Chiến dịch đánh cắp trực thăng táo bạo của CIA

Trực thăng Mi-24P Hind F hoạt động trong quân đội Mỹ với vai trò thử nghiệm. Ảnh: Wikipedia
Trực thăng Mi-24P Hind F hoạt động trong quân đội Mỹ với vai trò thử nghiệm. Ảnh: Wikipedia
Năm 1987, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ triển khai chiến dịch không vận đặc biệt Mount Hope III đánh cắp trực thăng Mi-24 mắc kẹt trên sa mạc ở Cộng hòa Chad.

Những năm 1980, Liên Xô duy trì quan hệ ngoại giao thân thiết với một số quốc gia châu Á và châu Phi nhằm cung cấp trang thiết bị quân sự chống lại phương Tây. Đặc biệt, Libya được xem là một trong những đồng minh thân cận của Moscow. Nền tảng lực lượng vũ trang nước này là các thiết bị đến từ Liên Xô như máy bay chiến đấu thương hiệu MiG và Sukhoi.

Theo Tactical Air Network, ở thời điểm đó, Liên Xô đang xúc tiến bán cho Libya một số trực thăng tấn công Mil Mi-25, phiên bản xuất khẩu của Mi-24 Hind D. Lúc đó, Mi-24 là một trong những thiết bị quân sự độc đáo. Nó được thiết kế để thực hiện các chiến dịch yểm trợ hỏa lực đường không mạnh mẽ. Bên cạnh đó, trực thăng này có thể chở theo 8 binh lính trong khoang phía sau.

Mi-24 là sự kết hợp hoàn hảo giữa trực thăng tấn công và chở quân. Giải pháp này cho phép Moscow triển khai lực lượng đặc biệt hiệu quả đến chiến trường, sau đó bay lên cao làm nhiệm vụ yểm trợ. Trong khi đó, Mỹ sử dụng AH-1 Corba cho nhiệm vụ tấn công và UH-1 Huey chở quân. Phương Tây không có thiết kế nào tương tự Mi-24.

Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Mi-24 được đưa vào phục vụ trong quân đội Liên Xô từ cuối những năm 1970. Trong khoảng thời gian này, CIA và Cơ quan Tình báo Anh (MI6) liên tục tìm cách tiếp cận máy bay này nhưng không thành công.

Mối quan tâm về Mi-24 tăng lên sau khi tin tức trực thăng này xuất hiện ở Ethiopia và chiến đấu rất thành công. Sau đó, Hind nhanh chóng có mặt ở Afghanistan. Mi-24 hoạt động rất hiệu quả và trở thành nỗi ám ảnh của phiến quân Mujahideen.

Giới tình báo phương Tây trở nên lo lắng trước hiệu suất chiến đấu của Mi-24. Tìm hiểu kỹ về thiết kế của Hind trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của CIA, đặc biệt để xác định mục đích có cần thiết hay không một thiết kế có tính năng tương tự.

Cuối cùng CIA đã tìm thấy cơ hội tiếp cận Mi-24 khi các nguồn tin xác nhận một trực thăng Hind do Liên Xô viện trợ cho Libya mắc kẹt tại sa mạc ở lãnh thổ Cộng hòa Chad (một quốc gia ở Trung Phi).

Chiến dịch không vận táo bạo

Chiến dịch đánh cắp trực thăng táo bạo của CIA ảnh 1

Trung đoàn không vận đặc biệt 160 đã đi vào lịch sử quân đội Mỹ khi thực thiện thành công sứ mệnh vận chuyển chưa từng có. Ảnh: Tacairnet

Quan hệ ngoại giao giữa Libya và Cộng hòa Chad thường xuyên căng thẳng trong những năm 1980. Ở thời điểm đó, chính phủ Libya hậu thuẫn cho một nhóm phiến quân nhằm lật đổ chính phủ Chad. Quân đội Libya đã triển khai một số lượng đáng kể hỏa lực mạnh vượt qua biên giới giữa hai nước nhằm giúp sức cho nhóm phiến quân.

Tuy nhiên, quân đội Chad kháng cự mạnh mẽ và đẩy lui lực lượng Libya ra khỏi biên giới. Trong quá trình rút quân, một số lượng trang bị khí tài hạng nặng mắc kẹt tại sa mạc, trong đó có một trực thăng Mi-24 ở sân bay Ouadi Doum, miền Bắc Chad.

Sau khi các nguồn tin tình báo xác nhận sự tồn tại của Mi-24 trên lãnh thổ Chad, CIA nhanh chóng lên kế hoạch đánh cắp trực thăng này hoặc tìm hiểu nhiều thông tin nhất có thể trước khi Libya phát hiện ra vấn đề. CIA phối hợp cùng Bộ Quốc phòng đàm phán bí mật với chính phủ Chad về việc chuyển trực thăng đến cơ sở của Lầu Năm Góc.

Chính phủ Chad đã đồng ý cho CIA thực hiện công việc nhưng phải đảm bảo tính bí mật. Chiến dịch đánh cắp trực thăng Mi-24 mang mật danh Mount Hope III. Trung đoàn không vận đặc biệt số 160, đơn vị có biệt danh Night Stalkers (những kẻ rình rập vào ban đêm) được lựa chọn thực hiện sứ mệnh đặc biệt này.

Tháng 4/1987, đơn vị tiến hành các hoạt động chuẩn bị và thử nghiệm trên khu vực sa mạc ở bang New Mexico. Một trực thăng vận tải CH-47 Chinook được sửa đổi để có thể nâng Mi-24 với trọng lượng khoảng 8,1 tấn. Người ta phải gia cố lại những chiếc móc, động cơ và hệ thống truyền động được điều chỉnh để phù hợp với trọng lượng và kích thước quá khổ của Mi-24.

Ngày 21/5/1987, hai trực thăng CH-47 được một phi cơ vận tải C-5 Galaxy chở đến sân bay Ndjamena, miền Nam Chad. Sau đó, CIA triển khai một đội trinh sát đến hiện trường để tiến hành quá trình chuẩn bị. Chính phủ Pháp hỗ trợ cho chiến dịch bằng cách gửi một đội thực hiện các số nhiệm vụ vòng ngoài trên mặt đất. Bên cạnh đó, họ còn gửi một chiến đấu cơ Mirage F1 yểm trợ trên không và máy bay vận tải C-130 làm công tác hậu cần.

Đêm 11/6, hai trực thăng CH-47, mã liên lạc Chalk 1 và Chalk 2, cất cánh làm nhiệm vụ. Họ phải vượt qua quãng đường 926 km trong đêm để tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, nguồn tin từ đội trinh sát báo về cho biết, lực lượng quân đội Libya vẫn hoạt động khá mạnh trong khu vực. Nếu họ phát hiện hoạt động quân sự của Mỹ, một cuộc đấu súng, thậm chí một sự kiện mang tính quốc tế có thể xảy ra.

Sau khi đội trinh sát phân tích và đánh giá tình hình, họ yêu cầu Chalk 1 hạ cánh trước xuống sân bay Ouadi Doum. Đội ngũ kỹ thuật sẽ tiến hành tháo cánh chính và cánh đuôi cũng như chuẩn bị móc. Sau đó, Chalk 2 bay phía sau sẽ nhanh chóng hạ cánh và cẩu Mi-24 rời khỏi khu vực.

Toàn bộ chiến dịch diễn ra suôn sẻ mà quân đội Libya đồn trú cách đó vài kilomet không biết. Sau 36 giờ làm nhiệm vụ, kiện hàng đặc biệt được chuyển đến sân bay Ndjamena an toàn. Phi cơ C-5 chở theo Mi-24 nhanh chóng về nước để các chuyên gia phân tích.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG