Bóng ma quá khứ buộc Nga phải rút oanh tạc cơ khỏi Iran

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters.
Nga và Iran đều muốn xích lại gần nhau để chống kẻ thù chung, nhưng nỗi ám ảnh từ lịch sử khiến cả hai thiếu đi niềm tin cần thiết cho quan hệ đồng minh.

Ngày 23/8, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi với giới quân đội, khi lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan vì đã "phát ngôn không phù hợp" khi đề cập đến hoạt động quân sự của Nga ở nước này.

Giới phân tích cho rằng những tranh cãi trong giới tinh hoa ở Tehran phản ánh cái nhìn không nhất quán của giới chức nước này đối với Moscow, một "thù cũ, bạn mới" của họ, buộc Nga phải chấm dứt sớm chiến dịch triển khai oanh tạc cơ chiến lược ở căn cứ quân sự Hamadan của Iran để không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trước đó, đại tướng Dehghan, đã gây bất ngờ khi lên tiếng chỉ trích hành động "bội tín" của Nga về việc công khai thông tin oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 của nước này xuất kích từ căn cứ Hamadan để ném bom IS, đồng thời yêu cầu Moscow chấm dứt hành động này.

Nỗi sợ lịch sử

Theo những gì tướng Dehghan đưa ra, có vẻ như ban đầu Iran và Nga đã thống nhất giữ bí mật về việc máy bay quân sự Nga được triển khai đến Hamadan để không kích IS. "Các lãnh đạo Iran rõ ràng đã thấy bẽ mặt với tuyên bố của Nga", Nasser Zamani, chuyên gia phân tích về tình hình Iran, nói. "Họ biết rằng người Iran cực kỳ nhạy cảm với việc cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ, điều chưa từng xảy ra cho đến nay".

Tuy nhiên, theo Amir Taheri, cựu tổng biên tập tờ Kayhan và là chuyên gia phân tích chính trị của Iran, bí mật này rất khó giữ, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin rất muốn cho cả thế giới thấy rằng Nga đang quay trở lại một cách mạnh mẽ ở Trung Đông với tư cách là một siêu cường có ảnh hưởng lớn. Thế nhưng điều đó lại đẩy các quan chức Iran vào thế khó, bởi tâm lý "sợ Nga" mang đậm yếu tố lịch sử ở quốc gia Hồi giáo này.

Chỉ vài giờ sau khi Nga tuyên bố triển khai Tu-22M3 ở Hamadan, nhiều nghị sĩ Iran đã lên tiếng phản đối, cho rằng sự hiện diện quân sự của Nga ở nước này vi phạm Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo, trong đó quy định cấm bất cứ quân đội nước ngoài nào sử dụng lãnh thổ Iran, kể cả cho mục đích hòa bình như cứu trợ nhân đạo.

Để xoa dịu căng thẳng, Chủ tịch Quốc hội Larijani phải tuyên bố rằng Iran không "trao" căn cứ cho Nga, mà chỉ cho không quân nước này sử dụng các cơ sở hạ tầng của Iran. Ông này khẳng định các máy bay Nga chỉ "tiếp nhiên liệu" và xuất hiện tạm thời ở Hamadan, không đóng quân lâu dài tại đây.

Tâm lý "sợ Nga" ở Iran bắt nguồn từ những cuộc chiến mà các Sa hoàng phát động chống lại vương quốc Persia đã suy yếu trong giai đoạn cuối thế kỷ 18 tới năm 1830, sáp nhập một phần lãnh thổ Iran ở vùng Caucasus và Trung Á vào Nga. Peter Đại đế và Catherine Đại đế luôn ấp ủ giác mơ sáp nhập toàn bộ Iran, để Nga có thể vươn được ra Ấn Độ Dương.

Năm 1941, Liên Xô đưa quân vào Iran, sử dụng lãnh thổ nước này như một tuyến vận chuyển đồ tiếp vận cho lực lượng Hồng quân tấn công phát xít Đức ở châu Âu. Sau Thế Chiến II, Moscow từ chối rút quân khỏi hai tỉnh của Iran là Azerbaijan và Kurdistan, với ý đồ biến chúng thành các thực thể độc lập và sáp nhập vào Liên Xô.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ lúc đó, Iran đã gây sức ép liên tục, đe dọa sẽ phát động chiến tranh khu vực, buộc Liên Xô phải rút quân đội khỏi hai địa phương này. Đến thập niên 1960, Iran trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, trong khi Liên Xô vẫn tìm cách gây sức ép buộc Iran phải xa rời phương Tây, bằng cách ủng hộ các chính quyền Arab ở Ai Cập, Libya, Syria và Iraq phát động cuộc chiến tuyên truyền chống chế độ quân chủ Tehran.

