Cựu binh Tàu không số kể về “con đường chưa có tiền lệ” trên biển

Thiếu tá Nguyễn Văn Đức sẻ chia những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm thủy thủ Tàu không số.
Thiếu tá Nguyễn Văn Đức sẻ chia những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm thủy thủ Tàu không số.
TPO - Nhiều kỷ niệm gian lao mà anh dũng về một thời hoa lửa đã được chính những người bước ra từ chiến trường kể lại, để hun đúc ngọn lửa yêu nước, tinh thần cống hiến xây dựng đất nước trong mỗi người trẻ.

Sáng 23/9, tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, Thành Đoàn TPHCM tổ chức chương trình gặp gỡ giữa cựu chiến binh với thanh thiếu nhi thành phố.

Các cựu chiến binh là những người một thời tham gia vào những chiến dịch, những con đường huyền thoại, những điểm nóng tranh đấu giành độc lập dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế. Họ là Trung tướng, Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam TPHCM; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng; Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số tại TPHCM; Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội chất độc da cam TPHCM, Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7; ông Trần Trọng Ân, Chủ tịch Hội CCB phường 10, quận 8, TPHCM, Giám đốc xí nghiệp sản xuất giày - dép Ba Đình.

Cựu binh Tàu không số kể về “con đường chưa có tiền lệ” trên biển ảnh 1 Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ tại buổi gặp gỡ giữa cựu chiến binh với thanh thiếu niên
Cựu binh Tàu không số kể về “con đường chưa có tiền lệ” trên biển ảnh 2 Đoàn viên thanh niên TPHCM lắng nghe những câu chuyện về một thời đấu tranh kiên cường của thế hệ cha ông 
Là người vào sinh ra tử cùng đồng đội trong những chuyến tiếp vận trên biển vào chiến trường miền Nam, Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số tại TPHCM, hồi tưởng về nhiều câu chuyện chinh chiến cam go những năm cuối thập kỷ 60. Thiếu tá Đức kể, riêng năm 1968 có đến 3 trong số 4 tàu không số hy sinh, chỉ một tàu thoát khỏi sự đeo bám của kẻ thù. Ông cho biết, trong một cuộc chạm trán với địch đầu xuân Mậu Thân 1968 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), địch nổ súng, tàu chạy mãi vào bờ giữa lúc một số anh em trên tàu trúng đạn rồi hy sinh. Trong loạt đoạn đầu, một đồng đội của ông Đức trúng đạn, thều thào với ông: “Anh ơi, em trúng đạn, anh ở lại chiến đấu thắng lợi. Đồng chí này hy sinh khi mới cưới vợ được 3 ngày nhưng đã kiên quyết quay lại chiến trường để sát cánh cùng đồng đội. Đó là kỷ niệm sâu sắc mà ông Đức không thể nào quên.

Thiếu tá Đức chia sẻ, trong những thời khắc sinh tử trên biển cả, dẫu sóng to gió lớn vất vả nhưng đó cũng là cơ hội để ta luồn lách qua khỏi họng súng quân thù bởi khi đó Hải quân Ngụy - lực lượng rất hung hãn, hiếu chiến - đã lui về trú ẩn, chỉ còn Hải quân Mỹ nhiều khi buộc phải tôn trọng nguyên tắc chủ quyền trên vùng biển quốc tế.

Giờ đây, ông Đức không khỏi khắc khoải, xúc động khi nhắc nhớ chuyện xưa với nỗi đau nhiều anh em, đồng đội hy sinh và nằm lại trên biển. Ngày đó, các chiến sĩ phải tìm cách thoát khỏi sự kiềm tỏa của quân địch, khi mà có lúc địch kè sát bên chỉ 30 mét. Thiếu tá Đức khẳng định: “Người lính tàu không số đã luôn giữ ý chí, quyết tâm bảo vệ an toàn cho tàu, cho bến, cảng biển. Con đường này là con đường chưa có tiền lệ”.

Cựu binh Tàu không số kể về “con đường chưa có tiền lệ” trên biển ảnh 3 Cựu chiến binh Trần Trọng Ân
Cựu binh Tàu không số kể về “con đường chưa có tiền lệ” trên biển ảnh 4 Bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm cùng Trung tướng Trần Thanh Huyền
“Về lại thời bình, nhớ về những đồng đội cùng chiến đấu, hy sinh bên mình cùng nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời càng nhắc tôi làm sao phải trở về những bến thuyền năm xưa nơi đồng bào đưa đón, bảo bọc. Cùng với nỗ lực của chính quyền thành phố, thế hệ trẻ không được quên chiến tích xưa, phải cố gắng học hành thật giỏi để góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn”, Thiếu tá Nguyễn Văn Đức nhắn nhủ các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Với thương binh Trần Trọng Ân, sau khi tham gia chiến trường, trở về đời thường, với tinh thần tàn nhưng không phế, ông học nghề trong 6 năm và mở cơ sở hành nghề. Nghề nghiệp ổn định, phát triển cũng là lúc ông hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội mình cải thiện cuộc sống. 

“Mặc dầu chúng ta đang ở trong điều kiện kiện hòa bình, trong một thành phố văn minh, hiện đại nhưng các em, các cháu cũng phải nỗ lực hỏi để sau này góp sức dựng xây đất nước”, ông Trần Trọng Ân - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 10, quận 8, TPHCM, Giám đốc xí nghiệp sản xuất giày - dép Ba Đình chia sẻ.

Chương trình gặp gỡ là hoạt động thiết thực kỷ niệm 72 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2017), hướng đến kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Cựu chiến binh TPHCM lần thứ VI nhiệm kỳ 2017 - 2022. Thông qua chương trình gặp gỡ, giao lưu, thanh thiếu nhi thành phố có cái nhìn rõ hơn về một phần lịch sử, truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của ông cha.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.