“Cá mập bay” Trung Quốc lần đầu tập trận trên biển Đông

Máy bay chiến đấu J-15 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một đợt tập trận ở biển Đông hôm thứ Hai. Ảnh: CNS
Máy bay chiến đấu J-15 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một đợt tập trận ở biển Đông hôm thứ Hai. Ảnh: CNS
TP - Các chiến đấu cơ biệt danh “cá mập bay” cùng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc thực hiện chuyến tập trận đầu tiên trên biển Đông hôm 2/1. Trong khi đó, báo chí Mỹ đưa tin, nước này có thể sẽ đưa một số vũ khí lớn đến biển Đông.

"Cá mập bay” J-15 thực hiện các hoạt động tập trận khi tàu sân bay đi trên vùng biển động, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đưa tin. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, và các phương tiện hộ tống đang thực hiện hàng loạt cuộc tập trận kể từ cuối tháng 12/2016, bao gồm tập trận bắn đạn thật trên biển Bột Hải và tuần tra trên vùng Tây Thái Bình Dương, gần quần đảo Okinawa của Nhật Bản và gần Đài Loan, sau đó dừng chân ngắn ở đảo Hải Nam trước khi đi vào biển Đông.

Tàu sân bay sẵn sàng chiến đấu

Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, và Đô đốc Miêu Hoa, Chính ủy Hải quân Trung Quốc, có mặt trên tàu trong đợt hoạt động mới nhất. Trang web chính thức của Hải quân Trung Quốc đăng tải hàng loạt bức ảnh chụp hoạt động của nhóm tàu Liêu Ninh và ca ngợi các chiến đấu cơ thực hiện những cuộc tập trận trên tất cả các vùng biển gần Trung Quốc. “So với biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông, khí hậu và các điều kiện trên biển Đông phức tạp hơn… gây ra nhiều thách thức với các chiến đấu cơ khi thực hiện nhiệm vụ cất và hạ cánh”, trang web viết.

Sau những hoạt động tập trận và huấn luyện trên nhiều vùng biển gần Trung Quốc, tàu Liêu Ninh đã phát triển từ phương tiện huấn luyện lên mức sẵn sàng tham chiến, Xinhua dẫn lời ông Wang Xiaowei, Phó chủ nhiệm đơn vị không quân của tàu sân bay, nói.

Các máy bay chiến đấu J-15 do Trung Quốc tự sản xuất dựa trên mẫu Sukhoi Su-33 do Nga thiết kế đã tập thực hiện nhiệm vụ tái nạp nhiên liệu trên không, diễn tập nhiệm vụ khẩn cấp như tiếp cận hụt và hạ cánh rồi cất cánh ngay, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin. Những hoạt động hôm 2/1 thuộc giai đoạn huấn luyện thứ hai của tàu Liêu Ninh trên biển Đông, nơi Trung Quốc vẫn chưa chịu từ bỏ các yêu sách chủ quyền trái pháp luật quốc tế của họ.

Mỹ có thể đưa vũ khí lớn đến biển Đông

Tạp chí Mỹ National Interest vừa đưa tin, nước này có thể sắp đưa một số vũ khí lớn đến biển Đông. Các nhà hoạch định và chiến lược quân sự Mỹ đang xem xét các phương thức sử dụng hệ thống vũ khí hiện nay theo cách mới trên khắp thế giới, trong đó có khả năng đặt các bệ pháo di động trên một số khu vực ở biển Đông, để nếu cần thiết có thể hoạt động như vũ khí phòng không để bắn hạ rốc-két và tên lửa hành trình. Ngoài biển Đông, các hệ thống pháo di động phòng không cũng có thể hữu ích ở những khu vực khác như Trung Đông và Đông Âu, các quan chức Mỹ cho biết.

Đối với biển Đông, Mỹ đang có quan hệ phức tạp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc. Việc Trung Quốc gần đây đưa tên lửa đất đối không ra các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên biển Đông khiến căng thẳng leo thang và khiến các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc phải tính đến nhiều phương án, nhưng chưa phương án nào được quyết, giới chức Mỹ cho biết.