Hai đối thủ này chỉ trở thành "cựu thù" vào năm 1979, khi các giáo sĩ Hồi giáo Iran, dưới sự hậu thuẫn của các tổ chức cánh tả, phát động cách mạng Hồi giáo, đưa đại giáo chủ Ayatollah Khomeini lên nắm quyền, với câu khẩu hiệu nổi tiếng "Không Tây cũng chẳng Đông". Người kế nhiệm ông là Ali Kamenei hồi đầu năm nay đã thay đổi khẩu hiệu đó thành "Hướng Đông", ám chỉ việc ngả sang về phía Nga trong bối cảnh bóng ma của Chiến tranh Lạnh đang dần tái xuất trên thế giới.

Bóng ma quá khứ buộc Nga phải rút oanh tạc cơ khỏi Iran ảnh 1

Oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga triển khai ở căn cứ Hamadan. Ảnh: Sputnik.

Chưa đặt hết niềm tin

"Chiến lược Hướng Đông là một hình thức tìm kiếm sự bảo trợ", Ali-Akbar Velayati, cựu ngoại trưởng Iran, cố vấn của ông Kamenei, tuyên bố. "Chúng ta biết rằng trật tự thế giới cũ đã tan vỡ và không ai, kể cả người khôn ngoan nhất, biết được điều gì sẽ xảy ra. Trong thời kỳ bất định như vậy, tốt hơn hết là có một đồng minh mạnh".

Quan điểm này của ông Velayati phần nào thể hiện mối quan hệ nồng ấm hiện nay giữa Nga và Iran, trong đó có quyết định chưa từng có tiền lệ cho phép Nga triển khai oanh tạc cơ, tiêm kích đến căn cứ quân sự nước này để chống kẻ thù chung là phiến quân IS ở Syria.

"Quan hệ của chúng tôi với Nga mang bản chất chiến lược. Trong cuộc chiến chống kẻ thù chung, tất cả căn cứ của chúng tôi đều mở cửa với Nga", chuẩn đô đốc Ali Shamkhani, tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, tuyên bố hồi tuần trước.

Theo Velayati, ông Khamenei tin rằng Nga có thể giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo Iran xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông, và đây cũng là mục tiêu mà Nga đang hướng tới trong quá trình lấy lại hình ảnh cường quốc của mình.

Đổi lại, Iran hy vọng mối quan hệ với Nga sẽ giúp họ phá vỡ thế cô lập trong khu vực, gia tăng ảnh hưởng lên các nước láng giềng, và ép những đồng minh bị Mỹ bỏ rơi như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng ảnh hưởng của họ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng mối quan hệ hiện nay giữa Iran và Nga chỉ là "tuần trăng mật tạm thời". "Iran và Nga hợp tác với nhau vì cả hai đều không muốn phe của mình bị đánh bại ở Syria", giáo sư Sadeq Ziba-Kalam thuộc Đại học Tehran nhận định. "Cả Tehran và Moscow đều muốn lợi dụng cơ hội Mỹ rút khỏi Trung Đông để tìm cách lấp chỗ trống".

Chuyên gia này cho rằng việc Nga sử dụng căn cứ không quân Hamadan của Iran để không kích IS chỉ là một hành động mang tính biểu tượng cho quan hệ giữa hai nước, mà không mang lại nhiều giá trị chiến lược trên chiến trường. Bởi vậy, khi vấp phải phản ứng từ dư luận Iran, Nga sẵn sàng rút oanh tạc cơ khỏi căn cứ này để tránh những tổn thất lâu dài.

Chuyên gia Taheri cho rằng vụ việc trên là một minh chứng cho thấy mối quan hệ đồng minh Nga – Iran hiện nay tồn tại một nhược điểm cố hữu, đó là sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên, sản phẩm của mối thù địch kéo dài trong quá khứ, khi cả hai đều chưa thể quên giai đoạn lịch sử được viết nên bởi xung đột, chiến tranh, bạo lực và máu.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG