'Cảm hóa' bộ đội ở Sư đoàn 316

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) trong phút giải lao trên thao trường.
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) trong phút giải lao trên thao trường.
TP - Công tác tư tưởng là nghệ thuật cảm hóa con người, nên cái tâm rất quan trọng. Chỉ có tâm trong mới có thể thu phục, tạo sự tin tưởng, gần gũi đối với cấp dưới, từ đó phát hiện được các vấn đề tư tưởng nảy sinh để xử lý kịp thời, Chính ủy Sư đoàn 316 nói.

Ngôi nhà thứ hai

Chúng tôi có mặt tại Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) vào ngày nghỉ cuối tuần khi đơn vị chuẩn bị kết thúc tháng đầu huấn luyện chiến sỹ mới. Bên cạnh việc tham gia những hoạt động vui chơi, giải trí sôi nổi do đơn vị tổ chức, nhiều chiến sỹ mới còn vui mừng được đón người thân lên thăm. Nhìn các chàng lính trẻ quấn quýt bên cha mẹ, không quản ngại đường sá xa xôi, lên tận đơn vị động viên, chúng tôi như thấy vui lây với niềm vui của họ.

Bà Bùi Thị Thắm (xã Mường Chay, huyện Mai Sơn, Sơn La), cách đơn vị hơn 200 cây số, mẹ của chiến sỹ Bùi Nam Tiến, trung đội 14, đại đội 8, tiểu đoàn 5 cùng một số người thân của các chiến sỹ được chỉ huy đơn vị dẫn đi tham quan một vòng doanh trại. Ai cũng phấn khởi ra mặt khi được tận mắt chứng kiến nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập và rèn luyện của con em mình. Bà Thắm xúc động: “Ở đây tốt quá, nhà cửa vừa sạch sẽ lại vừa đẹp mắt, cuộc sống đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Vậy mà ở nhà tôi cứ lo không biết tình hình của con trong quân ngũ thế nào”.

“Tâm trong kết hợp với trách nhiệm cao sẽ tìm ra được biện pháp hay để vừa làm chỉ huy, vừa làm người anh, người chị, người bạn của chiến sỹ. Đây cũng là căn cốt trong công tác quản lý tư tưởng, là chất keo kết dính tạo nên môi trường xã hội quân sự mà ở đó có sự thống nhất, đồng lòng trong một tập thể lớn, đồng cam cộng khổ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”. 

Thượng tá Đỗ Xuân Tụng, Chính ủy Sư đoàn 316

Bà Hoàng Thị Lê Minh (phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), mẹ của chiến sỹ Hoàng Thanh Bình, trung đội 11, đại đội 8 chia sẻ: “Con em chúng tôi được giáo dục, rèn luyện ở một đơn vị hai lần anh hùng như Trung đoàn 148 thật là vinh dự”. Ông Bùi Văn Trường, trú tại khu 7, xã Đan Hà (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) vỗ lên vai cậu con trai độc nhất là chiến sỹ Bùi Văn Giang, trung đội 10, đại đội 8, tiểu đoàn 5 tự hào khoe: “Vợ chồng tôi hiếm muộn, chỉ sinh được mỗi cháu Giang đây. Tôi mong muốn con trai duy nhất của mình sau khi trải qua môi trường quân đội sẽ rắn rỏi và trưởng thành hơn”.

Trung tá Phạm Văn Trường, Chính ủy Trung đoàn 148 cho biết, trước đây, mỗi khi chiến sỹ có người nhà ở quê lên thăm, đơn vị đều bố trí cho bộ đội đón tiếp tại khu vực riêng bên ngoài doanh trại. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn giao cho cán bộ đảm nhiệm trực chỉ huy vào ngày nghỉ cuối tuần chủ trì gặp gỡ, đón tiếp chu đáo, đồng thời dẫn người nhà của chiến sỹ đi tham quan đơn vị. 

Thông qua việc này, mối liên hệ giữa gia đình chiến sỹ và đơn vị cũng trở nên mật thiết, gắn bó hơn, là điều kiện thuận lợi trong phối hợp quản lý, giáo dục, động viên bộ đội. Cũng theo trung tá Trường, việc người nhà của chiến sỹ được trực tiếp chứng kiến điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cùng thái độ gần gũi, thân thiện của chỉ huy các cấp, họ càng thêm yên tâm, phấn khởi, càng tin tưởng vào sự trưởng thành của con mình khi được học tập, giáo dục, rèn luyện tại đơn vị.

Sinh hoạt vượt cấp

Đó là một trong những biện pháp nắm bắt tư tưởng bộ đội mang lại hiệu quả cao ở Sư đoàn 316. Đại úy Đỗ Hồng Tính, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148 cho biết: “Chiến sỹ mới thường có tâm lý e ngại khi tham gia phát biểu ý kiến trong sinh hoạt các cấp. Nhất là những gì liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ, tâm tư nguyện vọng, vấn đề có tính nhạy cảm… 

Để giải quyết bài toán này, các đơn vị trong sư đoàn thường xuyên tiến hành sinh hoạt vượt cấp. Theo đó, khi chỉ huy đại đội tiến hành sinh hoạt với chiến sỹ thì cán bộ trung đội không tham gia; chỉ huy tiểu đoàn tiến hành sinh hoạt với bộ đội thì cán bộ đại đội cũng không dự cùng và khi chỉ huy trung đoàn gặp mặt riêng chiến sỹ, cán bộ cấp dưới cũng không có mặt”.

Kết quả cho thấy, tại các buổi sinh hoạt như vậy, đội ngũ hạ sỹ quan, chiến sỹ, nhất là chiến sỹ mới cảm thấy mạnh dạn hơn khi bày tỏ tâm tư nguyện vọng với cấp trên, tâm lý bộ đội cũng như không khí của buổi sinh hoạt không còn căng thẳng, khoảng cách giữa cán bộ không trực tiếp tiếp xúc với chiến sỹ cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn… 

Từ đó, giúp cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nắm bắt được kịp thời không ít diễn biến tư tưởng nảy sinh của bộ đội để có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài, giúp bộ đội luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.

Có thể khẳng định, trong công tác quản lý tư tưởng bộ đội, có nhiều biện pháp khác nhau, nhưng việc đón tiếp chu đáo người thân của chiến sỹ, giúp họ “mục sở thị” nơi rèn luyện của con em mình là một trong những cách làm sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa nhân văn của Sư đoàn 316.

MỚI - NÓNG