Mỹ lâu nay vẫn phản đối quân sự hóa trên biển Đông và nhấn mạnh, các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này cần được giải quyết hòa bình, thông qua con đường ngoại giao. Lầu Năm Góc cũng công bố sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông. Nhưng Mỹ cũng có thể tìm cách đưa thêm các hệ thống vũ khí phòng thủ và tấn công đến khu vực, do đó, Mỹ cần sự hợp tác chặt chẽ hơn của các đồng minh. Tuy nhiên, điều này sẽ liên quan đến việc triển khai một hệ thống vũ khí mà trong lịch sử từng được dùng để tấn công trên bộ. Đó là pháo M777 Howitzer hay Paladin bắn đạn pháo 155m.

 “Chúng tôi có thể sử dụng các hệ thống Howitzer và loại pháo 155m để hạ các vật thể tiến đến, khi có ai đó tìm cách tấn công chúng tôi từ trên không ở cự ly dài, bằng rốc-két và tên lửa hành trình”, National Interest dẫn lời một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ. Quan chức này cho biết, hệ thống Howitzer có thể di động để đối phó rốc-két đang bay tới. Lợi thế của hệ thống vũ khí này là dễ di chuyển, dễ tránh các vụ tấn công của kẻ thù. “Hệ thống Howitzer có thể đi bất kỳ đâu. Đây là cách thay đổi một hệ thống phòng vệ và sử dụng nó vào hai mục đích”, vị quan chức giải thích. “Điều đó mở ra những cơ hội và lựa chọn mà trước đây chúng tôi không có khi sử dụng các phương tiện phòng vệ di động và phương tiện tấn công”, ông nói.

Các quan chức của Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận triển vọng cộng tác với các đồng minh để mang những hệ thống như Howitzer đến biển Đông, nhưng họ nói rằng, Mỹ đang gia tăng hợp tác với các đồng minh trong khu vực. “Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh của chúng tôi để phát triển năng lực an ninh trên biển”, ông Bill Urban, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói.

Khả năng sử dụng những hệ thống vũ khí hiện tại theo cách mới hoàn toàn phù hợp với sự thành lập của Văn phòng Năng lực chiến lược (SCO) mà Lầu Năm Góc thông báo gần đây. SCO có nhiệm vụ xem xét tích hợp các công nghệ tiên tiến với các hệ thống vũ khí hiện tại, hay đơn giản là thay đổi những hệ thống vũ khí hiện tại để sử dụng vào nhiều việc hơn.

Nga sẽ tập trận chung trên biển Đông

Hải quân Nga hôm qua thông báo sẽ sớm tập trận chung với Philippines trên biển Đông, tập trung vào hoạt động chống cướp biển và khủng bố, Moscow Times đưa tin. Ngoài ra, Hải quân Nga có kế hoạch tập trận chung với Trung Quốc và Malaysia trên biển Đông. “Chúng tôi rất hy vọng rằng, trong một vài năm tới, các cuộc tập trận chung của chúng tôi ở biển Đông không chỉ giới hạn với Philippines mà còn với Trung Quốc và có thể với cả Malaysia”, Chuẩn đô đốc Eduard Mikhailov, Phó Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, nói với báo giới.

Chính khách Úc chỉ trích Bắc Kinh

Thượng nghị sĩ Úc Eric Abetz hôm qua nói với The Australian Financial Review: “Các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông gây nguy hiểm cho sự ổn định của châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta cần thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình, bao gồm việc tham gia các chiến dịch (bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông)”. Ông kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull cân nhắc phối hợp với Mỹ thực hiện các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, tự do bay gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews thúc giục Thủ tướng Turnbull xúc tiến thảo luận với phía Mỹ và các đồng minh khác về một chiến lược mới để đảm bảo tự do đi lại ở biển Đông. Theo ông Andrews, nếu thiếu một chiến lược hiệu quả, Bắc Kinh sẽ lấn tới.

Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân trên biển Đông

Ngày 3/1, trang tin Mỹ The Daily Caller đưa tin, Trung Quốc vừa khởi công xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Đông. Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc tuyên bố, nhà máy này và các nhà máy tương tự sẽ cung cấp điện cho các khu vực biệt lập ở biển Đông. Nhiều chuyên gia đối ngoại cho rằng, Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân loại này nhằm củng cố yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ đối với khu vực tranh chấp trên biển Đông. Theo báo Trung Quốc China Daily, các lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển sẽ “cung cấp năng lực cho hoạt động khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi, phát triển đảo”. Báo Trung Quốc Global Times hồi tháng 4 đưa tin, các lò phản ứng nổi “có thể cung cấp nguồn điện ổn định cho các hệ thống vũ khí phòng thủ, sân bay, bến cảng trên các đảo ở biển Đông”.

MỚI - NÓNG