Cao nhất là tình yêu Tổ quốc

Một tiết mục tại Ngày thơ Việt Nam tối qua 23-2. Ảnh: Ngọc Thắng
Một tiết mục tại Ngày thơ Việt Nam tối qua 23-2. Ảnh: Ngọc Thắng
Thơ có thể viết “về tất cả và cho tất cả” như Paul Eluard đã nói. Nhưng thơ Việt bao giờ cũng đặt lên cao nhất tình yêu Tổ quốc và tình yêu đồng bào mình. Đó là hai đợt sóng của trách nhiệm, của sự tự nguyện dấn thân và khí khái trong thơ Việt.

> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: 'Mãi mãi là sao sáng dẫn đường'
> Gần lắm Trường Sa!

Ngày 26-2-1285, dũng tướng Trần Bình Trọng bị giặc Nguyên bắt khi đang chiến đấu đã thét vào mặt quân xâm lược: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”.

Sau 694 năm, ngày 17-2-1979, thượng úy Đỗ Sĩ Họa (Đồn 209, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh) đã dõng dạc trước “biển người” quân xâm lược Trung Quốc đang bao vây: “Người Việt Nam không biết quỳ gối đầu hàng, chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết!”.

Sau 703 năm, ngày 14-3-1988, thiếu úy Trần Văn Phương trong khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma đã quấn lá cờ Tổ quốc vào thân mình và hô to trước khi hy sinh: “Không được lùi bước trước quân thù! Hãy để máu chúng ta thấm lá cờ Tổ quốc!” .

Người Việt Nam là vậy, dù là một vị tướng hay chỉ là một người lính, dù sống cách nhau trên dưới 700 năm, thì trước kẻ thù, câu trả lời đều rất giống nhau. Những câu nói mà người Việt không bao giờ quên!

Đó cũng là sự ghi nhớ và câu trả lời của thơ Việt trước mọi kẻ thù của đất nước. Đặng Dung từng viết: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma (Thù nước chưa xong đầu đã bạc/Gươm mài bóng nguyệt xiết bao dài” (Thuật hoài).

Nguyễn Trãi từng viết: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Ngày đêm cuồn cuộn nước triều Đông” (Thuật hứng, số 50).

Và Xuân Diệu: “Yêu với căm hai đợt sóng ào ào/Vỗ bên lòng dội mãi tới trăng sao”(Những đêm hành quân).

Không được phép quên

Với đất nước Việt Nam mà lịch sử là tiếp nối những cuộc chiến tranh chống xâm lược, thì nói “yêu”, biết yêu là chưa đủ, còn phải nói “căm” và biết căm nữa. Đó là hai đợt sóng dội lên trong thơ Việt suốt hàng nghìn năm nay. Và sẽ còn tiếp tục, một khi kẻ thù vẫn rình rập xâm hại chủ quyền Tổ quốc ta.

Ai mà không rơi nước mắt khi đọc câu thơ này của Chế Lan Viên: “Tổ quốc như bà mẹ nghèo thì thầm cùng tôi qua nước mắt”. Khi nhà thơ cảm nhận tới tận cùng đớn đau, tận cùng yêu thương Tổ quốc như người mẹ của mình, thì thơ không bao giờ quên lãng. Không được phép quên!

Thơ có thể viết “về tất cả và cho tất cả” như Paul Eluard đã nói. Nhưng thơ Việt bao giờ cũng đặt lên cao nhất tình yêu Tổ quốc và tình yêu đồng bào mình. Đó là hai đợt sóng của trách nhiệm, của sự tự nguyện dấn thân và khí khái trong thơ Việt.

 Hơn mọi dân tộc khác, dân tộc Việt Nam chịu bao đau thương khốn khổ vì chiến tranh, chỉ muốn được sống yên ổn trong hòa bình. Nhưng yên ổn không đồng nghĩa với lãng quên hay vô ơn. 

“Ngày thơ” rằm tháng giêng hằng năm là để nhắc nhở chúng ta tinh thần tự nguyện dâng hiến những gì tốt đẹp nhất của chúng ta cho Tổ quốc mình. Những cuộc chiến tranh chống xâm lược đã qua, cuộc chiến gần nhất cũng đã cách hôm nay 34 năm. Hơn mọi dân tộc khác, dân tộc Việt Nam chịu bao đau thương khốn khổ vì chiến tranh, chỉ muốn được sống yên ổn trong hòa bình. Nhưng yên ổn không đồng nghĩa với lãng quên hay vô ơn. Trong Thế chiến thứ hai, nữ thi hào Nga Olga Berggoltz đã viết hai câu thơ về sau được khắc trên tất cả các đài tưởng niệm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại: “Không một ai bị lãng quên/Không một cái gì bị quên lãng”.

Khi máu các liệt sĩ đã thấm xuống từ những ngọn núi biên cương mù sương Cao Bằng, Hà Giang tới tận cùng những đảo chìm đảo nổi Hoàng Sa, Trường Sa, ở bất cứ nơi nào trên thân mình Tổ quốc, thì ở đó, “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” (Nguyễn Việt Chiến). Tổ quốc được tái sinh liên tục như thế. Và trường tồn.

Không có sự hy sinh nào cho Tổ quốc mà bị lãng quên, dù vô tình hay cố ý.

Thơ Việt luôn đồng hành với lòng yêu nước và sự biết ơn. Đã biết ơn thì không bao giờ quên lãng. Đã yêu nước thì phải biết Tổ quốc mình đang ở “nơi đầu sóng”, và biết kẻ thù của Tổ quốc mình là ai. Những ghi nhớ bằng thơ về lòng dũng cảm và đức hy sinh của người Việt qua các cuộc chiến tranh chống xâm lược từ hàng nghìn năm nay đã và sẽ là những tượng đài trong lòng người dân Việt. Thơ yêu nước sẽ được những người yêu nước ghi nhớ. Thơ nhớ ơn Tổ quốc mình, nhân dân mình sẽ được những người biết ơn ghi nhớ:

“Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi

Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao”

(Xuân Diệu - Những đêm hành quân).

Đó là một cam kết bằng máu của thơ Việt với nhân dân mình.

Theo Thanh Thảo
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.