo ra chuyển biến bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ngành viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam. Không chỉ đóng góp cho đất nước ở góc độ kinh tế mà Viettel còn có những nghiên cứu giá trị, làm nền tảng cho sản xuất công nghiệp quốc phòng, mang dấu ấn Việt Nam, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đóng góp cho nền kinh tế từ doanh thu của Viettel cũng rất lớn. Năm 2016, nếu doanh thu 5 doanh nghiệp hàng đầu của ngành thông tin và truyền thông (gồm Viettel, VNPT, Mobifone, VTC, VNPost) là 417.335 tỷ thì riêng Viettel có doanh thu 256.558 tỷ. Và khoản nộp ngân sách của 5 doanh nghiệp này là 49.469 tỷ thì Viettel đã nộp 40.396 tỷ.

Nói về những đóng góp và tính tiên phong của Viettel, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra dẫn chứng về xử lý tin nhắn rác và sim rác, nếu không có Viettel đồng hành cùng thì rất khó xử lý. Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên tự đưa ra giải pháp chặn tin nhắn rác, và từ kinh nghiệm, giải pháp của Viettel, hiện nay ngành thông tin và truyền thông đã yêu cầu tất cả các nhà mạng phải thực hiện điều này để bảo vệ khách hàng.

Là công ty mạnh về công nghệ thông tin, đầu tư nhiều cho an ninh mạng, tác chiến mạng, phát triển nhiều công cụ an ninh mạng, Viettel đã chủ động nhận nhiệm vụ này, đến nay đã có được một lực lượng chuyên gia đông tới hàng trăm người, được tin tưởng giao cho bảo vệ các vị trí trọng yếu của đất nước và quân đội, phát triển được những công cụ tác chiến trên không gian mạng của riêng Việt Nam.

“Không chỉ trong nước, mà quốc tế cũng phải công nhận, một số doanh nghiệp quân đội thực sự có uy tín, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế. Điển hình như Viettel, Binh đoàn 18, Tân cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội. Nếu chọn 10 doanh nghiệp hàng đầu của cả nước thì chắc chắn các doanh nghiệp của quân đội sẽ chiếm phân nửa”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Ông Trương Minh Tuấn cũng chia sẻ, có nhiều ngành nghề kinh doanh khó khăn, không có lãi, thậm chí gắn liền với nguy hiểm, chẳng hạn như sản xuất vật liệu nổ, xử lý bom mìn… Và ở ngay các vị trí bất lợi như biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa thì hầu hết các doanh nghiệp ngoài quân đội khó tham gia, thậm chí không tham gia. Nhưng các doanh nghiệp quân đội lại lao vào như đã từng lao vào cuộc chiến để chặn đứng chiến tranh. Và thực tiễn 70 năm qua, quân đội đã chứng minh hùng hồn và khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng về quan điểm chủ trương kết hợp kinh tế quốc phòng an ninh.

“Gần đây, ta thấy trên mạng xã hội có một số nhận thức không đúng về việc quân đội làm kinh tế. Ngoài các quan điểm sai trái, phản động, còn có một số quan điểm là “nước sông công lính”, lợi thế đất đai, xe cộ phương tiện… cho rằng quân đội có nhiều lợi thế hơn trong việc sản xuất kinh doanh. Nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp quân đội đều bình đẳng với các doanh nghiệp bên ngoài, thượng tôn pháp luật, giao nộp ngân sách, nộp thuế không chỉ đúng quy định mà còn luôn luôn gương mẫu”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG