Bản hùng ca đầu sóng - Bài cuối:

Cái chết nhẹ tựa lông hồng

Toàn đội tiến hành kéo thủy lôi vào bờ 14/5/1972.
Toàn đội tiến hành kéo thủy lôi vào bờ 14/5/1972.
TP - Đoán biết trước thế nào đế quốc Mỹ cũng đem thủy lôi và bom từ trường thả xuống các cửa sông, cửa biển miền Bắc nên ngay từ những ngày đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh Hải quân đã họp bàn kế hoạch chống phong tỏa. Đồng chí Hoàng Trà, Bí thư Đảng ủy Quân chủng chủ trì, truyền đạt điện của Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu trả lời 2 vấn đề: Có thực sự là địch thả thủy lôi không? Nếu đúng thủy lôi thì thuộc loại thủy lôi gì?.

Gian nan tìm đáp án

Để trả lời câu hỏi này, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Trương Thế Hùng chỉ huy và 2 cộng sự là ông Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Vê tổ chức lực lượng lặn mò tìm thủy lôi.

Ông Trương Thế Hùng kể lại: Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Ngày 11 và 12/5/1972, tôi trực tiếp chỉ huy 1 tổ người nhái lặn mò giữa sông Bạch Đằng nhưng không phát hiện thủy lôi. Sang đến sáng ngày 13/5/1972, thủy lôi đã vào trạng thái nguy hiểm. Lúc này Trung đoàn 171 Hải quân điều một ca nô và 1 phân đội công binh chuyển sang xăm tìm ven sông và trên cạn. Một ngày vất vả nữa trôi qua vẫn không thấy dấu vết của thủy lôi địch. Chiều hôm đó, khi chúng tôi trở về qua Đồn 34 Công an vũ trang Tràng Cát (Hải Phòng) thì được biết có một ngư dân ở Tràng Cát nhặt được một cái dù thủy lôi ở gần đèn Nơm. Chúng tôi đã xác định, đây là dù thủy lôi MK-52.

Nhận được tin vui này, sáng hôm sau 3 đồng chí Hùng, Huấn, Vê đi ca nô đến đèn Nơm. Ra đến ngã ba sông Đào, chân vịt ca nô bị cuốn vào dây cáp, tổ trinh sát phải lội lên bờ băng qua bãi sú đảo Đình Vũ, bơi qua các vũng nước sâu ngập đầu hướng ra đèn Nơm.

Đến đèn Nơm, chúng tôi phát hiện ra quả thủy lôi chui sâu xuống cát ba phần tư. Sau khi quan sát, xác định đây là quả thủy lôi MK-52, chúng tôi đã dùng la bàn xác định vị trí của thủy lôi. Công việc vừa xong thì thuyền của công an vũ trang Tràng Cát đến đón chúng tôi về theo sự hiệp đồng từ trước - ông Hùng kể.

Cái chết nhẹ tựa lông hồng ảnh 1

Đồng chí Trần Kiên (thứ 2 phải sang) Bí thư thành ủy Hải Phòng nghe đồng chí Trương Thế Hùng báo cáo lại quá trình tháo gỡ thủy lôi 14/5/1972.

Chiều ngày 14/5/1972, tại Sở chỉ huy của Trung đoàn 171 Hải quân, Ban chỉ đạo chống phong tỏa do đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Hải quân chủ trì họp bàn kế hoạch tháo thủy lôi. Lúc này lực lượng được xác định là 1 tổ của Trung đoàn 171, 1 tổ của Sư đoàn 350, 1 tổ của Đồn 34 Công an vũ trang Tràng Cát, 1 tổ của Đội trục vớt Ty Bảo đảm Hàng hải, mỗi tổ gồm 5 người. Ban chỉ đạo quyết định đồng chí Trương Thế Hùng là người chỉ huy chung, đồng thời là người chịu trách nhiệm tháo ngòi nổ và bộ máy gây nổ.

Các thủy thủ trên tàu như ngồi trên “lò lửa” vì dưới đáy biển-nơi họ sẽ đi qua là toàn bộ bãi lôi và bom từ trường nổ tung bất cứ lúc nào. Với tinh thần thép, ở các vị trí chiến đấu, cán bộ chiến sĩ vẫn căng mắt từng giây quan sát, ghi chép, tác nghiệp trên từng ô vuông của hải đồ.

Ông Hùng kể: Đêm ngày 14/5, lực lượng tháo gỡ chúng tôi xuất phát bằng thuyền đánh cá của ngư dân Tràng Cát, trừ tổ của đội trục vớt sẽ có xuồng máy đi riêng. Lúc này Đội 8 ở Cửa Việt chưa kịp ra mà công binh Trung đoàn 171 thì chưa ai từng tháo thủy lôi. Tôi liền đề nghị với Chính ủy Hoàng Trà: “Việc này là nhiệm vụ của Hải quân, không thể do đơn vị khác. 5 năm trước, tôi đã tháo thành công quả thủy lôi kiểu này, tôi nghĩ rằng việc này tôi phải làm”. Chính ủy Hoàng Trà băn khoăn, đắn đo nhưng rồi Thường vụ Quân chủng Hải quân đã hội ý riêng và giao nhiệm vụ tháo quả thủy lôi này cho tôi.

Chưa biết sau 5 năm, loại thủy lôi này địch cải tiến như thế nào, chỉ biết 8 chiếc ốc ở ngòi nổ ở quả thủy lôi lần trước là ốc nổi, lần này là ốc chìm. Tuy nhiên, trang bị tháo thủy lôi bây giờ là những đồ chuyên dụng nên có phần yên tâm. Cũng như lần tháo thủy lôi đầu tiên, ông Hùng cho chụp ảnh, tháo ốc nào đếm ốc đó. Rồi những giây phút tháo ngòi nổ nặng nề cũng qua đi và tới gần sáng quả thủy lôi được “giải phẫu”. Tin vui lập tức được báo về Bộ Tư lệnh, khi quả thủy lôi được đưa về đất liền, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Kiên đã đến Tràng Cát để nghe báo cáo trực tiếp. Sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen ngợi. Lần ấy ông Hùng được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Quả thủy lôi MK-52 đầu tiên tháo gỡ được trong giai đoạn 2 (1972-1973) tại cửa Nam Triệu-Hải Phòng đã giúp Bộ Tư lệnh Hải quân giải đáp được 2 câu hỏi của Bộ Quốc phòng, đồng thời đã giúp ta nghiên cứu và nắm được ý đồ chiến thuật của địch lần này là nhằm đánh tàu lớn của ta. Đây cũng là cơ sở để ta nghiên cứu đưa vào sử dụng phương tiện rà quét phá thủy lôi thế hệ kế tiếp.

Những “siêu nhân” băng qua cửa tử

Trong chiến dịch rà phá thủy lôi (1972-1973), Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 171 Hải quân là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu thường xuyên phải đối mặt với cái chết. Từ trường cực mạnh bao quanh, sự cố xảy ra bất cứ lúc nào. Trong muôn vàn hiểm nguy, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đã sáng tạo ra nhiều biện pháp rà phá độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của bộ đội Hải quân.

Ông Nguyễn Việt Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng - Tiểu đoàn 1 người trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn kể: Trong thời gian 1965 -1967 đế quốc Mỹ đã thả thủy lôi xuống khu vực Cửa Gianh, Lạch Trường dày đặc. Ban ngày các phương tiện được ngụy trang kín đáo trà trộn với các tàu buôn tại cảng, tàu của ngư dân để bổ sung nhiên liệu, củng cố tình trạng kỹ thuật. Khi đêm xuống, các con tàu lại lầm lũi rầm rì tiến ra các tuyến luồng lạch Nam Triệu, Bạch Đằng, Sông Chanh, Bến Gót… ven biển từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh. Các thủy thủ trên tàu như ngồi trên “lò lửa” vì dưới đáy biển-nơi họ sẽ đi qua là toàn bộ bãi lôi và bom từ trường nổ tung bất cứ lúc nào. Với tinh thần thép, ở các vị trí chiến đấu, cán bộ chiến sĩ vẫn căng mắt từng giây quan sát, ghi chép, tác nghiệp trên từng ô vuông của hải đồ.

Cái chết nhẹ tựa lông hồng ảnh 2 Ông Nguyễn Việt Long-Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1-Trung đoàn 171 Hải quân đang trò chuyện với phóng viên.
Thời gian cao điểm của chiến dịch rà phá mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 lập được đó là 300 ngày đêm liên tục, các tàu đã đi gần 2.500 hải lý, phá 735 quả thủy thôi và bom từ trường, mở thông luồng cho tàu thuyền trong nước và tàu của bạn bè nước ngoài đi lại an toàn.

Một thực tế thời đó khiến các cấp chỉ huy lo lắng, đó là những con tàu nằm ngay bên cảng Hải Phòng ngày càng nhiều, bởi luồng ra vào cảng Mỹ đều phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường. Để giải tỏa luồng lạch Nam Triệu, tàu V412, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 đã được chọn là tàu đầu tiên cải tiến thành tàu phóng từ rà quét thủy lôi (biến con tàu thành cục nam châm khổng lồ, mà từ trường của nó phát ra đủ mạnh để khởi động các máy móc và kích nổ thủy lôi MK-52).

Tàu V412 rà phá thủy lôi mang tính thử nghiệm với phương tiện tự tạo và mạo hiểm nên mỗi buổi tối ra đi, khi những chiếc áo phao được mặc gọn ghẽ vào người, mỗi cán bộ, chiến sĩ xác định mình là một thành viên trong đội cảm tử.

Vào một buổi tối mùa hè năm 1972, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Được lệnh, tàu V412 xuôi dòng sông Cấm tiến về bãi thủy lôi, khi qua khu vực đèn Khuỷu, hai máy phát điện một chiều 39KW được khởi động, công việc chuẩn bị cho phóng từ đã sẵn sàng.

Tàu V412 được coi là “khắc tinh” của thần chết trên sông biển. Con tàu này cũng là niềm tự hào của Tiểu đoàn 1-Trung đoàn 171, của những người lính Hải quân trong thời kỳ chống phong tỏa và bom từ trường của Mỹ.

Trong đêm tối, âm thanh vắng vẻ cả một vùng biển nước mênh mông, tiếng nổ của những chiếc máy tàu xen lẫn tiếng rú nhè nhẹ của máy phát điện khi thay đổi xung điện. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Khơ điều khiển con tàu dứt khoát qua trái, qua phải… để điều khiển tàu đi đúng hướng, báo vụ liên tiếp liên lạc với sở chỉ huy. Dưới đáy biển, kẻ thù chính của tàu là thủy lôi MK-52, bom từ trường DST - 36 bất cứ lúc nào cũng có thể nổ tung, với sức công phá lớn…

Khi tàu đi qua bến Hoàng Châu được gần 1 hải lý, bỗng nhiên con tàu rung lên, tiếp đó từ mạn trái khoảng 30 độ, cự ly 20m, từ trong đêm tối một cột nước lớn bùng lên, làm tàu chao đảo. Thủy lôi nổ, quả thủy lôi đầu tiên ở luồng Nam Triệu do tàu V412 gây nổ trong đêm thử nghiệm (27/12/1972). Sự việc này đã củng cố niềm tin để cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà phá tiếp theo.

Những lần đi biển thực hiện nhiệm vụ rà quét thủy lôi trở thành quy luật, khoảng 17 đến 18 giờ tàu rời bến xuôi dòng sông Cấm, các máy phát điện được khởi động, cán bộ, chiến sĩ lại gọn gàng trong áo phao để chiến đấu trong đêm. Khi trời sáng tàu lại về bến X46, cảng Hạ Long. Công việc của cán bộ, chiến sĩ trên tàu liên tục, có thời gian kéo dài đến 28 ngày đêm không nghỉ ngơi.

Ông Khơ tâm sự: Trong những lần rà phá thủy lôi, tàu cũng gặp không ít những hiểm nguy. Một lần tàu đi hết tuyến Hoàng Châu - Avan và quay lại được độ nửa đoạn đường, bỗng nhiên tàu rung lên thật mạnh, rồi bị hất nghiêng về bên phải. Máy móc trên tàu im bặt, tiếp đó là cột nước, bùn đất ào ào trùm cả con tàu. Thấy con tàu còn lắc nhẹ theo sóng, như vậy tàu chưa chìm, song mọi vị trí đều im lặng, kiểm tra các vị trí thấy yên ắng, tôi tưởng họ đã hy sinh… Nhưng sau ít phút anh em tỉnh lại, kiểm tra thấy thiếu một chiến sỹ cơ điện Chu Văn Võ bị hất xuống biển, rất may do mặc áo phao đồng chí vẫn an toàn…

MỚI - NÓNG